Khủng hoảng di dân: Cái giá cho sự thờ ơ của châu Âu

schrank_immigration

Nguồn: Bernard-Henry Lévy, “The Price of European Indifference, Project Syndicate, 31/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tranh cãi xung quanh vấn đề nhập cư của châu Âu đang diễn ra theo một chiều hướng đáng lo ngại.

Câu chuyện bắt đầu với sự hình thành của một khái niệm chung chung (một sự rắc rối về pháp lý), đó là “người di cư”. Khái niệm này làm mờ đi sự khác biệt vốn quan trọng về mặt luật pháp giữa di cư kinh tế và di cư chính trị, giữa những người tìm cách thoát ly sự nghèo đói và những ai bị xua đuổi khỏi quê hương bởi chiến tranh. Không giống những di dân kinh tế, những người chạy trốn áp bức, khủng bố và thảm sát có quyền tị nạn không thể bị chối từ, và điều này liên quan đến nghĩa vụ của cộng đồng quốc tế phải cung cấp nơi trú ẩn vô điều kiện cho họ.

Ngay cả khi sự khác biệt được công nhận, nó vẫn thường là một phần của trò đánh tráo đổi trắng thay đen, của một mưu toan nhằm thuyết phục những ai cả tin rằng những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em từng trả hàng nghìn đô la để di chuyển trên những con thuyền ọp ẹp trôi dạt vào các hòn đảo Lampedusa hay Kos kia là những di dân kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, 80% trong số họ lại là những người tị nạn cố gắng thoát khỏi nền chuyên chế, khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan ở những nước như Syria, Eritrea và Afghanistan. Đó là lí do mà luật pháp quốc tế quy định các trường hợp tìm kiếm tị nạn phải được xem xét từng người một chứ không phải gộp lại theo số đông.

Và ngay cả khi điều đó được thừa nhận, khi những số người ít ỏi la hét để được cập bến châu Âu đã khiến người ta gần như không thể phủ nhận sự dã man đã buộc họ phải trốn chạy thì một màn hỏa mù thứ ba xuất hiện. Một số người, bao gồm cả ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tuyên bố rằng các cuộc xung đột làm phát sinh những người tị nạn diễn ra thảm khốc chỉ ở những nước A-rập nơi đang bị phương Tây đánh bom.

Ở đây lại một lần nữa các con số không biết nói dối. Nguồn dân tị nạn đứng đầu là Syria, nơi mà cộng đồng quốc tế đã từ chối tiến hành các hoạt động quân sự chiểu theo “trách nhiệm bảo vệ” – mặc dù luật pháp quốc tế đòi hỏi cần phải can thiệp khi một kẻ chuyên chế điên rồ, đã giết 240.000 người, thực hiện việc xua đuổi người dân ra khỏi đất nước mình. Phương Tây cũng đang không đánh bom Eritrea, một nguồn dân tị nạn chủ yếu khác.

Tuy nhiên còn có một câu chuyện hoang đường khác gây nên những tác hại không kém, bị khuếch đại bởi các hình ảnh gây sốc về những người tị nạn tràn qua hàng rào biên giới, hay tìm mọi cách trèo lên những đoàn tàu ở Calais, là rằng “pháo đài châu Âu” đang bị tấn công bởi làn sóng của những người man rợ. Điều này là sai xét trên hai cấp độ.

Thứ nhất, châu Âu không hề là điểm đến chủ yếu của các di dân. Gần hai triệu người tị nạn từ riêng Syria đã đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và một triệu người đã bỏ chạy tới Libăng, nơi dân số ước chừng chỉ 3,5 triệu người. Jordan, với 6,5 triệu dân đã tiếp nhận gần 700.000 người tị nạn. Trong khi đó, châu Âu với sự ích kỷ đồng nhất đã vội vàng thực hiện một kế hoạch di chuyển chỉ 40.000 người xin tị nạn từ những thành phố mà họ đang tạm trú ở Hy Lạp và Italia (tới các nơi khác ở châu Âu).

