Nguồn: Martin Feldstein, “China’s Latest Five-Year Plan”, Project Syndicate, 28/11/2015.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tôi có mặt ở Bắc Kinh hồi tháng trước khi chính phủ Trung Quốc đưa ra bản tóm tắt sơ bộ của Kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Đây là một tài liệu quan trọng để hiểu được lộ trình Trung Quốc đang hướng tới trong giai đoạn 2016-2020. Tuy vậy các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc cũng không giống ngày trước nữa.
Nền kinh tế Trung Quốc không còn là hệ thống quốc doanh hay do nhà nước quản lý như 30 năm trước khi tôi tới đây lần đầu. Thời đó không có các doanh nghiệp tư nhân, và việc bất cứ ai ngoài chính phủ hoặc một doanh nghiệp nhà nước thuê nhân công là phi pháp. Giờ đây chỉ 20% số lao động ở Trung Quốc làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước. Phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc năng động, phi tập trung, và thuộc sở hữu tư nhân. Các công ty đa quốc gia Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài khác là một mảng quan trọng của toàn cảnh nền kinh tế.
Vậy nên kế hoạch 5 năm không còn là một bản kế hoạch chi tiết về việc mở rộng công nghiệp. Thay vào đó, nó đưa ra bức tranh về những mục tiêu mà lãnh đạo Trung Quốc hi vọng đạt được dưới sự chỉ đạo chung của chính phủ. Mục tiêu là cải thiện mức sống – tăng trưởng tương đối nhanh, tăng tỷ lệ tiêu dùng trong GDP, và nâng cao chất lượng nước và không khí – bằng cách kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ kiểu phương Tây, phát triển cơ sở hạ tầng do chính phủ cấp vốn, và thay đổi các quy định về môi trường và các lĩnh vực khác.
Một trong những mục tiêu chính đã được đưa ra vào năm 2010: tăng gấp đôi GDP và thu bình quân đầu người thực tế vào năm 2020. Chính phủ Trung Quốc giờ đây chính thức ước tính rằng để đạt được điều này sẽ cần mức tăng trưởng 6,5%/ năm trong năm năm tới. Vì Trung Quốc vẫn còn là một nước tương đối nghèo với GDP đầu người chỉ bằng khoảng 25% của Mỹ, nên duy trì một nhịp độ tăng trưởng nhanh như vậy chắc chắn không phải là không thể.
Nhưng rất nhiều nhà quan sát hoài nghi về dữ liệu chính thức về GDP và khả năng duy trì tăng trưởng 6,5% của Trung Quốc. Sự hoài nghi này phản ánh nhiều tin tức gần đây cho thấy sản lượng yếu của nhiều ngành trong nền kinh tế Trung Quốc, ví dụ như những dòng tít về sản lượng công nghiệp suy giảm, xuất khẩu đình đốn, và việc một số doanh nghiệp trong các ngành nào đó phải đóng cửa
Dù tôi không thể tự nhận mình là một chuyên gia về thống kê kinh tế Trung Quốc, tôi nghĩ rằng những dòng tít này là một hậu quả tự nhiên nhưng gây hiểu nhầm từ các nỗ lực của chính quyền nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế Trung Quốc từ mở rộng công nghiệp và xuất khẩu sang dịch vụ và tiêu thụ hộ gia đình. Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng sản lượng của khu vực dịch vụ đang tăng đủ nhanh để bù lại tăng trưởng sản lượng công nghiệp (giảm còn) khoảng 5% hoặc ít hơn nữa, nhờ đó đạt được mức tăng trưởng tổng thể hiện tại vào khoảng 7%.
