Tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu

0,,17425642_303,00

Nguồn: Ricardo Hausmann, “The Import of Exports”, Project Syndicate, 26/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Vân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Chiến lược phát triển của một quốc gia có nên chú ý đặc biệt đến lĩnh vực xuất khẩu? Xét cho cùng, xuất khẩu không liên quan gì tới việc làm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của người dân, chẳng hạn như giáo dục, y tế, nhà ở, điện, nước, viễn thông, an ninh, pháp luật và giải trí. Vì vậy, tại sao phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng ở một đất nước xa xôi?

Một cách ngắn gọn, câu hỏi trên cũng chính là điều mà những người phản đối tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa kinh tế, cũng như những người cánh hữu yêu cầu đối xử bình đẳng đối với tất cả các ngành công nghiệp, muốn biết. Tuy nhiên không có câu trả lời đúng cho những câu hỏi sai. Bởi chính vì quan tâm đến người dân nên các chính phủ mới phải tập trung vào xuất khẩu.

Để nghiên cứu về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu nền kinh tế thị trường là gì. Một số người, bao gồm cả Đức Giáo hoàng Francis, cho rằng nền kinh tế thị trường là sự tham lam – một hệ thống mà trong đó tất cả mọi người chỉ quan tâm đến bản thân mình.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường nên được hiểu là một hệ thống mà trong đó chúng ta có nghĩa vụ phải kiếm sống bằng cách làm việc cho người khác; số tiền chúng ta kiếm được phụ thuộc vào sự đánh giá của họ đối với những gì chúng ta đã làm. Kinh tế thị trường bắt buộc chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu của những người khác, bởi nhu cầu đó cấu thành nên nguồn thu nhập của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, nền kinh tế thị trường có thể được coi như một hệ thống trao đổi quà cáp; tiền chỉ đơn giản là công cụ theo dõi giá trị của các món quà chúng ta trao cho nhau.

Kết quả là, kinh tế thị trường khuyến khích sự chuyên môn hóa: Chúng ta chuyên tâm vào một phạm vi hẹp các kỹ năng hoặc các sản phẩm, và đem trao đổi chúng cho hàng triệu những thứ hàng hóa khác mà chúng ta không thể làm ra được. Kết cục là chúng ta chỉ làm ra được một số hàng hóa rất ít nhưng lại mua mọi thứ còn lại từ những người khác.

Quan điểm này về kinh tế thị trường không những chính xác đối với mỗi cá nhân, mà còn với một địa phương, cho dù địa phương đó có thể là một khu dân cư, một thành phố, một tỉnh thành, một tiểu bang, hoặc một đất nước. Mỗi thành phố có những cửa hàng tạp hóa, thẩm mỹ viện, trạm xăng và rạp chiếu phim riêng phục vụ cho cộng đồng địa phương. Các nhà kinh tế gọi đây là những hoạt động “phi mậu dịch” (non-tradable) bởi chúng không nhằm phục vụ cho những khách hàng lưu trú xa địa phương đó.

Tuy nhiên, những cư dân của thành phố sẽ muốn tiếp cận với những hàng hóa, dịch vụ mà không ai trong khu vực biết cách tạo ra được. Ví dụ, hầu hết các thị trấn và thành phố không sản xuất thực phẩm, ô tô, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, vô tuyến truyền hình, hoặc các bộ phim. Vì vậy, người dân cần phải “nhập khẩu” hàng hóa từ nơi khác về. Để trả tiền cho những hàng hóa đó, họ phải bán đi những loại hàng hóa mà họ có thể sản xuất được.

Tất nhiên, những cư dân thuộc thành phố khác có thể tùy chọn mua hàng hóa từ nhiều nơi. Đó là lý do tại sao các loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của một khu vực lại có tác động rất lớn đến chất lượng cuộc sống – thậm chí cả khả năng tồn tại của khu vực đó. Một thị trấn chuyên về khai thác khoáng sản có thể trở thành một thị trấn ma khi các mỏ bị đóng cửa, bởi vì các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và rạp chiếu phim không còn có khả năng mua các hàng hóa “nhập khẩu”, bao gồm thuốc men và các bộ phim mà người dân cần.

Khác với các hoạt động phi mậu dịch, hoạt động xuất khẩu tại một khu vực cần phải có chất lượng tốt để có thể thuyết phục khách hàng ở các khu vực khác – những người có rất nhiều lựa chọn phong phú – mua sản phẩm từ các nhà sản xuất của mình. Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu cần phải có một tỷ lệ chất lượng/chi phí hấp dẫn.

