Nghệ thuật chuyển vốn ra ngoài bằng tác phẩm hội họa

Print Friendly, PDF & Email

india-christies

Nguồn: Kenneth Rogoff, “The Art of Capital Flight”, Project Syndicate, 04/09/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Việc Trung Quốc phát triển chậm lại sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường các tác phẩm mỹ thuật đương đại đang nóng hổi? Câu hỏi này có thể không phải là một câu hỏi rõ ràng cho đến khi người ta nhận ra rằng đối với những nhà đầu tư đến từ các thị trường mới nổi thì các tác phẩm nghệ thuật là một công cụ quan trọng để di chuyển vốn và cất giấu tài sản. Những nhà đầu tư này đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc hình thành bong bóng giá ngoạn mục của thị trường các tác phẩm nghệ thuật trong những năm vừa qua. Vì thế, khi các nền kinh tế mới nổi từ Nga cho tới Brazil đang vướng vào suy thoái, liệu bong bóng này có vỡ hay không?

Chỉ mới 5 tháng trước, Larry Fink, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của BlackRock, công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới, tuyên bố trước một nhóm thính giả ở Singapore rằng các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã trở thành một trong hai công cụ tích lũy tài sản quan trọng nhất trên toàn thế giới, cùng với các căn hộ trong những thành phố lớn như là New York, London hay Vancouver. Mua vàng để đề phòng lạm phát ư? Quên nó đi, hãy mua tranh!

Việc ông Fink nâng các tác phẩm mỹ thuật lên hạng đầu tư tốt nhất gây nhiều bất ngờ bởi vì không ai ở tầm của ông đủ dũng cảm để nói lên điều đó. Tôi thì chắc chắn không ca tụng xu hướng này. Tôi đồng ý với quan điểm của nhà triết học Peter Singer rằng những món tiền khổng lồ được chi cho những tác phẩm nghệ thuật đương đại hàng đầu là một điều đáng lo lắng.

Chúng ta đều có thể đồng ý rằng những khoản tiền này gây nhiều sửng sốt. Hồi tháng Năm, tác phẩm “Những người phụ nữ Algiers” (Women of Algiers) của Pablo Picasso được bán với giá 179 triệu đôla Mỹ tại một phiên đấu giá của hãng Christie ở New York, so với mức 32 triệu vào năm 1997. Được thôi, đó là một bức họa của Picasso. Nhưng nó vẫn chưa phải là mức giá cao nhất được trả trong năm nay. Một nhà sưu tầm người Thụy Sĩ được cho là đã trả gần 300 triệu đô la Mỹ trong một cuộc trao tay riêng cho tác phẩm “Chừng nào em sẽ cưới” (When Will You Marry?) năm 1892 của Paul Gauguin.

Picasso và Gauguin đều đã qua đời. Nguồn cung tranh của họ đã được biết rõ và rất hiếm. Tuy nhiên, đợt lên giá điên cuồng gần đây cũng liên quan đến một số lượng lớn những nghệ sĩ còn sống, được dẫn đầu bởi Jeff Koons người Mỹ và Gerhard Richter người Đức, và lan tỏa sâu xuống các cấp bậc tiếp theo.

Đối với các nhà kinh tế, bong bóng giá các tác phẩm mỹ thuật gợi nên nhiều câu hỏi thú vị, nhưng một câu hỏi đặc biệt đáng chú ý là ai sẽ chịu trả những khoản tiền khổng lồ đến thế cho các tác phẩm cao cấp này. Câu trả lời sẽ khó được tìm ra, bởi vì thế giới mỹ thuật rất mù mờ. Thực vậy, các tác phẩm mỹ thuật là cơ hội đầu tư lớn cuối cùng còn tồn tại mà không bị các chính phủ điều tiết.

Người ta đã tốn nhiều giấy mực để viết về những bộ sưu tập tranh vẽ của những người quản lý quỹ đầu cơ, và quỹ đầu tư mỹ thuật tư nhân (nơi mà một nhà đầu tư có thể mua cổ phần trong một danh mục các tác phẩm, cho dù họ không bao giờ sở hữu bất kỳ bức tranh nào). Thực tế cho thấy, những người mua đến từ các nền kinh tế mới nổi, tính luôn người Trung Quốc, thường trở thành người mua quyết định trong nhiều trường hợp, và họ thường mua giấu tên.