Nhưng dù tốc độ tăng trưởng hàng năm hiện có thật sự ở mức 7% đi chăng nữa thì tăng trưởng 6,5% trong năm năm tới sẽ là một thử thách, vì ít nhất bốn lý do. Đầu tiên, việc chuyển dịch của Trung Quốc từ công nghiệp nặng sang dịch vụ hàm ý rằng sản lượng tính theo mỗi công nhân và sự kiểm soát của chính quyền trung ương sẽ giảm sút. Cùng lúc đó, các chính sách môi trường cấp thiết để nâng cao chất lượng không khí và nguồn nước sẽ hấp thu nhiều nguồn lực và làm chậm tăng trưởng. Và việc chủ tịch Tập Cận Bình trấn áp tham nhũng cũng có những tác dụng phụ, tạo nên sự trì hoãn trong việc ra quyết định và không khuyến khích những dự án mới.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, quy mô dân số trong độ tuổi lao động không còn tăng nữa, một hệ quả của chính sách kéo dài 35 năm nhằm buộc hầu hết các gia đình chỉ có một con. Mặc dù chính quyền gần đâu đã thay thế giới hạn một con thành hai con, sẽ cần tới hai thập niên trước khi thay đổi này có thể làm gia tăng dân số trong độ tuổi lao động. Cho tới lúc đó, việc tăng tỉ lệ lực lượng lao động có hiệu quả đòi hỏi phải di chuyển người lao động từ các công việc năng suất thấp trong lĩnh vực nông nghiệp sang lực lượng lao động thành thị.
Do vậy chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc nhiều chính sách khác nhau để tăng tốc đô thị hóa, bao gồm việc tạo nên nhiều thành phố lớn để cung cấp nơi ở cho khoảng 600 triệu dân vẫn đang sống ở vùng nông thôn. Tương tự, chính phủ cũng sẽ dần dỡ bỏ hệ thống hộ khẩu thường trú mà hiện tại đang khiến người di cư tới các thành phố không được nhận các lợi ích y tế và giáo dục đầy đủ.
Sự thay đổi chính sách thứ ba nhằm đẩy mạnh đô thị hóa là cho phép nông dân Trung Quốc bán quyền sử dụng đất với giá thị trường, qua đó khuyến khích họ chi dùng và dời tới các thành thị. Việc giới thiệu một thị trường cho thuê nhà theo kiểu phương Tây cũng sẽ cho phép các gia đình không có nguồn tiền lớn hay hỗ trợ từ cha mẹ có thể chuyển tới các thành phố (nơi mà hiện nay các gia đình buộc phải mua căn hộ).
Không nhất thiết tất cả các chính sách này đều phải thành công nếu muốn duy trì việc lực lượng lao động thành thị gia tăng trong năm năm tới. Chỉ cần một số chính sách thành công thì tăng trưởng 6,5% trong vài năm tới không phải là ngoài tầm với.
Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề ngắn hạn. Có tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp nặng và các thị trường bất động sản nhà ở tại một số thành phố hạng hai và hạng ba. Chính quyền các địa phương phải gánh nợ đáng kể do yêu cầu từ chính quyền trung ương trong giai đoạn 2007 và 2008 để tránh một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Ngoài ra còn có một số nợ xấu lớn trong một số ngân hàng quốc doanh và trong hệ thống tín dụng ngầm.
May thay, các nhà chức trách đã thừa nhận những vấn đề này, và họ có những chiến lược và, quan trọng hơn, là các nguồn lực để đối phó với chúng. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phát triển nhanh chóng trong năm năm tới như những thập kỷ trước đây. Nhưng nếu đạt được những mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, người dân Trung Quốc có thể mong chờ một giai đoạn gia tăng tiêu dùng và một mức sống được cải thiện.
Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch danh dự của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984. Năm 2006, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Tình báo nước ngoài của Tổng thống Bush, và vào năm 2009, ông được bổ nhiệm vào Ban Cố vấn Phục hồi Kinh tế của Tổng thống Obama. Hiện ông là thành viên Ban giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFE), Ủy ban Ba bên, và Nhóm 30 (Group of 30), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s Latest Five-Year Plan
Xem thêm:
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/23/ke-hoach-5-nam-trung-quoc/
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]