Bước ngoặt chính trị ở Argentina

APTOPIX Argentina Elections

Nguồn: Andres Velasco, “Argentina’s Fresh Start”, Project Syndicate, 25/11/2015.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong 99 năm qua, ghế tổng thống của Argentina luân phiên thay đổi giữa những người ủng hộ chủ nghĩa Peron – tức Juan Domingo Peron và những người ủng hộ chủ nghĩa dân túy của ông – và các tướng lĩnh phản động. Thi thoảng, những người theo đường lối trung dung từ Liên hiệp Nhân dân Cấp tiến (UCR) được bầu vào bộ máy nhưng nhiệm kỳ của họ lại kết thúc chóng vánh sau những lần từ chức hay các cuộc đảo chính.

Trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (25/10/2015), các cử tri Argentina đã phá vỡ khuynh hướng đó: lần đầu tiên trong gần một thế kỷ, tổng thống sẽ không phải là một người theo chủ nghĩa Peron, hoặc một người của đảng UCR, hay một tướng lĩnh quân sự. Tầm quan trọng của sự kiện này là rất lớn. Theo Hector Schamis, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Georgetown, nếu một thay đổi chính trị tương tự diễn ra tại Pháp hoặc Brazil, thì người dân nơi đây sẽ ăn mừng sự ra đời của một nền cộng hòa mới.

Tân tổng thống đắc cử của Argentina, Mauricio Macri, một kỹ sư xây dựng, thường được truyền thông quốc tế mô tả là theo đường lối “trung hữu”. Nhưng cách gọi đó không đúng lắm. Tại Argentina, sự phân chia hai cánh tả – hữu bị làm cho lu mờ bởi các chính sách của Đảng Công lý theo tư tưởng của Peron, đảng đã tư nhân hóa các công ty nhà nước trong những năm 1990 rồi sau đó lại quốc hữu hóa chúng. Hơn nữa, khái niệm “trung-hữu” thường mang nghĩa “bảo thủ” (conservative), trong khi thắng lợi của Macri sẽ không “bảo toàn” (conserve) nguyên trạng hiện nay.

“Tự do” mới là từ mô tả Macri đúng nhất – theo đúng hàm nghĩa Châu Âu của từ này. “Tự do” trước tiên có nghĩa là tôn trọng các thể chế dân chủ của Argentina, vốn bị tổn hại nặng nề sau một thập niên nắm quyền cứng rắn của các tổng thống Nestor và Cristina Kirchner. Điều này cũng có nghĩa là sẽ có thêm các chính sách kinh tế thân thiện hơn với thị trường.

Một trong những phát ngôn đầu tiên của Macri sau cuộc bầu cử là ông mong muốn một “nhà phát triển” làm bộ trưởng tài chính. Ở khu vực Mỹ Latinh, từ này chỉ một nhà kinh tế luôn bận tâm về tăng trưởng, công ăn việc làm và xuất khẩu, cũng như việc cân bằng ngân sách và trả nợ. Macri sẽ ngưng, dù từ từ, việc kiểm soát giá cả và dòng vốn nghiêm ngặt được những người theo chủ nghĩa Peron ủng hộ. Còn bộ trưởng thương mại và công nghiệp sẽ không lặp lại những trò ngớ ngẩn của những người tiền nhiệm gần đây, những người đặt súng lên bàn khi đàm phán về chỉ tiêu xuất – nhập khẩu với các nhà sản xuất địa phương.

Nhưng thế giới không nên mong đợi một sự hào hứng quá lớn với thị trường tự do từ Macri. Ông đứng đầu một liên minh lớn mà Đảng Đề xuất Cộng hòa (Republican Proposal Party) theo tư tưởng tự do của ông là một thành viên, cùng với Liên hiệp Nhân dân Cấp tiến trung-tả và các nhóm trung dung khác. Liên minh này không chiếm đa số ở cả Thượng và Hạ viện, vậy nên quá trình lập pháp sẽ đòi hỏi các liên minh tạm thời (ad hoc).

Trong chiến dịch tranh cử, Macri thể hiện mình là một chính trị gia nhạy cảm. Ông thấu hiểu rằng người dân Argentina đã mệt mỏi với phong cách chính trị ép buộc (có người thậm chí còn gọi là chuyên chế) của vợ chồng nhà Kirchner khi bất kỳ ai không đồng tình với họ đều bị gọi là tay sai của các thế lực đế quốc đen tối. Ngay với một quốc gia có lịch sử chính trị hỗn độn như Argentina thì sự phân cực và đấu đá lẫn nhau chưa bao giờ đạt đến mức gần như cực đoan như vậy.

