Đàm phán COP21 về khí hậu ở Paris có ý nghĩa gì?

Nguồn: “What climate talks in Paris will mean”, The Economist, 9/11/2015.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Tháng 12/2009, trong những vòng đàm phán được tổ chức theo Công ước Khung về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp Quốc (UNFCCC) tại Copenhagen, các nhà đàm phán từ nhiều nước đã không đạt được thỏa thuận. Khi đó người ta đã có nhiều kỳ vọng: việc Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ được nhiều người cho là đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh việc đàm phán. Thay vào đó, cùng với Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, và Trung Quốc, Mỹ đã đạt đến một thỏa thuận ngoài lề không có tính ràng buộc. Bên cạnh những biện pháp khác, “Hiệp định Copenhagen” đã nhất trí đến năm 2020 sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho việc hợp tác quốc tế nhằm giúp các nước giảm lượng thải khí nhà kính. Tại các cuộc họp ở Doha sau đó 2 năm, các lãnh đạo quốc tế đã hứa sẽ đi đến một thỏa thuận quốc tế về khí hậu chậm nhất là vào năm 2015. Giờ đây thế giới sắp bước vào một cuộc đàm phán về khí hậu nữa, sẽ được tổ chức tại Paris bắt đầu từ ngày 30/11. Nhưng liệu cuộc đàm phán này có thể đi đến một thỏa thuận không, và nó sẽ tượng trưng cho điều gì?

Thay vì dẫn các lãnh đạo vào một phòng họp lớn và đưa cho họ một bản kế hoạch, giống như người Đan Mạch đã làm tại Copenhagen, lần này các nước đã có 9 tháng để chuẩn bị những cam kết về giảm thải khí nhà kính trước khi cuộc đàm phán bắt đầu – một động thái khôn ngoan. Hơn 150 quốc gia đã đệ trình kế hoạch của họ, cam kết giảm gần 90% tổng lượng khí thải toàn cầu. Một báo cáo tổng hợp gần đây từ UNFCCC cho biết những cam kết này sẽ đồng nghĩa với việc tỉ lệ tăng tương đối của lượng khí thải trong giai đoạn 2010 – 2030 sẽ thấp hơn giai đoạn 1990 – 2010 từ 10 – 57%. Hệ quả là các nước có lẽ sẽ chỉ hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu là 3°C, thay vì mục tiêu 2°C được duy trì trong chính sách khí hậu những năm gần đây.

Nhưng Laurence Tubiana, nhà ngoại giao hàng đầu về khí hậu của Pháp, cho biết bà thấy lạc quan hơn bao giờ hết về việc đạt được thỏa thuận vì “tất cả mọi người đều đang nói chuyện với nhau”. Quả thật, sự tham gia của những nước gây ô nhiễm lớn hiện nay đã lớn hơn so với trước. Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức khí thải đỉnh điểm vào năm 2030, thậm chí là sớm hơn, và sẽ đưa ra một chương trình thương mại hóa khí CO2 vào năm 2017. Còn Mỹ đang thực hiện Kế hoạch Năng lượng Sạch với mục tiêu là đến năm 2030 sẽ giảm 870 triệu tấn khí thải CO2 từ các nhà máy điện – mức giảm bằng gần 1/3 lượng khí thải ở năm 2005 và tương đương với loại bỏ 166 triệu xe hơi đang đi trên đường. Brazil cũng dự định đến năm 2030 sẽ giảm 43% lượng khí nhà kính thải ra so với mức ở năm 2005.

Cũng như nhiều cam kết khác, những kế hoạch này sẽ ít ấn tượng hơn nếu được xem xét kỹ lưỡng. Mỹ đã đạt được một nửa mục tiêu của mình nhờ sự bùng nổ của công nghiệp khai thác dầu bằng ép nứt thủy lực (fracking). Và không ai biết chính xác mức thải CO2 hàng năm của Trung Quốc, vì vậy rất khó để cân đo được những nỗ lực giảm thải của nước này. Trong khi đó Brazil đã bị chỉ trích vì thất bại nặng nề trong việc giải quyết vấn đề mất rừng theo như cam kết của họ. Chỉ có 2 nước là Ma-rốc và Ethiopia sẵn lòng nỗ lực để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 2°C, theo Climate Action Tracker, một công cụ phân tích được 4 tổ chức nghiên cứu môi trường vận hành.

Dù sao, nếu những cam kết này hợp thành một thỏa thuận tại Paris, điều mà khả năng cao là sẽ xảy ra, thì đó sẽ là nỗ lực quốc tế lớn nhất nhằm giảm thải khí nhà kính tính đến giờ. Các quốc gia sẽ chỉ tham gia nếu có sự khích lệ đúng đắn, vì vậy các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề nguồn tài chính. Một liên hiệp các nước chung ý nguyện (“coalition of the willing”) có thể lỏng lẻo, nhưng về chính trị thì đây là khả năng duy nhất. Điều này có nghĩa là thỏa thuận sẽ không ngăn cản được biến đổi khí hậu, nhưng nó sẽ báo hiệu cho các công ty và nhà đầu tư về “thời kỳ xanh” trước mắt. Và sẽ còn tốt hơn nữa nếu trong thỏa thuận có một điều khoản yêu cầu các nước cứ 5 năm phải thắt chặt thêm cam kết của mình. Christiana Figueres, thư ký điều hành UNFCCC, cho biết “Chúng ta không còn ở trong tình trạng bình thường nữa, mà đang trong tình trạng cấp bách”.

Ghi chú: COP21 chỉ hội nghị thường niên thứ 21 của các nước thành viên (Conference of Parties – COP) của Hiệp định khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1992.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]