Hợp tác năng lượng Nga – Trung liệu có đứt đoạn?

Print Friendly, PDF & Email

chinarussiaen

Nguồn: Wang Tao, “China-Russia energy ties won’t short-out”, East Asia Forum, 30/09/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trung Quốc đã từng gọi nước Nga là “anh trai” của mình. Nhưng kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô thì nước này không còn bao giờ gọi như vậy nữa. Trong một nỗ lực nhằm thể hiện vị thế ít quyền lực hơn của mình nhưng rõ ràng vẫn là người hàng xóm lớn hơn, các quan chức Nga gần đây đã bắt đầu gọi đất nước mình là “chị gái” của Trung Quốc. Cụm từ mới này tỏ ra không phổ biến tại Trung Quốc.

Dù các quốc gia này cuối cùng lựa chọn từ chỉ mối quan hệ gia đình nào thì đối với các nhà làm chính sách và các nhà phân tích, càng ngày càng rõ ràng rằng mối quan hệ ấm dần lên giữa Moskva và Bắc Kinh là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong chính trị quốc tế kể từ năm 2014. Quan hệ thắt chặt giữa hai cường quốc này có tiềm năng xoay chuyển đáng kể chiều hướng địa chính trị tại khu vực Bắc và Đông Bắc Á.

Nga đã ký một hợp đồng xuất khẩu dầu lớn với Trung Quốc vào năm 2009, đồng ý cung ứng 15 triệu tấn dầu/năm thông qua đường ống dẫn dầu Đông Siberia – Thái Bình Dương. Kể từ đó, hợp tác về năng lượng của Trung Quốc với Nga dường như luôn để lại một vị đắng – cho tới năm 2014. Chất xúc tác cho các mối quan hệ tốt hơn chính là cuộc khủng hoảng Ukraine, điều đã làm nước Nga xa cách với phương Tây. Moskva đã từng đối mặt sự tháo chạy của các nguồn vốn khỏi nước này và sự bất định về xuất khẩu năng lượng sang Liên minh Châu Âu. Trung Quốc lúc đó trở thành lựa chọn duy nhất. Kể từ đó, Moskva đã mở cửa tiếp nhận các khoản đầu tư vào ngành năng lượng từ Trung Quốc, gỡ bỏ hàng loạt những hạn chế quan trọng về đầu tư vào tài nguyên dầu khí trên đất Nga.

Tăng nhập khẩu dầu từ Nga nghe có vẻ rất hợp lý đối với giới lãnh đạo Trung Quốc vì giờ đây tranh chấp lãnh thổ của họ với nhiều quốc gia trên Biển Đông đang ngày một căng thẳng. Vấn đề được tranh cãi từ lâu là thế “lưỡng nan Malacca” – hay sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu đi qua eo biển hẹp Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia – dường như cuối cùng cũng đã có lời giải chính thức. Bất chấp việc thiếu bằng chứng thực sự về việc cản trở nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tại eo biển tấp nập nhất thế giới này là khả thi hoặc thậm chí có khả năng xảy ra đi nữa, dầu thô của Nga được xuất khẩu qua các đường ống dẫn dầu và tàu hỏa chắc chắn có vẻ là một lựa chọn an toàn hơn.

Đối với Nga, doanh thu bán dầu cho Trung Quốc đóng một vai trò chủ chốt giúp chống đỡ nền kinh tế yếu ớt của nước này, đặc biệt là kể từ khi Liên minh châu Âu quay lưng với khí gas của Nga. Nhưng cũng giống như việc có bạn nhảy mới, nhiều khả năng sẽ có những bước nhảy lỡ nhịp.

Sự sụt giảm giá dầu từ năm 2014 đã làm ngạc nhiên cả hai quốc gia và gây tổn thương cho hầu hết các nền kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Nga nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Xuất khẩu dầu và khí chiếm tới 50% ngân sách liên bang và 70% doanh thu xuất khẩu trước khi giá dầu sụt giảm năm 2014. Hợp đồng khí gas khổng lồ ký với Trung Quốc năm 2014 được tính giá dựa trên giá dầu. Mặc dù công thức chính xác chưa được tiết lộ, giá được xác định trong thỏa thuận hiện nay sẽ rất khác so với khi hợp đồng được ký.

Tương tự, Trung Quốc cũng chẳng phải trong tình trạng kinh tế tốt đẹp gì.

