Nguồn: “International day to eliminate violence against women,” History.com (truy cập ngày 24/11/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1999, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết lấy ngày 25 tháng 11 hàng năm làm Ngày Quốc tế về Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ. Nghị quyết này, được đưa lên bởi Cộng hòa Dominica, nhằm kỷ niệm ngày ba chị em Maria, Teresa, và Minerva Mirabel bị sát hại dã man (theo lệnh của Tổng thống độc tài Dominica Rafael Trujillo) năm 1960. Trong khi phụ nữ ở các nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribê đã kỷ niệm ngày này kể từ năm 1981, đến năm 1999 nó mới được tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận.
Đã có nhiều tổ chức, trong đó có Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UNIFEM), đã thúc đẩy sự công nhận quốc tế đối với ngày này. Trước đó một năm, giám đốc UNIFEM Noeleen Heyzer đã có bài phát biểu trong một buổi gây quỹ tại Toronto, Canada, nhằm khuyến khích nam giới và phụ nữ tham gia các hoạt động chống bạo lực giới kéo dài 16 ngày. Nỗ lực tình nguyện này bắt đầu từ ngày 25 tháng 11 và kéo dài đến ngày mùng 10 tháng 12, ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948 như một phản ứng đối với cuộc khủng bố diệt chủng của chế độ Đức Quốc xã.
Các hoạt động kéo dài 16 ngày này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân Canada, do một trong những bi kịch khủng khiếp nhất của quốc gia này diễn ra vào ngày mùng 6 tháng 12 năm 1989, khi Marc Lepine xả súng tại trường École Polytechnique ở Montréal. Lepine đã tiến vào trường với một khẩu súng bắn đạn ghém và sát hại 14 nữ sinh viên kỹ thuật trước khi quay súng tự sát – sự kiện này sau này được gọi là “Thảm sát Montréal.” Trong thư tuyệt mệnh, Lepine tuyên bố vụ xả súng là một cuộc tấn công chống chủ nghĩa nữ quyền.
Các tổ chức của phụ nữ trên toàn thế giới đã thành công trong việc chung tay tăng cường nhận thức và sự ủng hộ dành cho lý tưởng của họ. Cho dù đây là một dấu hiệu của sự thay đổi tích cực trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, thống kê cho thấy vẫn còn nhiều điều cần thực hiện. Một báo cáo năm 1994 của Ngân hàng Thế giới, “Bạo lực đối với phụ nữ: Gánh nặng y tế tiềm ẩn,” ước tính rằng cứ bốn phụ nữ trên toàn thế giới thì có một người đã, hoặc sẽ, bị hãm hiếp. Báo cáo này cũng cho rằng bạo lực đối với phụ nữ là nguyên nhân gây ra cái chết và tàn tật ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghiêm trọng ngang bằng ung thư, và là nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe nhiều hơn tai nạn giao thông và sốt rét cộng lại.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]