Nguồn: Ian Buruma, “Back to Socialism,” Project Syndicate, 02/10/2015.
Biên dịch: Tôn Thất Thông | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Điều đáng chú ý về Jeremy Corbyn – người ngoại cuộc thiên tả đã làm giới cầm quyền chính thống của nước Anh sửng sốt khi giành được quyền lãnh đạo Công đảng – không phải là chuyện ông thiếu lòng yêu nước như người ta cáo buộc. Liệu ông có muốn hát bài quốc ca God Save the Queen (Cầu Thượng đế phù hộ Nữ hoàng) trong những dịp lễ công cộng hay không có vẻ là chuyện khá tầm thường. Điều đáng chú ý về nhãn hiệu thiên tả của ông là việc nó rất phản động.
Corbyn là nhà xã hội chủ nghĩa lỗi thời thích dìm người giàu xuống và đặt ngành giao thông và các dịch vụ công cộng trở lại dưới sự kiểm soát của nhà nước. Luận điệu của ông về đấu tranh giai cấp cho thấy một sự cách xa hoàn toàn so với tư tưởng dân chủ xã hội chính lưu.
Nền dân chủ xã hội châu Âu thời hậu Thế chiến II luôn là một sự thỏa hiệp với chủ nghĩa tư bản. Ý thức hệ cánh tả, đặc biệt ở Anh, xuất phát từ những truyền thống đạo đức Cơ Đốc[1] hơn là bất cứ giáo điều chính trị nào. Các nhà lãnh đạo Công đảng như Clement Attlee, thủ tướng đầu tiên sau Thế chiến II, không phản đối một nền kinh tế thị trường; họ chỉ muốn điều tiết thị trường theo một cách có thể phục vụ tốt nhất cho lợi ích của giai cấp lao động.
Trong Chiến tranh Lạnh, dân chủ xã hội là một chọn lựa vì mục tiêu bình đẳng của Tây Âu thay cho chủ nghĩa cộng sản. Ít nhất, Attlee là một người chống cộng gay gắt.
Trong các hội nghị của Công đảng, những biểu tượng cũ kỹ của chủ nghĩa xã hội chỉ nhận được những lời đãi bôi. Những nhà lãnh đạo đảng từng hát Quốc tế ca với nỗi ngậm ngùi trào lệ. Và cho đến khi bị Tony Blair bãi bỏ năm 1995, Điều 4 trong điều lệ đảng vẫn còn hứa hẹn việc “công hữu tư liệu sản xuất” và “quyền kiểm soát của nhân dân” đối với công nghiệp. (Corbyn có thể đang cố gắng phục hồi điều này.) Nhưng trong chính phủ quốc gia, các nhà xã hội chủ nghĩa giáo điều đều nhanh chóng bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho những người thực dụng hơn.
Tới khi Blair, theo gương của người bạn là Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trở thành Thủ tướng nhờ thúc đẩy “con đường thứ ba”,[2] chủ nghĩa xã hội dường như đã chết và bị chôn vùi. Clinton và Blair – những người lên nắm quyền sau cặp bài trùng Anh-Mỹ Ronald Reagan và Margaret Thatcher, đã bắt đầu xé rách nền tảng của dân chủ xã hội – đưa ra những thỏa hiệp mà Attlee chắc hẳn đã không dám mơ tới.
Sự thiên tài của Clinton và Blair nằm ở chỗ kết hợp sự quan tâm chân thật dành cho những người bị thiệt thòi với một sự sùng kính quá đáng dành cho những ông chủ tư bản giàu có của Phố Wall, của Thành phố London, cũng như những nơi mờ ám khác. Blair đi nghỉ với Silvio Berlusconi, vị thủ tướng tài phiệt của Ý. Clinton sử dụng quyền đặc xá tổng thống để cho phép các thân hữu giàu có né tránh công lý. Và sau khi rời nhiệm sở, cả hai đều nhanh chóng sử dụng uy tín của mình để làm giàu cho bản thân.
Người ta có thể nói rằng bằng cách thỏa hiệp quá nhiều với chủ nghĩa tư bản, các nhà lãnh đạo “con đường thứ ba” đã tự bán mình. Đó cũng là một lý do tại sao, dưới thời Corbyn, phe cực tả đã phản công và cuối cùng giành được quyền lực từ tay những người thỏa hiệp. Đặc biệt là với nhiều người trẻ, Corbyn là con người đáng tin được chờ đợi từ lâu, một tiếng nói “chân thật” của nhân dân. Chưa bao giờ có một nền tảng ý thức hệ sâu sắc, các nhà dân chủ xã hội trung tả cuối cùng không còn gì nhiều để nói khi phải đối mặt với một nhà xã hội chủ nghĩa thực thụ.
