Biện minh cho việc Trung Quốc can thiệp vào thị trường

china-stock-exchange

Nguồn: Jeffrey Frankel, “China Confronts the Market”, Project Syndicate, 04/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Như Ngọc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những vấn nạn kinh tế của Trung Quốc hiện nay đa phần được nhìn nhận qua một lăng kính duy nhất: chính phủ đã không để cho thị trường hoạt động (tự do). Nhưng quan điểm đó đã khiến các nhà quan sát nước ngoài hiểu sai một số diễn tiến quan trọng nhất trong năm nay trên thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán.

Chắc chắn là chính quyền Trung Quốc đã can thiệp mạnh mẽ (vào thị trường) bằng nhiều biện pháp khác nhau. Từ năm 2004 đến năm 2013, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mua hàng nghìn tỷ đô la làm dự trữ ngoại hối, qua đó ngăn đồng nhân dân tệ không tăng giá đến mức như khi được thả nổi. Gần đây hơn, các nhà chức trách đã triển khai mọi biện pháp mà họ có thể có trong một nỗ lực vô hiệu nhằm cố gắng hạn chế sự lao dốc của giá cổ phiếu.

Người ngoại quốc chê bai một số diễn biến trọng yếu là kết quả của sự can thiệp từ chính phủ, nhưng trên thực tế thì ngược lại. Dẫn chứng tiêu biểu là ngày 11 tháng 8 vừa qua PBOC phá giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD – một động thái khiến các chính trị gia Mỹ gợi lại câu nói “Hãy cẩn trọng với những gì bạn muốn”. Cần lưu ý rằng việc phá giá chỉ 3% phản ánh một sự điều chỉnh trong chính sách của PBOC nhằm cho phép thị trường gây ảnh hưởng nhiều hơn lên tỷ giá hối đoái. Trước đó, PBOC cho phép giá trị của đồng nhân dân tệ biến động mỗi ngày trong biên độ 2%, nhưng thường không cho phép những dịch chuyển này tích tụ từ ngày này qua ngày khác. Giờ đây, tỷ giá tham chiếu cuối mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá những ngày sau, ngụ ý một sự điều chỉnh hướng tới các cấp độ thị trường.

Nếu không vì áp lực thị trường ngày càng lớn theo hướng phá giá đồng nhân dân tệ – điều vốn có thể giúp chống lại tình hình tăng trưởng kinh tế suy yếu – thì các nhà chức trách có lẽ đã không hành động như họ đã làm. Trong thực tế, thúc đẩy tăng trưởng có thể là động lực chính đối với các nhà lãnh đạo chính trị, ngay cả khi PBOC vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các mục tiêu dài hạn là tăng cường vai trò thị trường trong việc xác định tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, hai động cơ này là nhất quán với nhau: các lực lượng thị trường sẽ không gây nên áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ nếu các chỉ số nền tảng kinh tế của Trung Quốc không đảm bảo điều này. Các chính trị gia Mỹ, những người đã yêu cầu Trung Quốc thả nổi đồng tiền của mình, có thể đã dự kiến một kết quả khác (rằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá nếu được thả nổi – NHĐ) –  một điều hơi vô lý khi các lực lượng thị trường đã đảo chiều vào giữa năm 2014 – nhưng khó ai có thể đổ lỗi cho người Trung Quốc vì đã tin vào lời họ.

Chắc chắn là Trung Quốc còn xa mới có một đồng tiền thả nổi tự do, chứ đừng nói đến đồng tiền có thể chuyển đổi hoàn toàn, điều đòi hỏi phải tự do hóa hơn nữa việc kiểm soát các dòng chảy tài chính xuyên biên giới. Sự thống nhất của thị trường trong và ngoài nước là quan trọng hơn so với tỉ giá thả nổi trong việc xác định xem liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế có đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dùng để xác định giá trị tài sản dự trữ của Quỹ là Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) hay không. Nhiều bình luận về điều này đã đánh giá thấp tầm quan trọng của tiêu chí là đồng tiền đó phải được “tự do sử dụng”.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái của Trung Quốc đã gây ra một “cuộc chiến tiền tệ”, với việc các nền kinh tế mới nổi khác cũng sẽ phá giá đồng tiền của mình. Nhưng hơn một năm sau khi các chỉ số kinh tế nền tảng thay đổi theo hướng bất lợi cho các thị trường mới nổi (và đặc biệt là các hàng hóa cơ bản) và có lợi cho Hoa Kỳ, thì sự điều chỉnh này là thích đáng. Mặc dù động thái của Trung Quốc ảnh hưởng đến tính thời điểm nhưng việc phá giá các đồng tiền khác xảy ra là không thể tránh khỏi. Những cảnh báo về việc phá giá tiền tệ cạnh tranh lẫn nhau là sai lầm.

