Nguồn: “Berlin Wall built,” History.com (truy cập ngày 14/8/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 15/08/1961, hai ngày sau khi đám hàng rào dây kẽm gai được dựng lên để phong tỏa lối đi lại giữa Đông và Tây Berlin, chính quyền Đông Đức bắt đầu cho xây dựng một bức tường – Bức tường Berlin – để đóng cửa vĩnh viễn lối tiếp cận sang Tây Berlin. Trong 28 năm sau đó, Bức tường Berlin được canh phòng nghiêm ngặt đã trở thành biểu tượng hữu hình nhất của Chiến tranh Lạnh, một “bức màn sắt” đúng nghĩa chia cắt châu Âu.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, nước Đức bị chia cắt thành bốn khu vực chiếm đóng dưới sự kiểm soát của các nước Đồng Minh. Berlin, thủ đô của nước Đức, cũng bị chia cắt thành bốn khu vực tương tự, mặc dù nó nằm sâu trong vùng kiểm soát của Liên Xô. Tương lai của nước Đức và của Berlin là vấn đề lớn không thể giải quyết được trong các cuộc đàm phán hậu thế chiến, những căng thẳng tiếp tục được đẩy lên cao khi Mỹ, Anh, và Pháp quyết định thống nhất ba vùng chiếm đóng của họ thành một thực thể tự trị duy nhất – Cộng hòa Liên bang Đức (tức Tây Đức). Để đáp trả, Liên Xô ra lệnh phong tỏa đường bộ dẫn vào Tây Berlin để buộc phương Tây từ bỏ thành phố này. Tuy nhiên, những chiến dịch không vận khổng lồ của Anh và Mỹ đã giúp Tây Berlin được cung cấp thực phẩm và nhiên liệu, và đến tháng 5/1949, Liên Xô quyết định chấm dứt cuộc phong tỏa thất bại này.
Đến năm 1961, những căng thẳng Chiến tranh Lạnh về vấn đề Berlin một lần nữa dấy lên. Với những người dân Đông Đức bất mãn với cuộc sống của họ dưới chế độ cộng sản, Tây Berlin là cửa ngõ dẫn tới phương Tây dân chủ. Trong giai đoạn 1949-1961, khoảng 2,5 triệu người dân Đông Đức đã di tản sang Tây Đức, chủ yếu thông qua con đường Tây Berlin. Đến tháng 8/1961, có trung bình 2.000 người dân Đông Đức tìm đến Tây Đức mỗi ngày. Trong số những người tị nạn có nhiều lao động có tay nghề cao, chuyên gia và trí thức, thế nên sự ra đi của họ là mất mát lớn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Đông Đức. Để ngăn chặn dòng người di cư về phía Tây, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đề nghị Đông Đức đóng cửa biên giới giữa hai miền Berlin.
Trong đêm 12-23/8/1961, quân đội Đông Đức đã trải hàng rào kẽm gai kéo dài gần 50 cây số xuyên qua trung tâm thành phố Berlin. Người dân Đông Berlin bị cấm tới Tây Berlin, và số lượng trạm kiểm soát nơi người Tây Berlin có thể đi qua biên giới cũng bị giảm mạnh. Bất ngờ trước hành động của Đông Đức, phương Tây đe dọa một lệnh cấm vận thương mại đối với Đông Đức để trả đũa. Liên Xô đáp trả rằng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm vận đó thì tuyến đường bộ dẫn tới Tây Berlin sẽ bị phong tỏa trở lại. Khi tình hình trở nên rõ ràng rằng phương Tây sẽ không có bất cứ hành động nghiêm trọng nào để phản đối việc phong tỏa biên giới, chính quyền Đông Đức tiếp tục đóng cửa thêm nhiều trạm kiểm soát giữa hai miền Berlin. Ngày 15/8, họ bắt đầu thay thế hàng rào kẽm gai bằng bức tường bê tông. Chính quyền Đông Đức tuyên bố rằng bức tường này sẽ bảo vệ người dân của họ khỏi những ảnh hưởng nguy hại của văn hóa tư bản suy đồi.
Các cọc bê tông đầu tiên được dựng lên trên phố Bernauer Straße và tại quảng trường Potsdamer Platz. Những người công nhân rầu rĩ, có người rơi nước mắt, bắt đầu xây dựng những phân đoạn đầu tiên của Bức tường Berlin dưới sự canh gác của quân đội Đông Đức được trang bị súng máy. Với việc biên giới bị đóng cửa vĩnh viễn, rất nhiều người đã cố gắng rời bỏ Đông Đức trong ngày 15. Conrad Schumann, một người lính Đông Đức 19 tuổi, đã trở thành chủ đề trong một bức ảnh nổi tiếng chụp cậu nhảy qua hàng rào kẽm gai để đến với tự do.
Trong thời gian sau đó đến hết năm 1961, Bức tường Berlin xấu xí và lạnh lẽo tiếp tục được mở rộng về cả quy mô và phạm vi, cuối cùng có những bức tường bê tông được dựng cao đến gần 5 mét. Trên đỉnh bức tường là hàng rào kẽm gai, được bảo vệ bằng tháp canh, các ụ súng máy, và mìn. Đến những năm 1980, hệ thống tường chắn và hàng rào điện này được mở rộng, kéo dài 45 kilômét xuyên qua thành phố Berlin và 120 kilômét bao quanh Tây Berlin, tách nó khỏi phần còn lại của Đông Đức. Đông Đức cũng dựng lên một hàng rào nghiêm ngặt chạy dọc theo phần lớn đường biên giới dài gần 1.400 kilômét giữa hai miền nước Đức.
Ở phương Tây, Bức tường Berlin được coi là biểu tượng lớn cho sự đàn áp của chủ nghĩa cộng sản. Khoảng 5.000 người Đức đã vượt qua được Bức tường Berlin để đến với phương Tây, nhưng số người trốn thoát thành công ngày càng giảm khi bức tường ngày càng được canh phòng nghiêm ngặt. Hàng ngàn người Đông Đức đã bị bắt giữ và 191 người đã bị sát hại khi cố gắng vượt qua bức tường này.
Video clip khái quát lịch sử Bức tường Berlin. Nguồn: History.com
Năm 1989, chế độ cộng sản ở Đông Đức đã bị áp đảo trước phong trào dân chủ hóa lan rộng khắp Đông Âu. Tối ngày mùng 9/11/1989, Đông Đức thông báo dỡ bỏ một phần lệnh hạn chế đi lại, và hàng ngàn người đã yêu cầu phá đổ Bức tường Berlin. Đối mặt với sức ép biểu tình ngày một lớn, lính biên phòng Đông Đức đã mở cửa biên giới. Trong niềm vui sướng, người dân Berlin đã trèo lên bức tường Berlin, vẽ graffiti lên nó, và gỡ từng mảnh của bức tường về làm kỷ niệm. Ngày hôm sau, quân đội Đông Đức bắt đầu dỡ bỏ bức tường. Năm 1990, Đông Đức và Tây Đức chính thức tái hợp.