03/11/1941: Nhật quyết định tấn công Trân Châu Cảng

hideki_tojo

Nguồn:The order is given: Bomb Pearl Harbor,” History.com (truy cập ngày 02/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1941, Hạm đội Liên hợp Nhật Bản đã nhận được Lệnh tối mật số 1: Trong thời gian 34 ngày (đến mùng 7 tháng 12), căn cứ quân sự Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ trên quần đảo Hawaii sẽ bị đánh bom, cùng với bán đảo Mã Lai, Đông Ấn Hà Lan (thuộc địa của Hà Lan, nay là Indonesia), và Philippines.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Đông Dương năm 1940 và gây nguy cơ đe dọa tiềm ẩn lên Philippines (được Hoa Kỳ bảo hộ), cùng với việc Nhật Bản chiếm được căn cứ hải quân ở Cam Ranh vốn chỉ cách Manila 800 dặm (tương đương 1.300 cây số theo đường chim bay).

Hoa Kỳ trả đũa bằng cách thu giữ toàn bộ tài sản của Nhật Bản ở nước này và đóng cửa kênh đào Panama đối với tàu thuyền Nhật Bản. Tháng 9 năm 1941, Tổng thống Roosevelt ban hành một tuyên bố, được soạn thảo bởi Thủ tướng Anh Winston Churchill, đe dọa chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản nếu Nhật Bản tiếp tục xâm lấn hơn nữa các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Quân đội Nhật Bản từ lâu đã thống trị các vấn đề đối ngoại của nước này. Dù các cuộc đàm phán chính thức giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và người đồng cấp Nhật Bản đã được tổ chức để làm giảm căng thẳng, Tōjō Hideki, bộ trưởng chiến tranh và sau này là thủ tướng Nhật Bản, lại không hề có ý định rút khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm được. Tōjō cũng hiểu rằng lời “đe dọa” chiến tranh của Hoa Kỳ là tối hậu thư và đã chuẩn bị tung ra đòn đánh đầu tiên trong cuộc đối đầu Mỹ-Nhật: ném bom Trân Châu Cảng.

Như vậy, Tokyo đã ra lệnh cho tất cả các chỉ huy hạm đội tấn công không chỉ Hoa Kỳ và đất nước được nó bảo hộ là Philippines, mà còn cả các thuộc địa của Anh và Hà Lan ở Thái Bình Dương. Thế chiến II nhanh chóng lan rộng sang mặt trận Tây Thái Bình Dương.

Ảnh: Tōjō Hideki, Thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn 1941–1944, người tích cực ủng hộ Nhật Bản tham chiến với các quốc gia khác trong Thế chiến II.

Xem thêm: Ngày tàn của Phát xít Nhật

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]