Cần thành lập Tòa án Quốc tế về chống Khủng bố

Print Friendly, PDF & Email

PAKISTAN_-_sangue_peshawar

Nguồn: Bogdan Aurescu & José García-Margallo y Marfil, “The War on Terror Begins Anew,” Project Syndicate, 13/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Các cuộc tấn công khủng bố trên khắp Paris đêm 13 tháng 11 khiến ít nhất 120 người chết là lời nhắc nhở bi thảm về sự phổ biến của chủ nghĩa khủng bố hiện đại. Riêng trong năm nay, các phần tử cực đoan bạo lực đã nhân danh tôn giáo hay chính trị để giết hại những người vô tội ở Pháp, Tunisia, Kenya, Israel, Nigeria, và dĩ nhiên ở cả Syria và Iraq – và đây mới chỉ là một số ít quốc gia. Cũng như bệnh dịch hạch đen ở châu Âu thời trung cổ, chủ nghĩa khủng bố đang rình rập thế giới hiện đại, và xóa bỏ nó đã trở thành một điều cấp thiết trên toàn cầu.

Cộng đồng quốc tế từ lâu đã lo ngại về mối đe dọa mà chủ nghĩa khủng bố đem lại. Nhiều nước đã ban hành đạo luật an ninh, thành lập các đơn vị tình báo và cảnh sát đặc nhiệm để ngăn chặn các phần tử khủng bố và phòng ngừa các cuộc tấn công, đồng thời bổ sung những nỗ lực này bằng cách tham gia các điều ước quốc tế và khu vực, cũng như các thỏa thuận song phương.

Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực, hiện vẫn chưa có cơ quan pháp lý toàn cầu dẫn đầu nào trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố được thành lập. Đã đến lúc thay đổi điều đó.

Nỗ lực chống khủng bố ở cấp quốc tế đã bắt đầu cách đây gần 90 năm. Năm 1926, Romania – quốc gia đầu tiên đưa tội phạm khủng bố vào bộ luật hình sự – đã đề nghị Hội Quốc Liên “xem xét việc soạn thảo một công ước để trừng phạt chủ nghĩa khủng bố.”

Nhưng phải đến năm 1934, các vụ ám sát Quốc vương Alexander I của Nam Tư và Ngoại trưởng Pháp Louis Barthou mới thúc đẩy Hội Quốc Liên đưa ra nỗ lực đầu tiên để tạo ra các cơ chế tư pháp quốc tế nhằm đối đầu với chủ nghĩa khủng bố. Một nhóm chuyên gia đã soạn thảo Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Chủ nghĩa khủng bố và Công ước về Thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Cả hai công ước đã được ký bởi 24 chính phủ và được phê chuẩn bởi một trong số đó, nhưng sự bùng nổ của Thế chiến II đã khiến cho cả hai chưa bao giờ có hiệu lực.

Đến nay đã có 19 công ước “lĩnh vực hẹp” về chống khủng bố được ký, điều chỉnh những vấn đề như đánh bom khủng bố, khủng bố hạt nhân, tài trợ khủng bố, các hoạt động vi phạm an ninh hàng không và hàng hải, và các hoạt động chống những người được bảo vệ quốc tế. Nhưng một cơ chế pháp lý toàn cầu để chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức vẫn đang nằm ngoài tầm với.

Mọi nỗ lực để tạo ra một cơ chế như vậy đều thất bại do bất đồng nghiêm trọng giữa các quốc gia, đặc biệt là về cách xác định chủ nghĩa khủng bố và liệu rằng nó có bao gồm những hành vi được thực hiện bởi các lực lượng vũ trang và những người đấu tranh vì tự do (freedom fighter) hay không. Gần đây nhất, một nỗ lực để đưa chủ nghĩa khủng bố vào thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã thất bại do thiếu một định nghĩa được chấp nhận và do khối lượng công việc bổ sung mà những trường hợp như vậy có thể đem lại cho ICC.

Do các cuộc tấn công khủng bố đang ngày càng trở nên phổ biến, một cơ quan quốc tế có nhiệm vụ chống lại chúng chưa bao giờ quan trọng hơn bây giờ. Tháng 2 năm 2015, Romania đã đề nghị thành lập Tòa án Quốc tế chống Chủ nghĩa khủng bố (ICT) và cùng Tây Ban Nha đưa ra một quy trình tham vấn chung mà chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ dẫn tới sự thành lập một tòa án như vậy. Sau khi thành lập, tòa án này sẽ được trao quyền để truy tố mọi hành động khủng bố, cung cấp sự hỗ trợ hết sức cần thiết cho các nước có hệ thống pháp lý yếu kém và ngăn chặn hiệu quả những kẻ khủng bố tiềm năng.

Tòa ICT sẽ có thẩm quyền bổ sung đối với cả tòa án quốc gia và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), chỉ can thiệp khi các cơ quan quốc gia không thể hoặc không sẵn sàng truy tố một trường hợp khủng bố nào đó, hoặc khi tội ác nằm ngoài thẩm quyền của ICC. Nó sẽ có một công tố viên và một số lượng thẩm phán hợp lý được đề cử nhằm đảm bảo sự đại diện cân bằng giữa các hệ thống pháp luật lớn của thế giới và các khu vực địa lý, cũng như đảm bảo bình đẳng giới. Việc thành lập một lực lượng cảnh sát hay an ninh đa quốc gia có khả năng hành động trong trường hợp một chính phủ nào đó không thể hoặc không sẵn sàng hợp tác trong việc thu thập bằng chứng chống lại những kẻ bị cáo buộc cũng sẽ có ích cho Tòa.

Cần có một điều ước quốc tế hoặc một văn kiện bắt buộc của Liên Hợp Quốc để đảm bảo thẩm quyền phổ quát của tòa án này. Lý tưởng nhất là nó sẽ được thông qua bằng một nghị quyết ràng buộc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với tiền lệ là sự thành lập của Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư và Rwanda, và Tòa án Đặc biệt về Li-băng.

Chắc chắn, việc thành lập một tòa án như vậy sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nghiêm trọng nhất trong số đó là hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về các yếu tố cấu thành tội phạm khủng bố. Chúng tôi đề xuất áp dụng một “cách tiếp cận dựa trên mẫu số chung.” Ngoài việc bao quát các hành vi đã được thỏa thuận trong các công ước “lĩnh vực hẹp” hiện có, thẩm quyền của ICT sẽ dựa trên thông lệ luật pháp quốc tế, cân nhắc ý định tội phạm (là hành động nhằm truyền bá nỗi sợ hãi hay nhằm ép buộc chính quyền), cũng như mức độ nghiêm trọng và đặc điểm quốc tế của tội phạm.

Việc thành lập một ICT có tính chính danh đòi hỏi sự hỗ trợ của xã hội dân sự, giới học giả, và công chúng nói chung. Sẽ không dễ đạt được sự hỗ trợ này, đặc biệt là trong thời điểm các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế và chiến lược khác. Nhưng chúng tôi tin rằng một công cụ pháp lý mạnh mẽ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu sẽ nhanh chóng tỏ ra là không thể thiếu, góp phần dễ dàng biện minh cho những nỗ lực thành lập nó.

Bogdan Aurescu là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Romania. José García-Margallo y Marfil là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The War on Terror Begins Anew

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]