Nguồn: Bill Gates, “Who Will Suffer Most from Climate Change?”, Project Syndicate, 01/9/2015.
Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cách đây vài năm, Melinda và tôi có đến thăm một nhóm nông dân trồng lúa ở Bihar (Ấn Độ), một trong những vùng dễ gặp lũ lụt nhất cả nước. Tất cả họ đều rất nghèo và phụ thuộc vào lúa gạo – thứ mà họ sản xuất để nuôi sống và chu cấp cho gia đình. Khi những trận mưa kèm gió mùa đến mỗi năm, những con sông sẽ đầy nước, đe dọa làm ngập lụt những nông trại và hủy hoại mùa màng. Tuy nhiên, họ sẵn sàng đánh cược mọi thứ cho xác suất rằng trang trại của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Đó là một canh bạc mà họ thường thua cuộc. Mùa màng thất bát, họ sẽ chạy vào thành phố tìm kiếm những công việc lặt vặt để nuôi gia đình. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng một năm, họ trở nên nghèo hơn lúc họ mới rời khỏi làng quê và sẵn sàng quay lại nghề nông.
Chuyến thăm của chúng tôi là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng đối với những người nông dân nghèo nhất thế giới thì cuộc sống có nhiều rủi ro mà không có mạng lưới đảm bảo an sinh nâng đỡ. Họ không thể tiếp cận giống mới, phân bón, hệ thống thủy lợi và những công nghệ có ích khác như nông dân ở các nước giàu, và họ cũng không có bảo hiểm nông nghiệp để bảo vệ họ chống lại mùa màng thất bát. Chỉ cần một chút không may, như hạn hán, lũ lụt hoặc bệnh tật – là đủ để họ rơi vào vòng lẩn quẩn của đói nghèo.
Ngày nay, biến đổi khí hậu đã tăng thêm những rủi ro mới cho cuộc sống của họ. Gia tăng nhiệt độ trong những thập niên tới sẽ dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở những vùng nhiệt đới. Cây trồng cũng sẽ không thể tăng trưởng vì có quá ít hoặc quá nhiều mưa. Sâu bệnh cũng sẽ phát triển trong điều kiện khí hậu nóng ấm và phá hoại cây trồng.
Nông dân ở những nước giàu cũng sẽ trải qua những sự thay đổi như thế nhưng họ có những công cụ và sự giúp đỡ để quản lý các rủi ro. Những người nông dân nghèo nhất thế giới lao động hằng ngày và hầu hết đều trắng tay. Đó là lý do vì sao trong số những người chịu thiệt hại từ biến đổi khí hậu, họ lại là những người bị tổn hại nặng nề nhất.
Những nông dân nghèo sẽ cảm nhận được các hậu quả của sự biến đổi khí hậu này vào thời điểm mà thế giới đang rất cần họ để nuôi sống dân số ngày càng tăng. Vào năm 2050, nhu cầu lương thực thế giới được dự kiến tăng thêm 60%. Thu hoạch giảm dần sẽ làm căng thẳng hệ thống lương thực toàn cầu, gia tăng nạn đói và làm xói mòn những tiến bộ lớn mà thế giới đã đạt được trong việc chống lại đói nghèo hơn nửa thế kỷ qua.
Tôi lạc quan tin rằng chúng ta có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và nuôi sống thế giới nếu chúng ta hành động ngay từ bây giờ. Có một nhu cầu cấp thiết đối với các chính phủ là cần đầu tư vào các cải tiến năng lượng sạch mới để làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính và ngăn chặn nhiệt độ gia tăng. Đồng thời, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng đã quá muộn để có thể chấm dứt những tác động của việc nhiệt độ gia tăng. Ngay cả khi thế giới tìm thấy một nguồn năng lượng sạch giá rẻ trong thời gian tới thì cũng sẽ mất nhiều thời gian mới có thể thay đổi được thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng tới tương lai sử dụng năng lượng không phát thải khí các-bon. Đó là lý do tại sao thế giới cần đầu tư vào những hỗ trợ nhằm giúp đỡ những người nghèo nhất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhiều công cụ mà họ cần khá là cơ bản – những thứ mà họ sử dụng để trồng nhiều lương thực hơn và có nhiều thu nhập hơn: tiếp cận với tài chính, giống cây trồng, phân bón, đào tạo tốt hơn và thị trường nơi có thể bán những thứ mà họ sản xuất ra.
