Nguồn: Philippe Legrain, “The Disintegration of Europe,” Project Syndicate, 19/10/2015.
Biên dịch: Đặng Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nếu như cần một dấu hiệu để thấy Liên minh châu Âu (EU) đang tan rã ở một mức độ đáng báo động thì đó chính là việc Hungary xây dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Croatia – một thành viên EU khác. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu rõ ràng đã làm phân mảnh các dòng chảy tài chính, khiến các nền kinh tế tách biệt nhau, làm xói mòn sự ủng hộ chính trị đối với các thể chế thuộc EU, và khiến các nước châu Âu chống lại nhau. Hiện nay, bởi vì chính phủ các nước đang dựng lên những hàng rào và phục hồi kiểm soát đường biên giới, cuộc khủng hoảng người tị nạn đang làm gián đoạn sự dịch chuyển con người và ảnh hưởng đến thương mại. Và bởi vì EU đang dần suy sụp, nguy cơ nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU đang ngày càng tăng lên.
Người ta thường lập luận rằng EU vượt qua các cuộc khủng hoảng vì tất cả các nước đều tập trung vào nhu cầu hội nhập sâu hơn. Tuy nhiên, những bước đột phá như vậy yêu cầu ít nhất bốn thành tố: nhận thức chung đúng đắn về vấn đề, sự nhất trí triển khai một phương án hiệu quả hướng tới tương lai, sự sẵn sàng cắt bớt chủ quyền quốc gia, và các nhà lãnh đạo có khả năng thực hiện sự thay đổi. Bốn nhân tố đó hiện nay đều thiếu.
Các nhà lãnh đạo EU đều yếu, chia rẽ và có vẻ như không có khả năng đưa ra một tầm nhìn đáng tin cậy về những lợi ích mà hội nhập EU có thể đem lại trong tương lai. Thiếu đi tầm nhìn này thì các nước EU không thể tập hợp sự ủng hộ của người dân và thuyết phục các chính phủ ngoan cố chịu chia sẻ những chi phí hiện tại. Vì thiếu đi một phản ứng chung hiệu quả, các cuộc khủng hoảng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn, thúc đẩy lẫn nhau và kích động chủ nghĩa đơn phương (của các nước).
Khủng hoảng khu vực đồng tiền chung (eurozone) và cuộc khủng hoảng người tị nạn có những đặc điểm chung vốn làm chúng khó giải quyết. Cả hai đều liên quan đến những cuộc tranh chấp về chia sẻ chi phí, bị làm cho trở nên phức tạp bởi một cuộc đụng độ các giá trị, và nước Đức mới giành được sức mạnh thống trị là trung tâm của cuộc đụng độ đó.
Liên minh châu Âu rất tuyệt vọng trong việc chia sẻ gánh nặng. Thay vì đồng ý phân chia các phí tổn một cách công bằng, dù đó là cuộc khủng hoảng tài chính hay việc đón nhận người tin nạn, thì chính phủ các nước lại cố gắng giảm thiểu nghĩa vụ của mình và đẩy chi phí sang cho nước khác – do đó càng làm gia tăng chi phí tập thể. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng vốn có thể dễ dàng được giải quyết thông qua việc tái cơ cấu một cách quyết đoán và công bằng những món nợ không bền vững lại bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị với quy mô lớn hơn rất nhiều, đẩy những chủ nợ chống lại các con nợ, cả ở trong các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Tương tự như thế, những luật lệ của EU quy định người tị nạn phải được cấp quy chế tị nạn ở quốc gia đầu tiên mà họ đến đã chứng tỏ vừa không khả thi vừa không công bằng. Bởi vì những người tị nạn chủ yếu tới Nam Âu nhưng muốn hướng đến phía bắc, Hy Lạp và Italy đã lờ đi những quy định này và tạo điều kiện cho họ đi tiếp. Những quốc gia trung chuyển như Hungary cố gắng chuyển hướng người tị nạn sang các nước khác. Việc tái định cư gần 750.000 người tị nạn ở EU trong năm nay – chỉ tương đương với 0,14% dân số EU – đã trở thành một cuộc khủng hoảng sống còn.
Một phần vấn đề liên quan tới việc ra quyết định. Các lãnh đạo của EU tập trung quá hẹp vào việc hạn chế các chi phí tài chính và chính trị trước mắt hơn là tư duy chiến lược về những hậu quả lớn hơn trong dài hạn.
Tái cơ cấu nợ Hy Lạp vào năm 2010 có lẽ là một phí tổn đối với các ngân hàng Pháp và Đức (và các chính phủ đứng đằng sau họ), nhưng đó chỉ là một tổn thất rất nhỏ so với tổn thất ngày càng tăng của một cuộc khủng hoảng kéo dài. Tương tự như vậy, dù việc đón nhận người tị nạn yêu cầu sự đầu tư ban đầu từ công quỹ, nó có thể mang lại lợi ích ngay khi những người tị nạn này bắt tay vào làm việc. Một lục địa đang lão hóa cần những nhân công trẻ năng động để thực hiện các công việc mà người dân địa phương cự tuyệt (hoặc bởi vì họ thiếu kỹ năng), thanh toán cho và chăm sóc người già, mở doanh nghiệp và theo đuổi những ý tưởng mới kích thích nền kinh tế phát triển.
