Chính sách tiền tệ không đủ giúp giải quyết suy thoái

Print Friendly, PDF & Email

9544834557_b844c48e78_b_0

Nguồn: J. Bradford DeLong, “The Tragedy of Ben Bernanke”, Project Syndicate, 29/10/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sẽ thật khó để xem cuốn hồi ký mới xuất bản của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Ben Bernanke, “The Courage to Act” (tạm dịch: Dũng cảm Hành động) là một thứ gì khác ngoài một bi kịch. Đó là câu chuyện về người đàn ông vốn dĩ là người được chuẩn bị sẵn sàng nhất cho công việc của mình nhưng lại nhanh chóng bị đánh bại bởi những thử thách, rồi cứ thế bị tụt lại phía sau và chẳng thể nào bắt kịp trở lại.

Bernanke là người có công lớn khiến cú sốc tài chính năm 2007 – 2008 không dẫn đến một cuộc Đại Suy thoái thứ hai. Nhưng cách mà ông giải quyết hậu quả của nó thì lại gây thất vọng một cách đáng ngạc nhiên. Hồi năm 2000, Bernanke đã lập luận rằng một ngân hàng trung ương khi có đủ ý chí thì “luôn luôn” có thể khôi phục lại sự thịnh vượng nhờ vào nới lỏng định lượng, ít nhất là trong trung hạn.

Nếu một ngân hàng trung ương in tiền và mua các tài sản tài chính trên một quy mô đủ lớn thì người dân sẽ bắt đầu gia tăng chi tiêu. Ngay cả khi người ta tin rằng chỉ một phần nhỏ của nới lỏng định lượng là thường xuyên, và thậm chí cả động lực chi tiêu chỉ đạt mức thấp, thì ngân hàng trung ương vẫn có thể khởi động lại nền kinh tế.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Bernanke đã không làm được điều đó. Dù rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác đã in nhiều tiền hơn so với mức mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để bù đắp tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng sự thịnh vượng vẫn chưa được khôi phục. Bernanke đã tăng lượng tiền cơ sở của Mỹ lên gấp 5 lần, từ 800 tỷ lên 4000 tỷ USD. Nhưng chỉ điều đó thôi chưa đủ. Và khi lòng dũng cảm gặp thất bại, ông ngần ngại trước bước nhảy vọt tiếp theo: tiếp tục tăng lượng tiền cơ sở lên hơn gấp đôi, đạt mức 9000 tỷ USD. Đến những năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, Bernanke đã phải van xin vô vọng Quốc hội nới lỏng tài khóa.

Vậy thì chính xác điều gì đã đi sai hướng? Câu trả lời còn tùy thuộc vào nhà kinh tế nào mà bạn hỏi. Nếu tôi hiểu đúng Bernanke, ông lập luận rằng về cơ bản thì không có gì sai, và rằng xu hướng tiết kiệm quá mức tạm thời đang kéo dài thời gian cần thiết để nới lỏng tiền tệ có thể khôi phục lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế. Các quỹ đầu tư quốc gia ngại thua lỗ, các triệu phú ở những thị trường mới nổi đem tiền giữ tại Mỹ và Châu Âu, và các chính phủ tìm cách đảm bảo quyền tự do hành động đã đẩy mức lãi suất xuống đáng kể và kéo dài thời gian để các cú sốc tiêu tan.

Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard lại có quan điểm khác: lỗi của Bernanke là quá tập trung vào cung tiền. Theo các mô hình kinh tế đơn giản, khi thị trường tiền tệ nằm trong trạng thái cân bằng đảm bảo thịnh vượng, thì thị trường nợ cũng vậy. Nhưng trong thế giới thực, sẽ hiệu quả hơn nếu các chính phủ mua lại các khoản nợ rủi ro và khuyến khích người cho vay xóa bớt nợ xấu. Chính điều này chứ không phải việc nới lỏng chính sách tiền tệ mới có thể thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và nhanh chóng phục hồi sự thịnh vượng.

Thế nhưng, những người khác lại có thể cho rằng các biện pháp chính sách tiền tệ có thể đủ tác dụng nếu Fed cam kết một mục tiêu lạm phát hàng năm cao hơn 2% và tuyên bố sẽ nới lỏng định lượng cho đến khi đạt được mục tiêu đó. Lời hứa đơn giản này – nếu được làm cho đáng tin – sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với nới lỏng định lượng quy mô lớn hơn.

Ngoài ra còn có một quan điểm thứ tư, được ủng hộ nhiều nhất bởi hai nhà kinh tế học Larry Summers và Paul Krugman. Họ lập luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy chính sách tiền tệ sẽ giúp khôi phục lại sự thịnh vượng. Theo quan điểm này, giấc mơ của Milton Friedman về việc sử dụng các biện pháp can thiệp tiền tệ chiến lược để khắc phục những cú sốc kinh tế sẽ mãi chỉ là một giấc mơ. Chính tình hình đặc biệt ở châu Âu và Mỹ trong nửa thế kỷ qua – chủ yếu là do tăng trưởng dân số và năng suất – đã khiến ý tưởng của Friedman trở nên có vẻ hợp lý. “Nếu không ai tin rằng lạm phát sẽ tăng, thì nó sẽ chẳng bao giờ tăng,” Krugman nói. “Cách duy nhất chắc chắn làm tăng lạm phát là thay đổi chế độ tiền tệ, với hàng loạt các gói kích thích tài khóa.”

Chính tôi cũng không thể nói quan điểm nào là đúng. Nhưng tôi tin chắc rằng cuộc tranh luận này là cuộc tranh luận quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế học vĩ mô kể từ những năm 1930, khi John Maynard Keynes vật lộn với những câu hỏi tương tự. Đối với Keynes, câu trả lời đã rõ ràng, và nó gần giống với những gì Summers và Krugman lập luận. Thực sự, những kết luận đó đã biến Keynes từ người theo phái trọng tiền thành một Keynes như chúng ta đã biết.

“Có vẻ như chính sách [tiền tệ] tự thân nó không gây đủ ảnh hưởng lên lãi suất,” Keynes đã viết như thế vào năm 1936. “Vì thế, tôi cho rằng xã hội hóa đầu tư toàn diện mới là phương tiện duy nhất để đảm bảo tình trạng gần với toàn dụng lao động.” Đó là những lời đáng được xem xét nếu một lần nữa nếu chúng ta phải một lần nữa cần can đảm để hành động.

Bradford Delong là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và là nghiên cứu viên tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế. Ông cũng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Tragedy of Ben Bernanke

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]