Suleiman Đại đế – Vị vua lỗi lạc nhất của Đế chế Ottoman

Print Friendly, PDF & Email

Suleiman-I-011

Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 14/9/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Dưới sự lãnh đạo về chính trị và quân sự của Suleiman, Đế chế Ottoman đã trở thành một trong những đế chế rộng lớn nhất và kéo dài nhất lịch sử thế giới. Những chiến dịch quân sự của Suleiman đã mở rộng sự hiện diện của người Ottoman khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Ông gắn liền với sự trỗi dậy và sức mạnh của đế chế Ottoman, và là một trong những vị lãnh đạo vĩ đại nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với những cải cách thành công trong nông nghiệp và chính trị. Sự lãnh đạo của Suleiman là nhân tố tạo nên thời đại Hoàng kim của đạo Hồi – mà những yếu tố toán học, khoa học và nghệ thuật từ chính thời đại này đã đóng góp cho sự nổi lên của nền văn minh phương Tây.

Từ lúc còn trẻ, Suleiman đã bắt đầu vai trò lãnh đạo của mình khi cai trị phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi cha ông qua đời năm 1520, ông trở thành vị Sultan thứ mười – cũng là vị Sultan trị vì lâu nhất – của đế chế Ottoman.

Gần như ngay sau khi lên ngôi, Suleiman khởi đầu một thời kỳ chinh phục đất đai bằng sức mạnh quân sự, tiến sâu vào Châu Âu và xâm lược nhiều thành phố lớn. Năm 1521, Suleiman đã xâm chiếm một phần lãnh thổ Hungary của Vua Louis II, và năm 1526 tiếp tục sáp nhập các phần khác của nước này. Đến năm 1529, người Ottoman đã đặt chân tới Vienna (thủ đô nước Áo).

Suleiman cũng bành trướng sang Châu Á bằng lực lượng hải quân lớn nhất và hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Các cuộc xâm lược Châu Á và Ấn Độ Dương đã châm ngòi xung đột và chiến tranh với người Bồ Đào Nha. Những cuộc hải chiến giữa người Ottoman và người Bồ Đào Nha (trong suốt các thế kỷ 15 và 16) nghe có phần mỉa mai bởi Bồ Đào Nha cố gắng tránh quân Ottoman bằng việc cho tàu thuyền đi qua mũi cực nam của Châu Phi để tiếp tục hành trình mua bán các loại gia vị với người Châu Á.

Kể từ cuối thập niên 1520 đến thập niên 1550, Đế chế Ottoman chứng kiến những thành tựu tiến bộ nhất về chính trị, luật pháp và văn hóa, mà phần nhiều trong số đó vẫn có giá trị quan trọng với xã hội ngày nay. Một số cải cách kiến trúc bao gồm các dự án công trình công cộng như cầu, tượng đài, các khu trung tâm, các nhà thờ Hồi giáo và cung điện – được thiết kế theo phong cách có tên kiến trúc Ottoman. Một vài cải cách chính trị quan trọng nhất là giảm thuế theo các đạo luật của đế chế Ottoman, bao gồm cả cắt giảm thuế cho người Do Thái.

Trong khi Châu Âu lạc hậu hơn, những cải cách và thành tựu của đế chế Ottoman dưới thời Suleiman Đại đế – còn được biết đến với tên gọi Thời đại Hoàng kim của đạo Hồi (Golden Age of Islam). Những tiến bộ trong khoa học, toán học, kỹ thuật, triết học, y dược, văn học, kinh tế học và luật pháp cũng diễn ra trong thời đại hoàng kim này. Chẳng hạn như về sau, năm 1724, chính người Hồi giáo đã truyền bá khái niệm tiêm chủng vào Châu Âu.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]