Chiến dịch Cái Kẹp Giấy là gì?

2015-10-28-1

Nguồn: “What is Operation Paperclip?”, History.com (truy cập ngày 28/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Khi Thế Chiến II bước vào giai đoạn cuối, các tổ chức của Mỹ và Anh đã cùng nhau lùng sục khắp lãnh thổ nước Đức bị chiếm đóng để lấy tất cả những nghiên cứu phát triển công nghệ, khoa học và quân sự mà họ có thể tìm được. Theo sau các lực lượng chiến đấu của quân Đồng Minh, các tổ chức như Tiểu ban Mục tiêu Tình báo Hỗn hợp (CIOS) đã bắt đầu tịch thu các loại tài liệu và vật liệu có liên quan đến cuộc chiến, và thẩm vấn các nhà khoa học tại các cơ sở nghiên cứu của Đức mà quân Đồng Minh chiếm được. Một tài liệu quan trọng đã được tìm thấy trong một phòng vệ sinh tại ĐH Bonn, đó là Danh sách Osenberg: một bản danh sách ghi lại tên những nhà khoa học và kỹ sư đã phải làm việc cho Đế chế thứ Ba.

Trong một hoạt động bí mật ban đầu được gọi là Chiến dịch Sương Mù (Operation Overcast) nhưng sau được đổi thành Chiến dịch Cái Kẹp Giấy (Operation Paperclip), khoảng 1.600 nhà khoa học Đức trong danh sách đó (cùng gia đình của họ) đã được đưa sang Mỹ để làm việc cho nước này trong Chiến tranh Lạnh. Chương trình này được thực hiện bởi Cơ quan Mục tiêu Tình báo Chung (JIOA), một đơn vị mới thành lập có mục tiêu thu thập nguồn lực tri thức Đức để giúp phát triển kho vũ khí hóa học, sinh học và tên lửa cho Mỹ, và để đảm bảo những thông tin mật đó không rơi vào tay Liên Xô. Mặc dù đã chính thức phê chuẩn chiến dịch, song Tổng thống Harry S. Truman đã cấm cơ quan này tuyển những thành viên của đảng Quốc Xã hay những ai tích cực ủng hộ đảng Quốc Xã. Dù vậy, các quan chức JIOA và Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS – tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA) – đã lờ đi chỉ thị này và tiêu hủy hoặc thanh tẩy mọi bằng chứng về tội ác chiến tranh nếu có trong hồ sơ của các nhà khoa học này, vì cho rằng thông tin của họ có ý nghĩa sống còn với những công tác hậu chiến của Mỹ.

Một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất được tuyển chọn là Werner von Braun, giám đốc kỹ thuật tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Peenemünde tại Đức, và là người có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển loại tên lửa nguy hiểm V-2 vốn đã tàn phá nước Anh trong thời chiến. Von Braun và các nhà khoa học tên lửa khác đã được đưa đến Fort Bliss, Texas và Bãi thử Tên lửa White Sands, New Mexico với tư cách “chuyên viên Bộ Chiến tranh” để giúp Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa. Von Braun sau đó đã trở thành Giám đốc Trung tâm Phi hành Vũ trụ Marshall thuộc NASA và là người thiết kế chính của tên lửa đẩy Saturn V, loại tên lửa sau này đã giúp đưa hơn 20 phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng.

Mặc dù có nhiều người ủng hộ cho hoạt động mờ ám này và cho rằng cán cân quyền lực đã có thể dễ dàng nghiêng về phía Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh nếu Mỹ không đưa những nhà khoa học Đức Quốc Xã này sang Mỹ, song cũng có nhiều người phản đối chiến dịch này vì cái giá đạo đức phải trả khi không trừng phạt hay bắt những nhà khoa học này chịu trách nhiệm vì những tội ác chiến tranh ghê tởm của họ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]