Sự tương phản còn nổi bật hơn vào ngày đầu tiên sau khi Macri đắc cử tổng thống. Không giống như Cristina Kirchner, người luôn phát biểu dài dòng nhưng không hề tổ chức họp báo và không nhận trả lời các câu hỏi từ phóng viên, Macri đã trả lời tất cả các câu hỏi cho đến khi các phóng viên không còn câu hỏi nào nữa. Chắc chắn việc này sẽ còn tiếp diễn.

Trên cương vị tổng thống, Macri sẽ phải tiếp nhận một tình trạng kinh tế bi đát. Nền kinh tế đang suy giảm. Lạm phát trên 20% (không ai biết chính xác là bao nhiêu vì các con số đã được “sửa chữa”). Đồng peso bị định giá quá cao. Dự trữ ngoại hối đang hao mòn nhanh chóng. Còn thâm hụt ngân sách đã lên đến 7% GDP. Việc điều chỉnh nền kinh tế là không thể tránh khỏi.

Thật may là vẫn còn vài tín hiệu tốt. Cán cân thanh toán vãng lai vẫn gần như cân bằng, vì thế không cần phải giảm bớt nhập khẩu. Và bởi vì không ai dám cho Argentina vay tiền sau khi nước này bị vỡ nợ hồi đầu những năm 2000, các khoản nợ tương đối ít. Bằng cách cho phép giảm giá đồng peso, Macri có thể đạt hai mục tiêu cùng lúc. Một đồng tiền yếu sẽ kích thích xuất khẩu và cho phép nhập khẩu gia tăng khi kiểm soát tỉ giá hối đoái được dỡ bỏ. Trong khi đó, bởi vì một lượng lớn thu ngân sách của chính phủ tính bằng đồng dollar còn các khoảng chi hầu hết là tính bằng đồng peso, phá giá đồng tiền sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách.

Kỳ trăng mật của Macri sẽ không kéo dài lâu; những đối thủ thuộc nhóm Peron, vốn đã tự tay loại bỏ gia đình Kirchner, sẽ không ngần ngại tấn công chính quyền mới. Nhưng nếu ông sử dụng vốn liếng chính trị của mình một cách khôn ngoan thì Macri sẽ có một cơ hội tốt để ổn định hóa nền kinh tế mà vẫn giữ được một mức độ ủng hộ chính trị hợp lý.

Điều này sẽ thay đổi triển vọng chính trị không chỉ ở Argentina mà còn cả khu vực Mỹ Latinh. Ở quốc gia láng giềng Brazil, chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff hầu như không hề giấu diếm sự ủng hộ dành cho các đối thủ của Macri. Khi chính quyền của bà đang đạt kết quả thấp trong các cuộc thăm dò ý kiến, phe đối lập theo hướng trung dung đang từng bước nhích tới quyền lực. Thắng lợi của ông Macri có thể sẽ đẩy nhanh quá trình này.

Tương tự, chiến thắng của ông Macri có thể khiến các cử tri ở Venezuela – vốn sắp bỏ phiếu vào ngày 6 tháng Mười Hai – có thêm sự động viên cần có để dùng lá phiếu của mình chống lại chính quyền ngày càng mang tính chuyên chế. Thực tế, Macri đã tuyên bố rằng, để đáp trả hành động vi phạm nhân quyền ở Venezuela, ông sẽ viện dẫn đến “điều khoản dân chủ” trong Điều lệ của khối Mercosur, điều có thể khiến tư cách thành viên của Venezuela trong khối thương mại khu vực này bị đình chỉ.

Điều này tương phản rõ ràng với sự im lặng hèn nhát và hùa theo (chính quyền Venezuela) của chính phủ các nước khác trong khu vực. Nếu Macri vẫn tiếp tục kiên trì, chỉ hành động đó thôi cũng có thể đảm bảo nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ được lưu danh sử sách.

Andres Valesco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile, là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Quốc tế tại Trường các Vấn đề công và quốc tế, Đại học Columbia.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Argentina’s Fresh Start
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]