Một cách để tăng tỷ lệ này chính là nâng cao chất lượng và năng suất. Ngoài ra có thể hạ mức tiền lương. Năng suất và chất lượng các hoạt động xuất khẩu càng cao thì người lao động càng được nhận lương cao hơn mà vẫn duy trì được tính cạnh tranh. Nếu số người làm việc trong các ngành công nghiệp xuất khẩu chiếm số lượng lớn, đặc biệt là đối với những khu vực mà nguồn thu không đến từ dầu khí, thì tiền lương trong các ngành xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng đến thu nhập của tất cả người dân trong khu vực. Do đó chúng ta cần phải quan tâm hơn đến phát triển lĩnh vực xuất khẩu.

Do chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn, các hoạt động xuất khẩu đang có xu hướng cải tiến công nghệ và năng suất nhanh hơn so với  phần còn lại của nền kinh tế. Các ngành này liên tục bị đe dọa bởi sự cải tiến và những đối thủ cạnh tranh mới vốn có thể làm công việc kinh doanh của chúng bị đổ vỡ. Hãy xem xét tác động của iPhone lên thế độc tôn một thời của hãng điện thoại Phần Lan Nokia, cũng như ảnh hưởng của cuộc cách mạng dầu đá phiến lên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Những nước thành công thường có xu hướng chuyển đổi xuất khẩu từ các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ đơn giản với sức cạnh tranh vừa đủ sang ngày càng nhiều các ngành công nghiệp phức tạp hơn. Chẳng hạn, trong năm 1963, 97% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan bao gồm các loại nông sản và khoáng sản như gạo, cao su, thiếc và đay.  Tuy nhiên, đến năm 2013, các sản phẩm này chỉ chiếm dưới 20% tổng kim ngạch, trong khi máy móc và hóa chất chiếm đến 56%.

Một sự chuyển đổi tương tự có thể được nhận thấy ở tất cả các nước đang phát triển thành công không thuộc OPEC. Thành công của một quốc gia gắn liền với khả năng của người dân trong việc hoàn thành công cuộc chuyển đổi này, ví dụ như ở Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Vì vậy, các quốc gia, các tỉnh thành và các thành phố nên làm gì? Những người hoài nghi cho rằng, chính quyền chỉ nên tập trung vào giải quyết những thứ mà người dân địa phương quan tâm, chẳng hạn như giáo dục hoặc cơ sở hạ tầng, hay cải thiện “môi trường kinh doanh” cho tất cả mọi người. Xuất khẩu sẽ tự đảm nhiệm công việc của nó.

Tuy nhiên cuộc sống không hề đơn giản như vậy. Các nhu cầu của hoạt động xuất khẩu thường khá đặc trưng. Các quy định cụ thể, cơ sở hạ tầng, kỹ năng, và làm chủ công nghệ mà các hoạt động xuất khẩu đòi hỏi thường khác với nhu cầu của các hoạt động phi mậu dịch vốn thường tạo ra phần lớn việc làm cho một địa phương. Trong khi đa dạng hóa nền kinh tế sang các lĩnh vực mới luôn là một thách thức, thì các hoạt động sản xuất hàng hóa mậu dịch còn gặp khó khăn hơn do ngay từ đầu đã phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ nước ngoài. Ngược lại, những người tiên phong trong các hoạt động phi mậu dịch chỉ phải bắt đầu với một thị trường hẹp (ít cạnh tranh) hơn.  Hơn nữa, các nhà xuất khẩu cần có kết nối đặc biệt mạnh mẽ với các bí quyết công nghệ (know-how) trên toàn cầu, khiến họ trở nên nhạy cảm hơn trước các hoạt động đầu tư nước ngoài, di cư và các liên kết nghề nghiệp chuyên môn quốc tế.

Để tồn tại và phát triển, các xã hội cần phải chú ý đặc biệt tới các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà có thể xuất khẩu đến những cư dân thuộc khu vực khác. Do đó, việc nắm bắt cơ hội xuất khẩu và loại bỏ những chướng ngại để thành công là bài học cốt yếu đến từ sự phát triển thần kỳ của Đông Á và Ireland.

Các hoạt động phi mậu dịch giống như các giải thi đấu thể thao của một quốc gia: những người khác nhau thích các đội khác nhau. Những cá nhân tham gia vào các hoạt động mậu dịch quốc tế lại giống như một đội tuyển quốc gia: tất cả chúng ta nên tích cực cổ vũ cho họ – và hãy tự tổ chức để đảm bảo rằng họ thành công.

Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Import of Exports
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]