Chính sách một con dẫn tới chênh lệch giới tính ở Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

t1larg.swim.afp.gi

Nguồn: Elizabeth J.Remick & Charis Loh, “Don’t blame China’s skewed sex ratio on the one child policy”, East Asia Forum, 25/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Thu Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong thập niên vừa qua, tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng ở Trung Quốc đã lên tới mức đáng báo động: việc hàng triệu đàn ông Trung Quốc buộc phải sống độc thân do thiếu nữ giới trong độ tuổi kết hôn đã gây ra rất nhiều hệ lụy xã hội. Quan niệm truyền thống là việc tỉ lệ giới tính chênh lệch này – một tỉ lệ giới tính khi sinh cao hơn rất nhiều so với mức tự nhiên là 105 nam trên 100 nữ – được gây ra duy nhất bởi chính sách một con của Trung Quốc. Do văn hóa truyền thống khiến các bậc cha mẹ ưa thích có con trai, nên nếu như chỉ có thể có một đứa con, đứa bé đó tốt nhất nên là con trai. Việc tỷ lệ giới tính bắt đầu chênh lệch từ khoảng năm 1985, chừng 5 năm sau khi chính sách kế hoạch hóa gia đình mới được thực thi, dường như đủ là minh chứng cho điều đó. Một kết luận logic được đặt ra là việc xóa bỏ chính sách này sẽ giải quyết được vấn đề mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số so sánh đơn giản sẽ chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng trong quan niệm truyền thống này. Giả thiết rằng tỉ lệ giới tính chênh lệch là do chính sách một con xuất phát từ hai tiền đề cơ bản: bản thân chính sách này gây ra việc giảm mức sinh và từ đó dẫn đến tỉ lệ giới tính chênh lệch ngay lúc các bé ra đời. Tuy nhiên, trên thực tế, mức sinh sản tự nhiên của Trung Quốc bắt đầu giảm từ đầu những năm 1970, rất lâu trước khi chính sách một con được thực thi. Những nước láng giềng của Trung Quốc cũng có xu hướng mức sinh giảm tương tự mặc dù không thi hành các chính sách hà khắc.

Mức sinh giảm bản thân nó không tất yếu dẫn đến tỉ lệ giới tính chênh lệch. Tỉ lệ sinh sản của Nhật Bản luôn ở trong nhóm thấp nhất thế giới trong vòng hai thập niên trở lại đây, tuy nhiên tỷ lệ giới tính khi sinh vẫn ở mức tự nhiên. Dù tỷ lệ giới tính chênh lệch của Trung Quốc trong ba thập niên vừa qua trùng hợp với việc bắt đầu thực hiện chính sách một con, sự trùng hợp này lại gây nhầm lẫn. Tầm nhìn lịch sử dài hơi hơn cho thấy tỷ lệ giới tính của Trung Quốc đã bị chênh lệch khủng khiếp trong phần lớn 2 thế kỷ qua.

Bản thân tên gọi “chính sách một con” cũng không chính xác: ba biến thể chính sách khác nhau cùng được thực hiện ở Trung Quốc. Ở nông thôn, những khu vực người Hán chiếm đa số thực hiện chính sách 1,5 con, tức là những gia đình có con đầu lòng là con gái được đẻ thêm đứa con thứ hai với hy vọng có một bé trai. Ở thành thị, chính sách một con được áp dụng nghiêm ngặt, trong khi những vùng dân tộc thiểu số nghèo được có tối đa hai con.

Tỷ lệ chênh lệch giới tính cao hơn ở nông thôn – nơi thực hiện chính sách 1,5 con (khoảng 119 nam trên 100 nữ) – so với ở thành thị, nơi thực hiện chính sách 1 con (khoảng 115 nam trên 100 nữ), và thấp nhất ở những nơi áp dụng chính sách 2 con (khoảng 112 nam trên 100 nữ). Những số liệu trên cho thấy việc chuyển sang chính sách 2 con có thể giảm nhưng không thể giải quyết tận gốc vấn đề: tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của Trung Quốc sẽ vẫn cao hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì vậy quan niệm truyền thống có phần đúng, tuy nhiên chính sách một con không phải là động lực quan trọng duy nhất của xu thế này.

