Nguồn: Chris Patten, “The Great Leader Revival”, Project Syndicate, 21/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Duy Hiếu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hai trăm năm đã qua kể từ trận Waterloo, nơi mà sự thất bại thảm hại của Napoleon đã làm sứt mẻ ghê gớm hình ảnh nước Pháp, điều mà Tướng Charles de Gaulle trong quan điểm lịch sử về quân đội Pháp của ông, đã đơn giản bỏ qua. Dù sao thì Napoleon, cũng như Tướng de Gaulle, sẽ dễ dàng được liệt kê vào danh sách những vị lãnh đạo vĩ đại của lịch sử – tất nhiên với một giả định rằng “sự vĩ đại” là một đặc điểm cá nhân (không liên quan đến quốc gia).
Marx và Tolstoy đã từng cho rằng không có một khái niệm gọi là một “nhà lãnh đạo vĩ đại”. Đối với Marx, cuộc đấu tranh giai cấp tại Pháp đã tạo nên bối cảnh trong đó một “người bình thường kỳ cục” – trong trường hợp này là Napoleon – đã được biến thành một vị anh hùng. Về phần Tolstoy, Napoleon không phải là một vị tướng tài điển hình, các chiến thắng được mang đến cho ông bởi lòng dũng cảm và sự tận tâm của tất cả các chiến binh Pháp, những người đã chiến thắng trong Trận Borodino.
Dù Napoleon có phải là một vĩ nhân không, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu có bất kỳ một lãnh đạo nào đó đáng được coi là vĩ đại hay không. Và nếu có thì là ai?
Có hai yếu tố quan trọng điển hình cho sự lãnh đạo vĩ đại, cả hai đều được đề cập bởi nhà triết học chính trị Isaiah Berlin. Thứ nhất, vấn đề là người lãnh đạo có nhận thức được chiều hướng của làn gió lịch sử hay không? Otto von Bismarck đã nhận ra điều đó, cũng như người kế tục của ông, thủ tướng Konrad Adenauer của Đức. Nói như cách nói đáng nhớ của Bismarck, thì cả hai đã cùng nghe thấy “tiếng sột soạt từ chiếc áo choàng của Chúa.”
Thứ hai, người lãnh đạo đó có những lựa chọn quan trọng để thực hiện hay không? Tất nhiên, nếu các quyết định được áp đặt lên người lãnh đạo đó, họ thực sự sẽ không thể được công nhận (hoặc bị quy trách nhiệm) cho các quyết định đó. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là liệu người lãnh đạo đó có cơ hội cân nhắc các giải pháp thay thế, và lựa chọn quyết định đúng đắn cho đất nước của mình hay không.
Điều này giải thích tại sao tướng de Gaulle gần như chắc chắn có tên trong bất kỳ danh sách các lãnh đạo vĩ đại nào. Một mình ông đã cáng đáng để giải cứu nước Pháp khỏi bị đưa xuống thành cường quốc hạng hai sau Thế chiến II. Sau khi quay trở lại quyền lực vào năm 1958, chính ông cũng đã giải cứu đất nước mình lần nữa, dập tắt hai âm mưu đảo chính, kết thúc cuộc chiến tại Algeria, và truyền cảm hứng cho bản hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa.
Rất giống với Thủ tướng Anh Winston Churchill, tướng de Gaulle đã mang đến cho nước Pháp một thế giới quan mới, điều đã thiết lập nên vị trí của nước Pháp trong trật tự thế giới thời hậu chiến. Trong thực tế, thế giới quan mà tướng de Gaulle và thủ tướng Churchill thiết lập cho đất nước mình hóa ra có tầm ảnh hưởng quá lớn. Những vị lãnh đạo tiếp sau họ đã tiếp tục nhìn nhận thế giới – và vai trò của đất nước họ trên thế giới – theo những cách mà họ đã thiết lập, gây cản trở cho các thảo luận hợp lý và làm cho việc quyết định bị bóp méo trong hàng năm trời. Kết quả là, không một vị lãnh đạo tiếp theo nào của các đất nước này đạt được tầm của họ.
Nhưng có một vị Thủ tướng Anh nữa, người đã tiến đến gần hơn tầm vĩ đại: Thủ tướng Margaret Thatcher, một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi, có nhiều người yêu mến nhưng cũng có không ít kẻ thù ghét. Ngay cả việc từ chức của bà vào 25 năm trước cũng bị thúc đẩy bởi một cuộc nổi loạn ngay trong nội các và đảng của bà. Tuy nhiên, người ta không cần phải được yêu mến rộng rãi – hoặc thậm chí dễ mến – để trở thành một lãnh đạo vĩ đại. Và thực tế đã chứng minh rằng ngay cả những người không mến mộ Thatcher cũng không thể chối bỏ tầm ảnh hưởng của bà.
