Nguồn: “Why the Schengen agreement might be under threat”, The Economist, 24/08/2015.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang |Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Các quy định của Liên minh châu Âu (EU) rất coi trọng quyền tự do đi lại của người dân. Quyền tự do đi lại đã là một phần trong kế hoạch xây dựng châu Âu từ những năm 1950. Song khu vực không biên giới của châu Âu chỉ thực sự trở thành hiện thực vào năm 1985, khi một số thành viên EU, bao gồm Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, và Hà Lan, cùng gặp gỡ tại một ngôi làng ở Luxembourg có tên là Schengen để ký một thỏa thuận nhằm loại bỏ mọi hình thức kiểm soát biên giới nội khối. “Hiệp ước Schengen,” bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, đã loại bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên và cho phép du khách nước ngoài được đi lại trong cả khu vực mà chỉ cần xin thị thực một lần. Ngày nay hiệp ước này đã có tổng cộng 26 nước thành viên, trong đó có cả các nước thuộc và không thuộc EU (xem bản đồ). Nhưng tương lai của khu vực miễn thị thực của châu Âu hiện giờ đang bị đe dọa. Vì sao lại như vậy?
Có hai thế lực đang chia rẽ châu Âu. Vào mùa hè năm 2015, người di cư với số lượng lớn chưa từng có đã đặt chân đến các bờ biển của châu Âu. Họ có xu hướng đi đến các nước mà ở đó họ có khả năng cao là sẽ được ở lại, thường là Đức và Thụy Điển. Áp lực đặt lên vai hai nước này ngày càng lớn – Đức dự kiến sẽ nhận được 800.000 đơn xin quy chế tị nạn trong năm nay; cao hơn gần 4 lần so với trong năm 2014.
Vào ngày 20 tháng 8, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã cảnh báo rằng tư cách thành viên của Đức trong Hiệp ước Schengen sẽ khó có thể duy trì nếu các nước khác không cùng chia sẻ gánh nặng chấp nhận người nhập cư. Đóng cửa biên giới sẽ đồng nghĩa với việc Đức có thể từ chối cho phép những người đến trước biên giới nước này được nhập cảnh.
Một yếu tố khác là vấn đề khủng bố. Sau vụ tấn công bất thành trên chuyến tàu đi từ Amsterdam đến Paris vào tuần trước, thủ tướng Bỉ Charles Michel đã kêu gọi xem xét lại các quy định Schengen để cho phép có thêm biện pháp kiểm tra danh tính và hành lý của hành khách, về cơ bản là thiết lập lại một số hình thức kiểm soát biên giới.
Đây không phải là lần đầu tiên thỏa thuận Schengen có vẻ như phải đứng trước nguy cơ rạn nứt. Vào năm 2011, do lo ngại trước dòng người tị nạn đến từ Bắc Phi, Ý và Pháp đã kêu gọi xem xét lại thỏa thuận này. Đầu năm nay, Thủ tướng Hà Lan đã đe dọa khai trừ Hy Lạp [khỏi Hiệp ước Schengen] nếu nước này cho phép người nhập cư được tự do đi lại đến phần còn lại của châu Âu. Cuối cùng cả hai nỗ lực đều không thành.
Bỉ hoặc Đức đều có thể tự mình thắt chặt kiểm soát biên giới của họ: Hiệp ước Schengen cho phép các nước thành viên được tái thiết lập một số biện pháp kiểm soát biên giới trong một thời gian ngắn vì lý do an ninh. Pháp đã đóng cửa biên giới sau vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London vào năm 2005 và Bồ Đào Nha đã làm như vậy trong suốt Giải vô địch bóng đá châu Âu 2004.
Nhưng nếu việc kiểm soát biên giới kéo dài không chỉ trong thời gian ngắn thì hàng chục năm hội nhập của châu Âu sẽ có nguy cơ bị đảo ngược. Những hệ quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở mức danh nghĩa: nhiều nghiên cứu trong những năm qua đã lập luận rằng Hiệp ước Schengen đã giúp các thành viên hình thành nên những mối quan hệ đối tác thương mại gần gũi hơn, thúc đẩy mạnh mẽ cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, và thu hút khách du lịch. Schengen là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của sự thống nhất châu Âu; sự xói mòn của nó sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.