Thứ hai, số ít những người chọn Đức, Pháp, Scandinavia, Anh hay Hungary không phải là những kẻ thù đến để hủy diệt chúng ta hoặc thậm chí để ăn bám những người châu Âu nộp thuế. Họ là những ứng viên tìm kiếm sự tự do, là những người yêu mến miền đất hứa, mô hình xã hội và những giá trị của chúng ta. Họ là những người kêu khóc gọi “Châu Âu, châu Âu!” giống như cách mà hàng triệu người châu Âu một thế kỷ trước đây cập bến đảo Ellis và ca lên “nước Mỹ tươi đẹp”.

Sau đó lại có một tin đồn đáng sợ rằng cuộc tấn công trong tưởng tượng này được bí mật dàn xếp bởi những chiến lược gia tìm cách thực hiện một “sự thay thế vĩ đại”, với những kẻ ngoại quốc chiếm chỗ người châu Âu bản địa, hay tồi tệ hơn, bởi những phần tử thánh chiến Hồi giáo quốc tế mà theo đó hôm nay họ là di dân, hôm sau là những tên khủng bố trên tàu cao tốc. Rõ ràng điều này thật nhảm nhí.

Chung quy lại, những sự xuyên tạc và hoang tưởng trên đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết là vùng biển Địa Trung Hải đã gần như bị phó mặc cho những kẻ buôn người. “Biển của chúng ta” đang dần biến thành một nấm mồ tập thể mênh mông dưới nước như miêu tả của một nhà thơ nào đó. Khoảng 2.350 người đã chết đuối trong năm nay.

Nhưng, với hầu hết người châu Âu, những di dân thiệt mạng này không hơn những con số thống kê là mấy, họ cũng chỉ giống như những người đàn ông, đàn bà sống sót sau cuộc hành trình, tiếp tục không được xác định và không thể phân biệt, chỉ là một đám đông vô danh đầy đe dọa. Xã hội của chúng ta nơi chứng kiến cảnh tượng trên, vốn thường rất nhanh chóng tạo ra một ai đó làm nhân vật nổi tiếng ngay tức thì để đại diện cho các cuộc khủng hoảng (bất cứ cuộc khủng hoảng nào từ cúm lợn cho đến cuộc đình công của các tài xế xe tải), lại không hề quan tâm đến số phận của bất cứ người di cư nào.

Những di dân này –  với con đường đến châu Âu của họ cũng giống như của công chúa Europa xứ Phoenicia, đến từ Tyre trên lưng thần Dớt hàng thiên niên kỷ trước – đang bị cự tuyệt hoàn toàn. Quả thực, những bức tường đang được dựng lên để ngăn cách họ. Kết quả là lại một nhóm người khác nữa đã bị chối bỏ những quyền cơ bản. Những người này, như Hannah Arendt từng quan sát, rốt cuộc sẽ nhìn thấy ở sự phạm tội (của châu Âu khi từ chối những người nhập cư) con đường duy nhất để họ đến với thế giới của luật pháp và thế giới của những người (châu Âu) vốn được hưởng những quyền mà luật pháp mang lại.

Châu Âu, bị ám ảnh bởi tinh thần bài ngoại và sự tự nghi ngờ, đã quay lưng lại với chính những giá trị của mình. Quả thực châu Âu đã quên mất chính mình. Chuông không chỉ nguyện hồn của những di dân mà còn cho cả một châu Âu nơi mà di sản nhân văn của nó đang sụp đổ ngay trước mắt chúng ta.

Bernard-Henry Lévy là một trong những thành viên sáng lập của phong trào “Triết gia mới” (“Nouveaux Philosophes”), và là tác giả  cuốn sách Left in the Dark Times: A Stand Against the New Barbarism.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Price of European Indifference.