Liệu Hillary Clinton có bị trừng phạt tương tự trong quá trình tìm cách trở thành ứng viên được Đảng Dân chủ đề cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm sau hay không? Liệu phe trung tả mà bà đại diện có mất quyền kiểm soát trong đảng?
Theo những cuộc thăm dò dư luận gần đây, đối thủ chính của bà, Bernie Sanders, người tự gọi mình một cách hãnh diện là một nhà xã hội chủ nghĩa, đang tiến sát Clinton hơn bao giờ hết – và trên thực tế đã vượt qua bà tại một vài tiểu bang. Giống như Corbyn, Sanders có vẻ bề ngoài chân thật – một chính khách nói những điều ông ta nghĩ, không giống như những chính trị gia dòng chính tại Washington chỉ phát biểu theo kịch bản viết sẵn.
Nhưng không có nhà dân chủ cánh tả nào, kể cả Sanders, cứng rắn bằng những người theo phe Corbyn. So với Corbyn, Sanders vẫn là người ôn hòa. Quan trọng hơn, những gì mà phe cực đoan đã làm đối với Công đảng hiện cũng đang diễn ra với phe Cộng hòa, chứ không phải phe Dân chủ. Thực vậy, những người nổi loạn Cộng hòa xem ra còn cực đoan hơn Corbyn nhiều, chưa nói gì tới Sanders.
Đảng Cộng hòa đang có nguy cơ bị thâu tóm bởi những kẻ cuồng tín coi sự thỏa hiệp trong chính phủ là một hình thái của sự phản bội đểu giả. Ép buộc chính trị gia bảo thủ cực đoan John Boehner phải từ chức Chủ tịch Hạ viện vì đã quá mềm dẻo là một hành động khai chiến của những đảng viên Cộng hòa chống lại chính đảng phái của họ. Hầu hết ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa có tham vọng nhất không những cực đoan mà còn phản động hơn cả Corbyn.
Khẩu hiệu ưa thích của họ – “Take back our country” (Hãy lấy lại tổ quốc) hoặc “Make America great again” (Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) – gợi lại một quá khứ khi mà cả Chính sách kinh tế mới (New Deal) lẫn sự mở rộng của các quyền dân sự đều không đủ làm lay động sự bình tâm của những người Cơ Đốc da trắng chính trực. Chính những đảng viên Cộng hòa cực hữu này cũng nhấn mạnh “tính chân thật” của mình – thực vậy, họ nhấn mạnh nó hơn bất cứ thứ gì khác (điều này lý giải cho sức hút của Donald Trump). Và cũng chính họ đang nổi loạn một cách giận giữ để chống lại các nhà lãnh đạo đảng, những người mà họ tin rằng đã tự bán mình chỉ đơn giản vì cố tìm cách lên nắm quyền.
Còn quá sớm để dự đoán ai sẽ giành được đề cử của Đảng Cộng hòa. Ít có khả năng, nhưng vẫn có thể, một người cứng rắn như Ted Cruz, hoặc một chính trị gia không chuyên xuất sắc với niềm tin tôn giáo sâu đậm, ví dụ như bác sĩ giải phẫu thần kinh Ben Carson, sẽ nắm quyền trong đảng. Nhưng nắm quyền lãnh đạo một đảng chính trị còn dễ dàng hơn việc được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Cũng ít người tin rằng Corbyn sẽ thắng cuộc bầu cử quốc gia ở Anh; đó là lý do tại sao đảng của ông trong quốc hội lại tuyệt vọng đến thế.
Vậy nên bất chấp chiến dịch không mấy tươi sáng cho đến nay của mình, và bất chấp một nhận thức chung về tính thiếu “tính chân thật”, thậm chí mưu mẹo hết sức, có lẽ bà Clinton vẫn giữ được đảng và cuối cùng sẽ thành công. Bà sẽ thắng không phải bởi quan điểm của bà có vẻ thuyết phục hơn quan điểm của những chính trị gia trung tả của Công đảng ở Anh, mà bởi những đối thủ của bà xem ra quá yếu kém so với bà.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và mới đây là cuốn Year Zero: A History of 1945.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Back to Socialism
——————-
[1] “more Methodist than Marx”, tức thiên về tư tưởng của phong trào Giám lý trong Giáo hội Anh hơn là tư tưởng của Marx.
[2] “Third way”, tức dung hòa giữa tư tưởng của hai cánh tả và hữu – NHĐ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]