Nguồn: “U.S. Constitution signed,” History.com (truy cập ngày 16/9/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1787, Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã được ký bởi 38 trên 41 đại diện có mặt tại lễ bế mạc của Hội nghị Lập hiến được tổ chức tại Philadelphia. Những người ủng hộ bản hiến pháp mới đã có một cuộc chiến khó khăn để nó được phê chuẩn bởi 9 trên 13 tiểu bang Hoa Kỳ cần thiết.
Các điều khoản Hợp bang (Articles of Confederation), được phê chuẩn một vài tháng trước khi Đế quốc Anh đầu hàng tại Yorktown năm 1781, đã đặt nền móng cho một liên minh lỏng lẻo giữa các tiểu bang Hoa Kỳ, vốn đã có chủ quyền đối với hầu hết các công việc của họ. Trên giấy tờ, Quốc hội – trung tâm quyền lực – có thẩm quyền quản trị các vấn đề đối ngoại, tiến hành chiến tranh, và kiểm soát tiền tệ, nhưng trên thực tế, những quyền lực này là rất hạn chế do Quốc hội không có thẩm quyền bắt buộc các tiểu bang đáp ứng những đòi hỏi của Quốc hội về tiền bạc và quân đội. Đến năm 1786, tình hình trở nên rõ ràng là Hợp bang sẽ sớm tan rã nếu Các điều khoản Hợp bang không được sửa đổi hoặc thay thế. Năm tiểu bang đã nhóm họp tại Annapolis, Maryland, để thảo luận về vấn đề này, sau đó tất cả các tiểu bang đều được mời gửi đại diện tới một hội nghị lập hiến được tổ chức tại Philadelphia.
Ngày 25 tháng 5 năm 1787, các đại biểu đại diện cho tất cả các tiểu bang (trừ Rhode Island) đã gặp nhau tại Tòa nhà Nghị viện Pennsylvania ở Philadelphia để tham dự Hội nghị Lập hiến. Tòa nhà này, ngày nay có tên là Hội trường Độc lập, trước đó cũng từng chứng kiến việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và lễ ký Các điều khoản Hợp bang. Hội nghị đã lập tức bác bỏ ý tưởng sửa đổi Các điều khoản Hợp bang và bắt đầu thiết lập một khuôn khổ chính phủ mới. Anh hùng cách mạng Mỹ George Washington, đại biểu của tiểu bang Virginia, đã được bầu làm chủ tịch hội nghị.
Trong một cuộc tranh luận gay gắt, các đại biểu đã phác thảo ra một tổ chức liên bang mạnh mẽ được đặc trưng bởi một hệ thống kiềm chế và đối trọng phức tạp. Hội nghị đã bị chia rẽ trước vấn đề đại diện nhà nước trong Quốc hội, do các tiểu bang có dân số đông tìm cách thiết lập một hệ thống lập pháp đại diện theo tỷ lệ, trong khi các tiểu bang nhỏ hơn muốn có một hệ thống đại diện cân bằng. Vấn đề đã được giải quyết bằng Thỏa hiệp Connecticut, theo đó đề xuất một cơ quan lập pháp lưỡng viện với cơ chế đại diện theo tỷ lệ ở hạ viện và đại diện cân bằng ở thượng viện.
Ngày 17 tháng 9 năm 1787, Hiến pháp Mỹ được ký. Theo quy định tại Điều VII của Hiến pháp, nó sẽ chưa có hiệu lực khi chưa nhận được sự phê chuẩn của 9 trên 13 tiểu bang. Bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng 12, năm tiểu bang – Delaware, Pennsylvania, New Jersey, Georgia, và Connecticut – đã nhanh chóng phê chuẩn Hiến pháp. Tuy nhiên, những tiểu bang khác, đặc biệt là Massachusetts, lại phản đối văn bản này, vì nó không bảo lưu các quyền chưa được phân cấp cho các tiểu bang và thiếu sự bảo vệ hiến định dành cho những quyền chính trị cơ bản, chẳng hạn như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do báo chí.
Đến tháng 2 năm 1788, một thỏa hiệp đã đạt được, theo đó Massachusetts và các tiểu bang khác sẽ đồng ý phê chuẩn Hiến pháp với điều kiện đảm bảo rằng những tu chính án mới phải lập tức được đề xuất. Như vậy, Massachusetts đã miễn cưỡng phê chuẩn bản hiến pháp mới, theo sau là Maryland và Nam Carolina. Ngày 21 tháng 6 năm 1788, New Hampshire trở thành tiểu bang thứ 9 phê chuẩn hiến pháp mới, đồng ý rằng chính phủ mới theo Hiến pháp Mỹ sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày mùng 4 tháng 3 năm 1789. Đến tháng 6, Virginia phê chuẩn Hiến pháp, theo sau là New York trong tháng 7.
Ngày 25 tháng 9 năm 1789, Quốc hội đầu tiên của Hoa Kỳ đã thông qua 12 tu chính án Hiến pháp – được gọi là Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ – và gửi tới các tiểu bang để phê chuẩn. Mười trong số những tu chính án này được phê chuẩn vào năm 1791. Tháng 11 năm 1789, Bắc Carolina trở thành tiểu bang thứ 12 phê chuẩn Hiến pháp Mỹ. Rhode Island, nơi phản đối chính sách kiểm soát tiền tệ của liên bang và phê phán những thỏa hiệp về vấn đề nô lệ, đã kiên quyết từ chối phê chuẩn Hiến pháp cho đến khi Chính phủ Mỹ đe dọa cắt đứt quan hệ thương mại với tiểu bang này. Ngày 29 tháng 5 năm 1790, Rhode Island bỏ phiếu phê chuẩn Hiến pháp, và trở thành thuộc địa cuối cùng trong số 13 thuộc địa ban đầu tham gia vào Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ngày nay, Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp thành văn lâu đời nhất còn hiệu lực trên thế giới.
Hình: Washington tại Hội nghị Lập hiến năm 1787. Tranh sơn dầu năm 1856 của Junius Brutus Stearns, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Virginia. Nguồn: Wikimedia Commons.