Singapore: Hiện diện của Mỹ là trọng yếu đối với khu vực

Print Friendly, PDF & Email

ng-eng-hen

Nguồn:US presence key to region’s security, says Ng”, Today Online, 11/12/2015.

Biên dịch: Lê Hồng Hiệp

Trong tình hình bối cảnh khu vực đang thay đổi, sự hiện diện tiếp tục của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là điều cần thiết nhằm bảo đảm hòa bình và tiến bộ, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuyên bố như vậy ngày hôm qua (10 tháng 12).

Quyết tâm của Mỹ ‘nhằm tiếp tục vai trò của mình như là một “thế lực chủ đạo và ổn định” đối với khu vực này là rất quan trọng, ông nói. “Khu vực này – trừ việc ASEAN đóng vai trò trung tâm – còn lâu mới có các liên minh và các mối quan hệ đối tác vững chãi mà châu Âu đã hình thành, như EU (Liên minh châu Âu) và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương),” Tiến sĩ Ng nói.

“Khu vực của chúng ta không thể nào chấp nhận tình trạng bất định mà châu Âu phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng Libya năm 2011 và cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Điều này sẽ là quá bất ổn và có thể dẫn đến một loạt các kết quả không mong muốn và chưa bao giờ được nghĩ tới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNA), Tiến sĩ Ng, người đang có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng trong thập niên qua, chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương tăng khoảng 62 phần trăm – nhiều hơn gấp 10 lần so với mức tăng chi tiêu quân sự của châu Âu.

“Trong thực tế, nếu xét về con số tuyệt đối, chi tiêu quân sự của riêng châu Á, vào khoảng 400 tỷ đô la, đã vượt qua mức chi tiêu của châu Âu vào năm ngoái,” ông nói.

Đầu tuần này, Singapore đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai các máy bay do thám lần đầu tiên trong tháng này, một động thái đã dẫn tới phản ứng từ Trung Quốc nói rằng việc triển khai này là nhằm quân sự hóa khu vực và gây phương hại đến hòa bình khu vực. Việc triển khai máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ diễn ra vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông đang tăng cao do Trung Quốc theo đuổi một cách xác quyết các tuyên bố chủ quyền của mình ở đó.

Bình luận về việc triển khai lần đầu tiên này, Tiến sĩ Ng nhắc tới trong bài phát biểu của mình một thỏa thuận năm 2012 cho phép Mỹ triển khai luân phiên bốn chiến hạm tác chiến ven bờ tại Singapore. “Singapore đã luôn tin rằng Hoa Kỳ, nước mà sự hiện diện của nó trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một lực lượng giúp duy  trì hòa bình và ổn định khu vực, đóng một vai trò quan trọng trong kiến ​​trúc an ninh của khu vực”, ông nói.

Tiến sĩ Ng nói thêm rằng chính vì niềm tin này mà sau khi căn cứ không quân Clark và Vịnh Subic ở Philippines bị đóng cửa, Singapore đã ký Bản ghi nhớ năm 1990 với Mỹ, trong đó tạo điều kiện cho Mỹ tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân của Singapore.

Ông lưu ý rằng trong bảy thập niên qua, Mỹ là một cường quốc toàn cầu hàng đầu và đã cung cấp an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp cho khu vực có được sự ổn định mà các nền kinh tế mới nổi cần để phát triển. Tuy nhiên, cần đạt được một “sự chung sống mới” (giữa Mỹ) với các cường quốc đang lên như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia thành viên ASEAN, ông nói.

Tiến sĩ Ng nhắc lại rằng sự tin tưởng chiến lược lớn hơn giữa các bên liên quan trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực, và nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy đối thoại và hợp tác thiết thực. Ông nói: “Quan trọng không kém sự hiện diện tiếp tục của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là việc chỉ riêng mình Mỹ không thể đảm bảo hòa bình và ổn định liên tục. Để đạt được điều này, chúng ta cần phải xây dựng lòng tin chiến lược lớn hơn giữa tất cả các bên liên quan trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Trích dẫn các điển hình như các cuộc tuần tra tại Eo biển Malacca, Trung tâm Phổ biến Thông tin của Singapore, và cuộc diễn tập an ninh hàng hải và chống khủng bố của ADMM + sắp tới, ông nói thêm rằng: “Trong hơn hai thập niên qua, các bên liên quan trong khu vực đã thể chế hóa các nền tảng hợp tác mới … Các bộ quốc phòng của chúng ta đang phối hợp với nhau để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. ”

Sau bài phát biểu của mình tại CNA, Tiến sĩ Ng đã gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ông cũng đã có các cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương John Brennan và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce.

Trước đó, Tiến sĩ Ng đã thảo luận với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker và các đồng Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Singapore, Dân biểu Denny Heck và Dân biểu Bradley Byrne.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]