Tại sao Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria?

20150926_blp509

Nguồn: Why Russia is increasing its military presence in Syria”, The Economist, 22/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thiện Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong một vài ngày qua, Nga đã đặc biệt tăng cường hiện diện quân sự tại Syria. Báo cáo từ các quan chức Mỹ (và bị chính quyền Nga phủ nhận) nhận định rằng nước này hiện đã triển khai ít nhất 28 chiến đấu cơ tại căn cứ không quân bên ngoài thành phố Lakatia nằm trên bờ biển Syria. Theo nguồn được tờ New York Times dẫn lại, những chiến đấu cơ này bao gồm cả các máy bay cường kích Su-24 và Su-25, và chúng sẽ tăng viện cho đội hình vốn được cho là chỉ gồm vỏn vẹn 4 chiếc phi cơ đã có mặt từ trước. Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ được trang bị tên lửa không đối không là một việc đặc biệt dị thường vì không có bất kỳ một đối thủ Syria nào đối đầu với tổng thống Bashar-al Assad có lực lượng không quân.

Vì vậy mục đích sử dụng tiềm năng duy nhất của chúng là để chống lại các máy bay thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu hiện đang tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS). Có thông tin cho biết các máy bay này được bảo vệ bởi hệ thống chống máy bay địch, và cũng có báo cáo nói rằng còn có các máy bay giám sát không người lái được triển khai. Người ta cũng nhìn thấy xe tăng, xe bọc thép chở lính và lựu pháo tại căn cứ này.

Đồng thời, Nga đã cho tăng cường số binh lính bố trí tại căn cứ. Thông tin tình báo qua vệ tinh do phía Mỹ thu thập cho thấy cảnh vận chuyển nhà làm sẵn có thể chứa khoảng 1.000-2.000 lính. Đã có những báo cáo trên các phương tiện truyền thông về sự do dự (có thể hiểu được) trong giới chức quân đội Nga khi đứng trước khả năng phải đụng độ với IS. Ký ức của nước Nga về những mất mát ở Afghanistan vẫn còn nguyên vẹn, và danh tiếng đáng sợ của IS sẽ khiến binh lính Nga thêm do dự trước việc phải lao vào một cuộc chiến ở một nơi xa xôi khác.

Tại sao bây giờ Nga lại làm chuyện này? Có nhiều cách lý giải và câu trả lời sẽ gồm nhiều phần. Có một cách lý giải đơn giản là qua mùa hè, mọi thứ thật sự bắt đầu trông có vẻ như là Assad đang thất thế. IS, và các nhóm chống đối ít cực đoan hơn, đã dần đẩy lùi biên giới của tiểu quốc nơi ông đang cầm quyền (nhỏ về địa lý nhưng nó vẫn bao gồm phần lớn số dân cư vốn cũng đang suy giảm của Syria). Nỗi lo sợ bị sụp đổ, hay bị đảo chính, điều mà trong trường hợp xấu nhất có thể tước mất của Nga căn cứ hải quân ở Tartus, vốn là căn cứ quân sự duy nhất mà Nga vẫn còn kiểm soát bên ngoài Liên Xô cũ, sẽ trở thành sự thật. Một vài báo cáo cho rằng Tartus đang được mở rộng để có thể tiếp nhận những con tàu lớn nhất của Nga.

Sơ đồ các khu vực do các lực lượng khác nhau kiểm soát. Nguồn: The Economist.

Nhưng quan trọng không kém là những mục đích về chính trị và ngoại giao. Vladimir Putin hiện đang được trông đợi sẽ xuất hiện ở New York vào tuần tới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên trong vòng một thập niên qua. Ông cũng mong sẽ có một cuộc gặp riêng với Tổng thống Obama. Ông cần cho cả khán giả trong nước lẫn quốc tế thấy hai điều. Thứ nhất, Nga phản đối việc thay đổi chế độ và sẽ bảo vệ đồng minh của mình. Rốt cục, Tổng thống Assad có thể bị tống khứ như một phần của thỏa thuận mà ở đó Nga sẽ là người môi giới chính, nhưng Nga muốn có thể thương lượng thỏa thuận này (điều có thể được thảo luận kỹ tại New York) trên thế mạnh chứ không phải thế yếu.

Điều thứ hai là Nga muốn báo hiệu rằng Nga là một đồng minh thiết yếu của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống IS cũng như các phần tử khủng bố thánh chiến nói chung, thứ mà Nga có nhiều lý do để sợ hơn cả Mỹ. Một liên minh như vậy sẽ nhấn mạnh vị thế cường quốc liên tục của Nga, giúp nước này tránh bị cô lập và chấm dứt sự đối đầu xa cách giữa Nga và Hoa Kỳ trong vấn đề Ukraine.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]