Tác giả: Lê Thành Lâm
Học thuyết Truman là một chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Harry S. Truman được thông qua vào tháng 3 năm 1947 với mục đích hỗ trợ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bằng viện trợ quân sự và kinh tế nhằm ngăn hai quốc gia này rơi vào vòng kiểm soát của các lực lượng cộng sản. Học thuyết này đã chính thức đánh dấu sự chuyển hướng chính sách của Mỹ từ hòa hoãn sang ngăn chặn đối với Liên Xô, trở thành một nền tảng quan trọng của chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Năm 1946, một nhà ngoại giao Mỹ ở Liên Xô tên là George Kennan đã gửi một bức điện về nước cho chính quyền Truman cảnh báo về sự gia tăng sức mạnh của Liên Xô và gợi ý chính quyền Mỹ nên có một “chính sách ngăn chặn” đối với “mưu đồ bành trướng” của Liên Xô. Thực tế chính quyền Truman ngày càng tỏ ra quan ngại trước việc chủ nghĩa cộng sản dưới sự lãnh đạo của Liên Xô liên tục mở rộng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải, bán đảo Bancăng và nhiều nước Đông Âu khác.
Ngày 21/2/1947, chính phủ Anh thông báo với chính quyền Mỹ về khả năng không thể tiếp tục viện trợ cho các lực lượng bảo thủ chống lại Mặt trận Giải phóng Dân tộc (trong đó có các lãnh đạo cộng sản) ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh bày tỏ sự đồng tình nếu Mỹ trợ giúp hai nước này. Hy Lạp được xem như cái nôi của nền dân chủ, là một biểu tượng mà chính quyền Truman muốn bảo vệ. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã gây sức ép buộc nước này phải sửa đổi Hiệp ước Montreux về eo biển Hắc Hải, để cho Liên Xô được quyền phòng thủ tại eo biển này. Đồng thời, Liên Xô cũng yêu cầu thiếp lập một thể chế chính quyền mới ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô và cho phép quân đội Liên Xô hiện diện ở nước này. Do đó, chính quyền Truman nhận thấy cần thiết phải tiếp tục chính sách ủng hộ hai quốc gia này chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản.
Tổng thống Harry S. Truman |
Harry S. Truman sinh ngày 8/5/1884 tại Lamar bang Missouri, mất ngày 26/12/1972 tại Kansas bang Missouri. Ông là tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1945-1953 và từng làm Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Trong lĩnh vực đối ngoại, ông được biết đến với những sự kiện như vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, ban hành kế hoạch Marshall, thành lập khối NATO. |
Ngày 12/3/1947, trong bài diễn văn diễn văn trước Quốc hội, Tổng thống Harry S. Truman đã đưa ra chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, đồng thời yêu cầu Quốc hội Mỹ chi 400 triệu đôla nhằm viện trợ kinh tế và quân sự cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Truman đã cảnh báo với Quốc hội Mỹ rằng nếu không có sự giúp đỡ thì hai nước này sẽ rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản. Do đó, việc bảo vệ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là cần thiết để duy trì trật tự ở Trung Đông và tự do ở Châu Âu. Cũng trong bài diễn văn, Truman chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với một sự lựa chọn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, giữa chế độ “độc tài” và “dân chủ”, giữa “tự do” và “áp bức”. Trong một thế giới như vậy, ông tuyên bố rằng nước Mỹ buộc phải can dự bởi chính sách của Mỹ là ủng hộ các dân tộc tự do đang nỗ lực chống lại sự chinh phục từ các nhóm vũ trang hoặc từ những áp lực bên ngoài. Ngày 8/5, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận Dự luật Viện trợ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ với 287 phiếu thuận và 107 phiếu chống. Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật vào ngày 22/5. Bài diễn văn ngày 12/3/1947 của Tổng thống Truman sau đó đã trở nên nổi tiếng và được biết đến dưới tên gọi “Học thuyết Truman”. Nhiều sử gia cũng coi bài diễn văn của Truman là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Viện trợ của Mỹ cho Hy Lạp được bắt đầu từ mùa hè năm 1947, chủ yếu nhằm hỗ trợ chính quyền Athens đàn áp mạnh mẽ hơn đối với các lực lượng vũ trang quần chúng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Không chỉ viện trợ về kinh tế, Mỹ đã tận dụng không ngừng Học thuyết Truman vào mục đích mở rộng quân đội Hy Lạp lên mức 250.000 người vào năm 1948 nhằm chống lại lực lượng 25.000 người của lực lượng cộng sản. Một phần tư số tiền viện trợ cho Hy Lạp được chi vào các khoản viện trợ lương thực và một phần tư cho viện trợ kinh tế, một nửa còn lại được chi cho viện trợ quân sự. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, 80 triệu đôla được chi cho mục đích can thiệp quân sự, hơn 4,5 triệu đôla cho xây dựng đường sá, và hầu như không có viện trợ lương thực hoặc kinh tế.