Ngoài việc trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh, và cũng là một trong những người đầu tiên trên thế giới, Thủ tướng Thatcher đã có công trong việc đảo chiều đà suy thoái của nền kinh tế Anh. Hơn nữa, nỗ lực của bà trong việc tấn công các nghiệp đoàn quá nhiều quyền lực đã làm cho nước Anh dễ quản trị hơn vào một thời điểm khi mà nước này dường như đã bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn và mất kiểm soát. Vì lý do đó, bà chắc chắn là một ứng cử viên cho danh hiệu “lãnh đạo vĩ đại”.
Tương tự như vậy, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc có thể được coi là một lãnh đạo vĩ đại, bất chấp thực tế rằng có rất nhiều khuyết điểm đối với ông. Ngoài những hành vi đen tối mà ông đã thực hiện khi là cấp phó của Mao, Đặng đóng một vai trò quyết định trong việc thực hiện cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Nhưng Đặng cũng đã mở cửa thị trường, đặt đất nước của ông vào con đường phát triển và thịnh vượng chưa từng có tiền lệ mà cuối cùng đã giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo.
Rất nhiều người sẽ coi Lý Quang Diệu, nhà sang lập và thủ tướng trong một thời gian rất dài của Singapore, là vĩ đại, mặc dù ông gần như chắc chắn sẽ vui mừng tiếp nhận cơ hội được thử sức mình ở một đất nước rộng lớn hơn. Và trong thực tế, dường như quy mô một đất nước ảnh hưởng đến khả năng cho ra đời một lãnh đạo vĩ đại. Tôi không có ý xúc phạm đến Hoàng gia Luxembourg khi cho rằng sẽ khó có một lãnh đạo vĩ đại xuất hiện từ đất nước nhỏ bé này, đặc biệt trong bối cảnh chính trị nói chung là bình lặng ở đó.
Hoa Kỳ chắc chắn là đủ rộng lớn để sản sinh ra các lãnh đạo vĩ đại. Và một số tổng thống đã thực sự thực hiện những điều vĩ đại. Các Tổng thống Harry Truman và Dwight Eisenhower – chắc chắn không phải là những học giả uyên bác – nhưng đã ra các quyết định tuyệt vời vì họ đã thiết lập nên trật tự quốc tế thời hậu chiến để duy trì hòa bình trên toàn thế giới trong hàng thập niên. Những người khác, bao gồm Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thống Bill Clinton, đã có những khả năng vĩ đại – ví dụ như năng lực truyền cảm hứng hoặc tài năng thuyết phục.
Tổng thống John F. Kennedy có một chút của cả hai tài năng này. Ông đã làm một điều vĩ đại: giải quyết cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Và khả năng của ông trong việc thúc đẩy mọi người là chưa từng có; thực sự, điều này còn tồn tại rất lâu sau khi ông mất bởi vụ ám sát càng khẳng định thêm di sản quyền lực của ông.
Châu Phi không có thêm một biểu tượng vĩ đại nào sau sự ra đi của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, người có đầy đủ sự dũng cảm, thẩm quyền ảnh hưởng, và lòng cao thượng. Trong thực tế, ông là một trong các lãnh tụ có nhiều uy tín và có sức quyến rũ nhất mà tôi đã từng gặp; hai người còn lại là cựu Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell – đều là người Châu Phi hoặc người Mỹ gốc Phi.
Ngày nay thì sao? Vị lãnh đạo duy nhất của Châu Âu hiện nay, người có thể có được sự vĩ đại là Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu trên thực tế. Giống như cựu Thủ tướng Helmut Kohl, ban đầu bà đã từng bị đánh giá thấp, nhưng bà đã thực hiện các quyết định quan trọng một cách đúng đắn. Kohl đã giúp tái thống nhất nước Đức một cách êm đẹp; Thủ tướng Merkel đã phản đối quyết liệt sự can thiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine, và bà cũng đã đối phó một cách rộng lượng với cuộc khủng hoảng người nhập cư.
Tôi tin rằng Marx và Tolstoy đã sai. Lãnh đạo chính trị – những người đàn ông và phụ nữ thực thi quyền lãnh đạo đó – có thể làm nên một sự khác biệt thực sự – dù hệ quả là gì đi chăng nữa. Merkel là một ví dụ điển hình của thời đại này, vì bà đã chỉ ra hướng đi mà Châu Âu cần để đối phó với các thách thức sống còn mà bản thân châu lục này đang phải đối mặt.
Chris Patten, toàn quyền cuối cùng của Anh tại Hồng Kông và cựu Cao ủy của Liên minh Châu Âu (EU) về các vấn đề đối ngoại, hiện là Hiệu trưởng của Đại học Oxford.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Great Leader Revival
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]