Nguồn: Jean Quatremer, “La mystique de la frontière“, Liberation, 29/08/2015.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang
Vấn đề ranh giới, đường kẻ vô hình ra đời vào thế kỷ 16 mà theo cách hiểu ngày nay là một đường phân định rõ rệt, đã lên tới cao trào sau Thế chiến thứ nhất: ranh giới chính trị tất nhiên là đường xác định giới hạn quyền lực của nhà nước và hiệu lực của các luật lệ; ranh giới quân sự với việc xây dựng những bức tường (như tuyến phòng thủ Maginot và Siegfried); ranh giới hành chính với việc mở rộng việc kiểm soát lai lịch; hay còn cả ranh giới tư tưởng hình thành bởi các hàng rào như Bức màn sắt. Tại các quốc gia độc tài, mà nhất là cộng sản, ngay cả những đường ranh giới trong nước cũng được thiết lập với quy định muốn đi lại phải có giấy phép.
Ranh giới, bên cạnh vai trò là đường giới hạn pháp lý, còn là ảo tưởng tạo ra một khu vực đồng nhất biệt lập với khu vực khác, trong tương quan giữa hai khu vực: hình thành nên khu bên trong và bên ngoài, trong nước và ngoài nước, an toàn và hiểm họa,… Việc loại bỏ những khu vực và những đường biên giới này từ lâu đã là một mơ ước để con người có thể tự do di chuyển từ nơi này sang nơi khác, một lời khẳng định của chủ nghĩa tự do trong một thế giới vốn đã tự do hóa việc di chuyển vốn và hàng hóa nhưng lại không ngừng nhấn mạnh các loại kiểm soát sự di chuyển của con người.
Sự kiện chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ năm 1989, và việc các dân tộc Đông Âu được giải phóng khiến người ta tin rằng thời khắc này cuối cùng đã đến: sự cáo chung của lịch sử. Chỉ ngay sau đó, liên minh châu Âu, ra đời từ giấc mơ hòa bình, đã hiện thực hóa một không gian không biên giới đầu tiên trong lịch sử hiện đại với việc Hiệp ước Schengen xóa bỏ mọi kiểm soát đối với biên giới nội bộ năm 1995. Ấy vậy mà tấm gương của châu Âu vẫn không được noi theo.
Trái lại, những biên giới và những bức tường vẫn ngày càng mọc lên. Không chỉ là những bức tường đến giờ vẫn chưa sụp đổ giữa Bắc và Nam Triều Tiên và giữa Bắc và Nam đảo Síp, mà trên khắp hành tinh tiếp tục xuất hiện thêm những bức tường mới vì lý do quân sự hay phần lớn là để ngăn chặn việc di chuyển của con người. Bức tường ngăn cách Israel và những phần lãnh thổ bị chiếm đóng, giữa nước Mỹ và Mexico, giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, giữa Ấn Độ và Bangladesh, giữa Botswana và Zimbawe, v.v… Đáng buồn hơn, đến lượt liên minh châu Âu cũng bắt đầu xây dựng những bức tưởng ở biên giới ngoài châu lục này: giữa Tây Ban Nha và Ma-rốc, giữa Bungary và Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Hungary và Serbia.
Ranh giới ngày càng tinh vi hơn: nó không chỉ là vật chất mà còn ở dạng phi vật chất: camera theo dõi, hệ thống thông tin được cải tiến (SIS – Système d’information Schengen: Hệ thống Thông tin Schengen, hay PNR – Passenger Name Recorder: Hệ thống Tên Hành khách), hệ thống giám sát vệ tinh và hàng không. Hơn thế nữa, ranh giới không chỉ còn giới hạn là một đường đơn giản. Trong khu vực Schengen, các kiểm soát không những diễn ra ở dải đất 20 km chạy dọc hai bên biên giới ngoài mà còn diễn ra ngay bên trong khối, trong chính quốc gia mà người ta mang quốc tịch thông qua kiểm tra visa tại các sân bay. Đường biên giới đã hiện hữu ở khắp mọi nơi. Thế kỷ 21 đã vượt qua thế kỷ 20.
Thế nhưng, chúng ta nghe thấy chuyện nhiều người đòi hỏi tái thiết lập các đường biên giới nội bộ Liên minh châu Âu để chặn dòng người nhập cư ồ ạt tràn vào hay để ngăn chủ nghĩa khủng bố (tùy theo cách hiểu của độc giả). Theo đúng logic, sự bí ẩn của việc ranh giới không ngừng được xây thêm không hẳn chỉ dừng lại ở đường biên giới quốc gia: Tại sao không tái thiết lập các hàng rào thuế để ngăn người nhập cư (đặt tại cửa ngỏ vào các thành phố) hay giấy phép di chuyển nội bộ để kiểm soát việc đi lại của cá nhân bởi rõ ràng chủ nghĩa khủng bố chủ yếu là vấn đề của công dân nước đó?
Liệu đây có phải là một sự thổi phồng? Hoàn toàn không. Việc giám sát này đã được thực thi bởi nhu cầu cần truy lùng những đối tượng bị tình nghi là khủng bố hay những người nhập cư trái phép. Luật của Pháp và an ninh nội địa và hệ thống kiểm soát căn cước được lập ra để làm điều này. Tư tưởng thiết lập biên giới nghiêm ngặt dẫn tới việc mở rộng khái niệm ranh giới vốn dĩ thuộc phạm trù tự nhiên trở thành thứ hiện hữu trên toàn bộ lãnh thổ: bởi lẽ tất cả không trừ một ai đều trở thành đối tượng tình nghi.
Một ranh giới ra đời đồng nghĩa với việc một loạt các quyền tự do bị chối bỏ: tự do đi lại và làm việc, quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư, nghĩa vụ của những nhà chức trách lý giải việc từ chối nhập cảnh, v.v… Biên giới có mặt ở đâu thì sự tùy tiện về mặt hành chính cũng đi theo đến đó. Cái giá của an ninh là sự tự do. Và bất chấp việc an ninh có được đảm bảo hay không, chẳng một đường biên giới nào ngăn chặn được điều gì: quân đội Đức với chính sách bắn chết tại chỗ vẫn chẳng thể kiểm soát được biên giới với Tây Ban Nha, cũng như bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico cũng không ngăn nổi dòng người Mỹ Latinh di cư. Địa Trung Hải, một biên giới tự nhiên tươi đẹp, không làm nản lòng những người nhập cư mạo hiểm tính mạng để thoát khỏi xung đột và khổ đau. Những bức tường đã thất bại từ Vạn lý trường thành của Trung Quốc tới Bức màn Thép hay bức tường Hadrian (Anh) cho ta thấy được phần nào số phận của những đế chế tự cô lập với thế giới bên ngoài.
Xem thêm: Tại sao các bức tường biên giới kém hiệu quả?
Hình: Bức tường Hadrian dài 73 dặm ở Anh. Nguồn: english-heritage.org.uk
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]