Dẫn chứng thứ hai chống lại lập luận quy các diễn biến tài chính ở Trung Quốc cho sự can thiệp của chính phủ chính là bong bóng thị trường cổ phiếu mà đỉnh điểm là vào tháng Sáu. Đa phần mọi người cho rằng, các cơ quan chức năng liên tục can thiệp không chỉ để cố gắng thúc đẩy thị trường sau khi nó sụp đổ mà còn trong suốt quá trình thị trường tăng giá cả năm qua, khi Chỉ số tổng hợp thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng hơn gấp đôi. Sự chỉ trích ở đây cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, đặc biệt là bộ máy điều tiết thị trường chứng khoán, là những người duy nhất chịu trách nhiệm đối với bong bóng này.

Chắc chắn câu chuyện này có một phần sự thật. Dường như rõ ràng là việc giá cổ phiếu tăng mạnh đã được thúc đẩy bởi tình trạng ký quỹ tài chính phục vụ mua cổ phiếu đã gia tăng, điều đã được hợp pháp hóa trong giai đoạn 2010-2011 và được khuyến khích bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của PBOC kể từ cuối tháng 11. Tương tự như vậy, đã có nhiều báo cáo hỗ trợ thị trường tăng giá trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Nhưng điều mà nhiều nhà bình luận chưa để ý là cơ quan điều tiết của Trung Quốc đã hành động để cố gắng kiềm chế giá trong sáu tháng cuối cùng của quá trình thị trường tăng giá. Họ thắt chặt các yêu cầu đối với việc ký quỹ trong tháng 1, và lặp lại vào tháng 4, dù họ cũng tạo điều kiện cho việc bán khống bằng cách mở rộng danh mục cổ phiếu được phép. Sự kiện mà cuối cùng dường như đã làm vỡ bong bóng thị trường là việc Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc thông báo vào ngày 12 tháng 6 về kế hoạch hạn chế lượng tiền mà các công ty môi giới có thể cho vay để kinh doanh chứng khoán.

Đây rõ ràng là chính sách quản lý rủi ro hệ thống mang tính phản chu kỳ mà trước nay các nhà kinh tế thường khuyến nghị. Nhưng, trong khi các nền kinh tế tiên tiến hiếm khi thực hiện lời khuyên này thì Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển lại có xu hướng điều chỉnh quy định, bao gồm các yêu cầu dự trữ đối với ngân hàng và mức trần đối với mức vay của người mua nhà, theo hướng phản chu kỳ.

Chúng ta có thể chỉ trích bộ máy điều tiết của Trung Quốc vì ảnh hưởng từ những động thái của họ nhằm gia tăng các yêu cầu đối với việc ký quỹ đã không được kéo dài, hoặc chúng ta cũng có thể phê phán các động thái của họ đã dẫn đến sự lao dốc của thị trường gần đây. Dù vậy, nhìn nhận theo cách nào thì những phương pháp đó cũng có ý định nhằm kìm hãm hơn là góp phần làm tăng giá thị trường.

Đây là một điểm đáng kể. Cũng phải thừa nhận rằng những can thiệp của PBOC vào thị trường tỉ giá hối đoái trong năm vừa qua là nhằm mục đích kìm hãm sự mất giá của đồng nhân dân tệ, không phải là càng làm nó mất giá. Do đó, thật không chính xác khi quy các vấn đề kinh tế của Trung Quốc cho sự can thiệp của chính phủ.

Jeffrey Frankel là giáo sư Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế (Business Cycle Dating Committee), là cơ quan chính thức của Mỹ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.

Copyright: Project Syndicate 2015 – China Confronts the Market