Học thuyết Truman đã nhanh chóng được công luận và báo giới Mỹ hoan nghênh bởi nó thể hiện vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong việc ủng hộ tự do và dân chủ trên thế giới. Sau khi được đưa ra nó đã làm dấy lên phong trào chống chủ nghĩa cộng sản trong lòng nước Mỹ. Dù không đề cập trực tiếp đến Liên Xô trong bài diễn văn, với học thuyết đưa ra, Truman đã cho Quốc hội Mỹ thấy rằng việc đối đầu với Liên Xô là điều tất yếu không tránh khỏi. Cũng từ đây, trật tự lưỡng cực được củng cố, chính trị thế giới ngày càng bước sâu hơn vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Mỹ công khai chống lại sự mở rộng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản.
Tuy nhiên, những ý kiến phản đối lại cho rằng Học thuyết Truman đã gây ra sự phân chia thái quá trong xã hội Mỹ về khái niệm quốc gia “tốt” và quốc gia “xấu”. Ngoài ra, Học thuyết là tiền lệ cho các chương trình viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ sau này đối với các thể chế chính trị chống cộng, gây nên những áp lực to lớn lên xã hội Mỹ. Dù có những khó khăn trên nhưng Mỹ vẫn muốn duy trì vai trò lãnh đạo “thế giới tự do” của mình trong Chiến tranh Lạnh. Các khoản viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ vẫn được cung cấp trong một số chính quyền chống cộng khác, tiêu biểu như Hàn Quốc hay Nam Việt Nam.
Cho đến trước Học thuyết Truman, chính sách đối ngoại Mỹ chịu ảnh hưởng lớn từ Học thuyết Monroe (năm 1823), theo đó Mỹ không can thiệp vào công việc của châu Âu. Tuy nhiên, Học thuyết Truman đã phá bỏ Học thuyết Monroe. Về mặt kinh tế, Học thuyết đã trực tiếp dẫn tới việc hình thành Kế hoạch Marshall được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1948 với mục tiêu kiềm chế chủ nghĩa cộng sản bằng cách giúp đỡ nền kinh tế châu Âu phục hồi sau Chiến trang thế giới lần thứ hai. Về mặt quân sự, việc gửi quân đội tới các quốc gia mà Mỹ cho là “thân thiện” đã tạo tiền đề hình thành nguyên tắc “an ninh tập thể”, xây dựng một mạng lưới các quốc gia đồng minh và thân thiện được Mỹ viện trợ về mặt quân sự, đồng thời dẫn đến việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Truman đã từng khẳng định rằng Học thuyết của ông đánh dấu một “bước ngoặt” trong chính sách đối ngoại Mỹ, gắn liền với quan niệm cho rằng an ninh của Mỹ gắn chặt với an ninh thế giới. Học thuyết đã trở thành yếu tố trung tâm trong việc hình thành thế đối đầu về ý thức hệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thúc đẩy một chiến dịch lớn nhằm kiềm chế Liên Xô và ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).