Cuộc đụng độ các giá trị cũng gây trở ngại cho việc thỏa hiệp. Đức nhấn mạnh rằng các con nợ có nghĩa vụ đạo đức phải trả những gì họ nợ và trả giá cho sự hoang phí của họ. Thủ tướng Slovakia đã từ chối người tị nạn với lý do: “Slovakia được xây dựng cho người Slovakia, không phải cho người thiểu số”. Rất khó để thuyết phục vị thủ tướng này bằng cách chi tiền. Cho dù kế hoạch tái định cư người tị nạn của EU sẽ loại bỏ những người di cư không mong muốn ra khỏi Hungary, nhưng Viktor Orbán, vị lãnh đạo chuyên chế và dân tộc chủ nghĩa của nước này, đã phản đối kế hoạch này về mặt nguyên tắc, đồng thời khép tội nước Đức là “đế quốc chủ nghĩa về đạo đức” do cố gắng áp đặt thái độ hào phóng đối với người tị nạn lên các nước láng giềng.
Cho đến gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Đức đã tìm cách chuộc lỗi cho quá khứ của Đức Quốc xã bằng cách xây dựng hình ảnh một nước Đức gắn bó với châu Âu hơn và hỗ trợ tài chính cho EU, do đó giúp làm dịu bớt các tranh cãi. Nhưng khi vị thế chủ nợ của nước Đức đã đẩy họ vào vị thế người cầm lái của EU, chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel giờ đây lại muốn kiến thiết một châu Âu đi theo sự chỉ đạo của nước Đức nhiều hơn.
Đức từ chối thừa nhận rằng những chính sách kinh tế lợi mình hại người – được phản ánh qua thặng dư tài khoản vãng lai lớn của nước này – là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng eurozone cũng như là một trở ngại lớn để giải quyết nó. Thay vào đó, Đức ép buộc những nước khác đi theo ý mình, nhận định sai lầm rằng lợi ích hẹp hòi của họ trong vai trò một chủ nợ tương đồng với lợi ích của toàn bộ hệ thống (đồng tiền chung châu Âu).
Bà Merkel đóng một vai trò tích cực hơn nhiều trong cuộc khủng hoảng người tị nạn. Nước Đức đơn phương đình chỉ việc áp dụng các nguyên tắc tị nạn của EU và cam kết sẽ chấp nhận tất cả những người di cư từ Syria. Nhưng việc bà Merkel không thể cung cấp cho những người tị nạn này một hành trình an toàn đã làm tình trạng hỗn loạn này xấu đi. Việc tái áp đặt kiểm soát biên giới sau đó trong khu vực tự do đi lại thuộc Hiệp định Schengen đã thiết lập nên một tiền lệ xấu, kích thích những người láng giềng của Đức cũng hành động tương tự.
Trong khi đó, cùng với việc EU ngày càng được xem như là nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị và người nhập cư không mong muốn, nguy cơ người Anh sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý trước cuối năm 2017 đang ngày càng tăng lên. Nước Anh vốn đã tách biệt một phần với EU – không tham gia Hiệp định Schengen, khu vực đồng tiền chung và nhiều vấn đề đối nội khác (bao gồm cả chính sách người tị nạn). Với việc chính phủ đang tìm cách đàm phán để đạt được quy chế thành viên lỏng lẻo hơn, nước Anh sẽ ngày càng lạnh nhạt hơn với EU kể cả khi vẫn tiếp tục là một thành viên.
Các cuộc thăm dò dư luận có kết quả khá cân bằng và kết cục cuộc trưng cầu dân ý thì chưa thể đoán trước được. Vào thời điểm sự giận dữ chống lại giới cầm quyền chính thống gia tăng đi kèm biến động chính trị, những người vận động chống EU có thể rêu rao ba viễn cảnh cho một tương lai hậu EU: Một thị trường tự do, không có người nước ngoài, và một thiên đường xã hội chủ nghĩa không tưởng. Ngược lại, giới ủng hộ EU lại phải phơi bày thực trạng của một EU đầy rẫy các vấn đề.
Cho đến gần đây, quá trình hội nhập EU dường như là không thể tránh khỏi. Nó có thể bị trì hoãn nhưng sẽ không bao giờ bị đảo ngược. Các quốc gia gia nhập ngày càng nhiều, và không quốc gia nào ra khỏi khối. Nhưng với một EU đang suy sụp, việc nước Anh ra khỏi khối có thể đảo ngược động lực đó. Đó là tất cả những lý do khiến người ta cần kiến thiết lại EU trước khi quá muộn.
Philippe Legrain, cựu Cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu, là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện Châu Âu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Disintegration of Europe
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]