10/10/1951: Truman ký Đạo luật Tương trợ An ninh

Print Friendly, PDF & Email

HarryTruman

Nguồn:Truman signs Mutual Security Act,” History.com (truy cập ngày 09/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1951, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ký Đạo luật Tương trợ An ninh, tuyên bố với thế giới và nhất là các cường quốc cộng sản rằng nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự cho “các dân tộc tự do”. Đạo luật này được ký sau khi Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử thứ hai vào mùng 3 tháng 10 trước đó.

Đạo luật Tương trợ An ninh 1951 được mô phỏng theo Kế hoạch Marshall, một kế hoạch viện trợ kinh tế hậu Thế chiến II nhằm giúp đỡ các nước châu Âu tái thiết sau cuộc chiến. Tuy nhiên, thay vì cung cấp viện trợ chủ yếu về mặt kinh tế như Kế hoạch Marshall, Đạo luật Tương trợ An ninh tập trung tăng viện trợ quân sự cho các nước dân chủ. Quốc hội Hoa Kỳ đã dành nhiều khoản ngân sách để chi cho nguyên vật liệu, súng đạn, xe tăng, máy bay, chuyên gia kỹ thuật và tài liệu, phân bón và hạt giống, bơm thủy lợi và vật tư y tế.

Cả Truman và Quốc hội đều tin rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm với – và cần sự hỗ trợ từ – các quốc gia khác để ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản và tham gia vào “một nỗ lực tập thể vĩ đại của các nước tự do nhằm xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn”. Truman cho rằng các khu vực đang phát triển của châu Á đặc biệt cần một nền quốc phòng mạnh mẽ hơn để chống lại sự xâm nhập của chủ nghĩa cộng sản. Các khoản ngân sách và hỗ trợ kỹ thuật từ Đạo luật Tương trợ An ninh được hy vọng là sẽ giúp các quốc gia này phát triển tiềm năng kinh tế của họ theo mô hình tư bản chủ nghĩa và từ đó ngăn họ sa vào ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Trong bài phát biểu của mình sau lễ ký, Truman phản bác lo ngại rằng Đạo luật Tương trợ An ninh sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân với Liên Xô. “Dĩ nhiên, chúng ta đang xây dựng kho vũ khí – có ngu mới không xây dựng,” ông nói, “nhưng chúng ta [cũng] đang giúp khôi phục năng lực sản xuất của các nước bị chiến tranh tàn phá”. Điều này cho thấy Đạo luật sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ kinh tế, dù ở một mức độ thấp hơn nhiều, cho các nước châu Âu – bao gồm cả nửa đất nước theo phe dân chủ của Đức và thủ đô Berlin của nó – những nước vẫn đang phục hồi kinh tế sau Thế chiến II và phải đối mặt với mối đe dọa xâm lược từ Liên Xô.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã bãi bỏ Đạo luật Tương trợ An ninh 1951 sau khi lên nắm quyền năm 1953.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]