Vấn đề của quan niệm truyền thống là nó coi việc ưa thích con trai là do văn hóa: quan điểm này cho rằng người Trung Quốc đơn giản là thích con trai hơn. Tuy nhiên sự ưa thích con trai không phải là bất biến. Những lý do khiến các gia đình Trung Quốc muốn có con trai đã thay đổi mạnh theo thời gian, tăng rồi giảm đồng thời với sự thay đổi tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. Vì vậy, những nỗ lực nhằm bình thường hóa tỷ lệ giới tính khi sinh ở Trung Quốc nên tấn công vào những động lực muốn có con trai còn tồn tại này.

Việc các gia đình muốn có con trai xảy ra do bốn nguyên nhân chính: lao động, sở hữu và thừa kế tài sản, đời sống tâm linh, và sự đảm bảo khi về già. Những xã hội đề cao những nhân tố trên thường có tỷ lệ giới tính chênh lệch cao. Thực chất, tỷ lệ giới tính chênh lệch khi sinh có quan hệ chặt chẽ với mức độ mong muốn có con trai trong suốt mọi khoảng thời gian, xảy ra trên khắp Trung Quốc và ở cả các nước khác. Sự hỗ trợ của con cái vào lúc tuổi già dường như là động lực quan trọng nhất trong khi nhân tố đời sống tâm linh chi phối ít hơn.

Tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc bị chênh lệch từ trước năm 1960, bình thường trong giai đoạn 1960-85, và chênh lệch trở lại sau năm 1985. Trong cả hai thời kỳ chênh lệch này, nam giới rất quan trọng trong cả bốn lĩnh vực: lao động nông nghiệp, thừa kế tài sản, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng người cao tuổi trong gia đình. Ngược lại, trong suốt thời kỳ tập thể hóa (1958-83), công việc sản xuất được xã hội hóa, tài sản trở thành sở hữu tập thể, thờ cúng tổ tiên bị hạn chế và trợ cấp cho người già được cung cấp bởi chính quyền. Các gia đình không nhất thiết phải có con trai, do đó họ có ít động lực để phá thai hoặc bỏ rơi bé gái.

Từ giữa những năm 1980, sự ưa thích có con trai chênh lệch rất lớn giữa nông thôn và thành thị Trung Quốc. Ở thành thị, phụ nữ có học vấn đóng góp lớn về mặt kinh tế cho bố mẹ đẻ và có khả năng phụng dưỡng họ. Việc thờ cúng tổ tiên cũng không nặng nề ở thành phố so với nông thôn, trong khi đó phụ nữ ở thành phố có quyền sở hữu và thừa kế tài sản bình đẳng với nam giới. Nhìn chung, những yếu tố trên khiến các gia đình ở thành thị ít mong muốn có con trai hơn so với ở nông thôn.

Tỷ lệ giới tính cũng thay đổi song song với động lực ưa thích con trai ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật Bản có điểm số thấp trong cách tính mong muốn có con trai trong suốt thế kỷ 20 của chúng tôi. Phụ nữ Nhật có đóng góp đáng kể cho thu nhập gia đình và được thừa kế tài sản bình đẳng, đồng thời Nhật Bản có hệ thống lương hưu tuyệt vời cho người già. Dù con trai vẫn được coi trọng cho việc thờ cúng gia tiên, tỷ lệ giới tính ở Nhật Bản vẫn không bị chênh lệch.

Một ví dụ khác là ở Hàn Quốc, tỷ lệ giới tính chênh lệch tăng cao giữa những năm 1980 và giảm trở lại sau năm 1995. Quá trình bình thường hóa này đi đôi với sự thay đổi trong luật gia đình ở Hàn Quốc, quy định rằng phụ nữ không bắt buộc phải sống cùng gia đình nhà chồng, được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ ngang bằng trong việc thờ cúng gia tiên và thừa kế tài sản.

Tiến trình bình thường hóa tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc đòi hỏi phải có nỗ lực lớn hơn trong việc giảm sự ưa thích con trai, cần nhắm vào những chính sách và thể chế tạo nên những mong muốn này. Đơn giản chỉ đòi dân chúng thay đổi những suy nghĩ và văn hóa “lạc hậu” của họ là không đủ.

Elizabeth Remick là phó giáo sư về khoa học chính trị tại trường Đại Học Tufts. Charis Loh là một học giả độc lập.