Chính quyền quân sự Thái “xoay trục” sang Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

133874400_14193382485061n

Nguồn:Under military rule, Thailand pivots towards China“, Today Online, 26/11/2015.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng

Các chiến đấu cơ Trung Quốc bay lượn trên bầu trời phía trên một căn cứ quân sự tại đông bắc Thái Lan. Hình ảnh này cho thấy quan hệ chính trị và quân sự giữa chính quyền quân sự và nước láng giềng phương Bắc độc đoán đang “nở rộ”.

Trong hai tuần vừa qua, các máy bay của Thái Lan và Trung Quốc cùng có cuộc diễn tập không quân chung lần đầu tiên, với đỉnh điểm là màn trình diễn nhào lộn của đội bay Trung Quốc vào cuối tuần này.

Đối với đại úy Chanon Mungthanya, phát ngôn viên Không quân Hoàng gia Thái Lan tham gia trong đợt diễn tập tại căn cứ Korat lần này, đây là cơ hội quý giá để tương tác với những người đồng nhiệm Trung Quốc.

Ông nói với AFP: “Mối quan hệ của chúng tôi sẽ tăng thêm một bậc trong đợt diễn tập này.”

Trước đây, Thái Lan là một trong những đồng minh quân sự trung thành nhất của Washington tại Đông Nam Á, và lẽ ra đã muốn nhìn thấy quan hệ với Mỹ sẽ thăng tiến dưới thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông “xoay trục” về châu Á.

Thế nhưng, cuộc đảo chính vào tháng 5/2014 – cuộc đảo chính thứ hai trong vòng một thập niên qua – và sau đó là hành động trấn áp các quyền dân sự của chính quyền quân nhân đã khiến cho mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Trong khi đó, Thái Lan cũng thực hiện chính sách “xoay trục” của riêng mình.

Phó Giáo sư Puangthong Pawakapan, chuyên gia chính trị Thái Lan của trường Đại học Chulalongkorn, cho biết: “Chính quyền quân sự rõ ràng thoải mái hơn nhiều khi bắt tay với Trung Quốc, bởi họ cùng nói chung ngôn ngữ, và thực hành chung một thứ: Chủ nghĩa chuyên chế”

Phía Bắc Kinh nhanh chóng công nhận người đứng đầu chính quyền quân sự là Tướng Prayuth Chan-o-Cha, đồng thời thúc đẩy các kế hoạch cho dự án mạng lưới đường sắt trị giá hàng tỉ đô la chạy dọc Vương quốc do Trung Quốc xây dựng.

Thái Lan cũng đang cân nhắc chi một tỷ đô la Mỹ để mua tàu ngầm Trung Quốc.

Vậy nhưng, các nhóm vận động nhân quyền cho rằng mối thân tình này đi kèm các hậu quả tiêu cực bên trong Thái Lan khi chính quyền quân sự dường như sẵn sàng thực hiện những việc “dơ bẩn” mà Trung Quốc yêu cầu.

Hồi tháng 7/2015, hơn 100 người tị nạn Uighur bị trục xuất sang Trung Quốc bất chấp những cảnh báo từ Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng nhóm thiểu số người Hồi giáo này sẽ phải đối mặt với rủi ro bị ngược đãi.

Chính quyền Thái Lan vẫn quả quyết vụ đánh bom tại đền Erawan ở Bangkok hồi tháng 8 vừa qua không phải là cuộc tấn công trả đũa, dù phần lớn các nạn nhân là người Hoa và đã có hai nghi phạm Uighur bị cáo buộc.

Vào đầu tháng 11 này, Liên Hợp Quốc đã cấp quy chế tị nạn cho hai người bất đồng chính kiến Trung Quốc, tuy nhiên hai người này bất ngờ bị bắt và được đưa tới Bắc Kinh. Người thứ ba đã mất tích ở Thái Lan.

PGS. Puangthong chia sẻ: “Thái Lan không còn là nơi an toàn cho những ai có tư tưởng chống Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Theo giáo sư Paul Chamber, giám đốc Viện Các Vấn đề Đông Nam Á, chính quyền quân sự “đang chơi trò thực dụng… tung hứng quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ nhằm thu được lợi ích lớn nhất cho mình.”

Nhưng GS. Chambers tin rằng những đợt trục xuất kể trên là một diễn tiến mới mẻ.

Ông nhận định: “Động thái này nhằm cho người Trung Quốc biết rằng quân đội Thái Lan sẵn sàng nhận chỉ trích nặng nề để giúp Trung Quốc.”

Về phía Hoa Kỳ, những diễn biến tại Thái Lan gây ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Washington đã hủy bỏ một số viện trợ quân sự sau cuộc đảo chính ở Thái Lan và tiếp tục kêu gọi phục hồi nền dân chủ. Tuy nhiên, nước này cũng phải thận trọng để không đẩy đồng minh Đông Nam Á này ra quá xa.

Đầu năm nay, chính phủ Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện cuộc tập trận Hổ mang Vàng diễn ra thường niên tại Thái Lan. Đây là cuộc tập trận quân sự có quy mô lớn nhất châu Á.

Ông Chambers cho hay: “Thái Lan xoay trục về Trung Quốc không có nghĩa là Bangkok đặt cược hết tất cả vào Bắc Kinh.”

Washington vẫn giữ tầm ảnh hưởng đáng kể, nhất là nếu Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực và Thái Lan muốn tham gia cuộc chơi.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]