Nhưng chẳng phải là Trung Quốc có một chế độ quản lý vốn khắt khe, giới hạn công dân chỉ có thể đem 50 ngàn đô la mỗi năm ra khỏi đất nước hay sao? Đúng vậy, nhưng có rất nhiều cách để đem tiền vào và ra khỏi Trung Quốc, bao gồm phương thức lâu đời là “gửi hóa đơn bớt giá và hơn giá”.

Ví dụ như, để đem tiền ra khỏi Trung Quốc, một người bán hàng Trung Quốc có thể báo mức giá đô la thấp hơn rất nhiều mức giá thực mà người đó được trả bởi một nhà nhập khẩu phương Tây chịu hợp tác, với khoản tiền chênh lệch được chuyển vào một tài khoản ngân hàng nước ngoài. Rất khó để ước tính mức vốn tháo chạy ra nước ngoài (capital flight), không những bởi vì số liệu không đầy đủ mà còn bởi vì rất khó để phân biệt việc vốn tháo chạy và việc đa dạng hóa các khoản đầu tư thông thường. Như nhà kinh tế học quá cố của MIT Rudiger Dornbusch hay thích đùa, nhận biết được việc vốn tháo chạy giống như thầy bói xem voi: Rất khó để mô tả, nhưng anh sẽ nhận ra khi được mục sở thị.

Nhiều ước tính cho rằng mỗi năm vốn chạy ra khỏi Trung Quốc ở mức 300 tỉ đô la trong những năm gần đây, và tăng đáng kể trong năm 2015 khi nền kinh tế ngày càng yếu dần. Các nhà chức trách Trung Quốc luôn cảnh giác đang trừng trị thẳng tay nạn rửa tiền; nhưng do động cơ mạnh mẽ từ những người muốn đưa vốn ra nước ngoài nên điều này cũng chẳng ăn thua gì, dập chỗ này sẽ trồi lên chỗ khác.

Có thể coi là những người mua nặc danh từ Trung Quốc trong các cuộc bán đấu giá tại Sotherby và Christie đã lén đem tiền ra khỏi đất nước trước khi họ ra giá, và các bức tranh chỉ là một phương tiện đầu tư có thể được dễ dàng sở hữu bí mật. Những bức tranh này không hẳn sẽ được trưng bày ở đâu hết. Chúng có thể được đem đi gửi trong một hầm chứa được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm ở Thụy Sĩ hay Luxembourg. Có những đợt bán tác phẩm mỹ thuật ngày nay mà trong đó các tác phẩm được bán nghe nói chỉ được chuyển dịch từ một góc của hầm đến góc khác, tương tự như cách Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York thực hiện những đợt mua bán vàng giữa các ngân hàng trung ương quốc gia.

Rõ ràng là những động cơ và những điều khuyến khích các nhà đầu tư mỹ thuật tham gia chuyển vốn ra ngoài, hoặc những ai muốn giấu hoặc rửa tiền, là rất khác với những mục tiêu của các nhà đầu tư thông thường. Người Trung Quốc không phải là người phát minh ra trò chơi này. Không lâu trước kia, Mỹ Latinh là lực lượng chính thúc đẩy thị trường mỹ thuật do lượng tiền chảy ra khỏi những nền kinh tế gặp khó khăn như Argentina và Venezuela; cũng như do các băng buôn bán ma túy sử dụng các tác phẩm hội họa để rửa tiền.

Vậy thì mức phát triển chậm lại của các nền kinh tế mới nổi bắt nguồn từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá các tác phẩm mỹ thuật đương đại? Trong ngắn hạn thì câu trả lời không rõ ràng, bởi vì dòng tiền đổ ra càng nhiều kể cả khi nền kinh tế chậm lại. Trong dài hạn thì kết cục rất rõ ràng, đặc biệt nếu tính luôn khả năng Cục Dự trữ Liên bang có thể sắp tăng lãi suất. Với việc những người mua cốt lõi rút lui, và chi phí cơ hội gia tăng, hồi kết của bong bóng giá các tác phẩm mỹ thuật sẽ là một bức tranh không đẹp tí nào.

Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công tại Đại học Harvard và là chủ nhân của giải thưởng Ngân hàng Đức về Kinh tế Tài chính năm 2011. Ông là Kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế từ 2001 đến 2003. Cuốn sách mới nhất của ông, viết cùng với Carmen Reinhart, có tên This time is different: Eight Centuries of Financial Folly.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Art of Capital Flight

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]