Những công cụ khác khá mới và được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu của biến đổi khí hậu. Quỹ Gates và các đối tác đã làm việc cùng nhau để phát triển nhiều giống cây trồng thậm chí có thể sinh trưởng trong thời kỳ hạn hán hoặc lũ lụt. Các nông dân trồng lúa mà tôi gặp ở Bihar là một ví dụ, họ đang trồng giống lúa chịu lũ có tên là “scuba”, có thể sống sót dưới nước khoảng hai tuần lễ. Họ đã sẵn sàng nếu sự thay đổi mẫu hình thời tiết gây ra nhiều lũ lụt hơn cho khu vực. Nhiều giống cây trồng khác đang được phát triển để có thể chống chịu được hạn hán, nóng, lạnh và ô nhiễm môi trường đất như nhiễm mặn cao.
Tất cả những nỗ lực này có sức mạnh làm thay đổi cuộc sống. Sẽ không khó hình dung ra việc sản lượng và thu nhập của những người nông dân tăng gấp đôi hoặc gấp ba nếu họ được tiếp cận với những tiến bộ mà nông dân ở nước giàu luôn coi là bình thường. Sự thịnh vượng mới này cho phép họ cải thiện bữa ăn, đầu tư vào nông trại và cho con đến trường. Nó cũng làm cho cuộc sống họ trở nên ít rủi ro hơn và tạo cảm giác an toàn ngay cả khi những người nông dân này có một vụ mùa thất bát.
Cũng sẽ có những mối đe dọa khác từ biến đổi khí hậu mà chúng ta không lường trước được. Để chuẩn bị, thế giới cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các giống cây trồng và hỗ trợ cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ. Một trong những sáng kiến thú vị nhất để giúp nông dân là công nghệ vệ tinh. Ở châu Phi, các nhà nghiên cứu đang sử dụng hình ảnh vệ tinh để tạo ra những bản đồ đất chi tiết, là thứ có thể thông tin cho người nông dân biết những giống loài nào sẽ phát triển tốt trên vùng đất của họ.
Tuy nhiên, giống mới hoặc công nghệ mới không thể thay đổi cuộc sống gia đình người nông dân cho tới khi nó nằm trong tay họ. Một số tổ chức, bao gồm cả những nhóm phi lợi nhuận được gọi là Quỹ One Acre, đang tìm cách đảm bảo rằng người nông dân sẽ nhận được lợi ích từ những giải pháp này. Quỹ One Acre làm việc gắn bó với hơn 200.000 nông dân châu Phi, giúp họ tiếp cận tài chính, công cụ và đào tạo. Tới năm 2020, tổ chức này hướng đến mục tiêu là giúp đỡ một triệu nông dân.
Trong Bức thư Thường niên năm nay, Melinda và tôi đã đánh cược rằng châu Phi có thể tự nuôi sống họ trong 15 năm tới, bất chấp những rủi ro của biến đổi khí hậu mà tôi đã trình bày.
Vâng, người nông dân nghèo có khó khăn. Cuộc đời của họ là những câu đố với nhiều mảnh ghép phải giải đáp, từ gieo trồng đúng loại và sử dụng đúng phân bón cho đến được đào tạo và có nơi để bán các nông sản. Nếu một mảng bị lệch thì cuộc sống của họ có thể tan vỡ.
Tôi biết thế giới đã làm nhiều điều để giúp đặt những mảnh ghép đó vào đúng chỗ, để đối phó với những thách thức mà họ phải đối mặt trong ngày hôm nay và cả ngày mai. Quan trọng nhất, tôi biết những người nông dân cũng đã làm những điều tương tự.
Bill Gates, người sáng lập và cố vấn công nghệ của Tập đoàn Microsoft, là đồng Chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Who Will Suffer Most from Climate Change?