Tình trạng ‘bình thường mới’ của sự chuyển dịch kinh tế Trung Quốc còn cách rất xa trạng thái ổn định. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục kêu gọi đạt được tiến bộ trong việc xử lý các công ty “thây ma” hoạt động kém hiệu quả và sự dư thừa năng suất trong các ngành công nghiệp nặng. Các biện pháp tài khóa và tài chính nhằm củng cố nền kinh tế Trung Quốc có thể hướng tới việc tăng năng suất và sáng tạo, thay vì bị lãng phí vào việc cứu sống những công ty thiếu năng lực này. Nợ lớn của các tập đoàn nhà nước đang làm tổn hại khả năng của chính phủ nhằm chèo lái tăng trưởng kinh tế trong khi đầu tư từ khu vực tư nhân giảm rõ rệt.

Mặt khác, tăng trưởng chậm trong các ngành công nghiệp nặng đã khiến nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc giảm liên tục trong vài năm qua. Những thành phố đã chật cứng ô tô và sự lên ngôi của các phương tiện sử dụng điện cũng cho thấy những viễn cảnh mờ nhạt đối với tăng trưởng nhu cầu xăng dầu. Cạnh tranh trong thị trường dầu của Trung Quốc sẽ chỉ ngày một trở nên khốc liệt hơn vì các nhà sản xuất dầu thô không thể đóng băng sản lượng của họ và nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới phải đối mặt với sự bất định lớn. Không có diễn tiến nào trong những điều trên có lợi cho nước Nga.

Nhưng điệu nhảy của Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục miễn là trò chơi quyền lực quốc tế còn diễn ra.

Trung Quốc và Nga vẫn là các nền kinh tế bổ trợ cho nhau. Một nước thì giàu tài nguyên và công nghệ quân sự cao, trong khi nước còn lại thì giỏi sản xuất hàng loạt và rất dồi dào tiền mặt. Sự bổ trợ này được biểu hiện rất rõ ràng bởi mối quan hệ đối tác tại Trung Á, nơi Trung Quốc đầu tư vào những nước giàu tài nguyên nhưng bất ổn trong khi Nga đảm bảo sự ổn định của các chế độ cầm quyền. Đối mặt với áp lực ngày một tăng từ cả phương Tây và phương Đông, ít khả năng là Nga hay Trung Quốc sẽ tìm cách thay đổi mối quan hệ đối tác này trong thời gian tới, mặc dù thiện chí và khả năng của hai bên không phải lúc nào cũng ngang nhau.

Nga đã trở thành một người hưởng lợi bất ngờ từ cải tổ sâu sắc ngành dầu mỏ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã trao hạn mức nhập khẩu dầu thô khoảng 80 triệu tấn dành cho một số nhà máy lọc dầu “teapot” (của tư nhân và có công suất nhỏ- ND) đạt chuẩn tại tỉnh Sơn Đông, khu vực mà trước đây chỉ dành cho các công ty dầu nhà nước của Trung Quốc. Động thái này là một nỗ lực nhằm đưa yếu tố cạnh tranh vào ngành dầu mỏ. Kết quả là, hơn 90% tăng trưởng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2016 là nhờ những nhà máy lọc dầu tư nhân này.

Mối quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Nga phản ánh các nhu cầu chung của cả hai về các khía cạnh hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế. Chúng không thể được coi là do chỉ một nhân tố thúc đẩy.

Với cả hai quốc gia, các quá trình ra quyết định không minh bạch trong chính phủ cũng như các công ty dầu nhà nước nhiều quyền lực có nghĩa là không phải lúc nào cũng đảm bảo được sự trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau một cách tốt đẹp. Đôi khi lợi ích của họ có thể đối lập nhau.

Sự bất định xung quanh triển vọng chuyển dịch nền kinh tế Trung Quốc, việc cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh và các diễn tiến tương lai của công nghệ năng lượng có thể dẫn đến hàng loạt những viễn cảnh khác nhau. Những diễn tiến này có thể tăng cường hoặc phá hủy mối quan hệ năng lượng giữa Nga và Trung Quốc. Nhưng trong những năm sắp tới, thế giới sẽ không ngạc nhiên nếu thấy những hợp đồng năng lượng tiếp theo được ký bởi hai cường quốc này.

Tao Wang là Trợ lý Giám đốc Viện Nghiên cứu Yicai và là nghiên cứu viên không thường trực tại Trung tâm Carnegie – Tsinghua.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]