Chiếc bẫy quyền lực của Putin, Tập Cận Bình và Erdogan

Print Friendly, PDF & Email

xipu

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “The Strongman’s Power Trap”, Project Syndicate, 19/07/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đầu năm nay, khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thành lập lực lượng vệ binh quốc gia với 400.000 nhân sự chỉ chịu trách nhiệm trước ông, nhiều người Nga tự hỏi tại sao nước họ lại cần thêm một quân chủng mới. Sau tất cả, quân đội Nga được xem là đã trở lại: Putin đã trang bị cho quân đội các khí tài mới và thậm chí còn dàn xếp hai cuộc chiến nhỏ – tại Gruzia năm 2008 và tại Ukraine từ năm 2014 – để khẳng định điều này.

Nhưng cuộc đảo chính thất bại chống lại nhà lãnh đạo cứng rắn đồng cấp với Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ – Tổng thống Recep Tayyip Erdogan – đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng cho việc thành lập đội vệ binh giống kiểu cận vệ của các hoàng đế La Mã (Praetorian Guard) này. Putin đã làm suy yếu quá nhiều thể chế dân chủ tại Nga nên cách duy nhất để tước quyền của ông hiện nay là phải thông qua một cuộc binh biến.

Putin, Erdogan và cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều có chung nỗi lo lắng hợp lẽ về tương lai chính trị của mình. Trên thực tế, cả ba đều nắm quyền trong các hệ thống hạn chế việc thực thi quyền lực – dù đó là một hệ thống không hề dân chủ hoặc một nền dân chủ non trẻ luôn luôn bị đe dọa từ trong trứng nước. Trong trường hợp của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có nền pháp quyền và các thể chế kiểm soát và cân bằng đối với quyền lực hành pháp; còn trong trường hợp của Putin và Tập Cận Bình, đã có nhiều quy định bất thành văn được chấp thuận từ nhiều thập kỉ trước.

Những quy định đó – do Nikita Khruschchev lập ra sau cái chết của Joseph Stalin năm 1953 tại Liên Xô và Đặng Tiểu Bình lập ra tại Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 – được đưa ra để loại bỏ việc sát hại giới chóp bu bằng cách đảm bảo rằng một nhà lãnh đạo sẽ không đe dọa tính mạng và sự an toàn của những người tiền nhiệm hoặc các đồng nghiệp của mình. Trong hệ thống này, một quan chức chính phủ có thể bị tước quyền hoặc bị quản thúc tại gia nhưng anh ta và gia đình sẽ không phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù hay tổn hại thân thể.

Putin lên nắm quyền năm 1999 một phần là do ông hiểu được, và quan trọng hơn là ông chấp nhận điều này. Boris Yeltsin không chọn Putin làm người kế nhiệm bởi vì khả năng lãnh đạo xuất sắc thiên phú của Putin mà là vì Putin đã cam kết với Yeltsin rằng, nếu ông lên nắm quyền, Yeltsin và gia đình sẽ được bảo vệ khỏi tất cả các trừng phạt về luật pháp cũng như chính trị.

Trong trường hợp của Yetlsin, Putin đã giữ vững cam kết. Tuy nhiên, Putin chẳng hề khoan nhượng với các đối thủ của mình. Ví dụ, đầu sỏ chính trị Boris Berezovsky đã buộc phải lưu vong, liên tục bị theo dõi và quấy rối cho đến khi được phát hiện là đã chết tại nhà vào năm 2013 với kết luận tự tử. Mikhail Khodorkovsky là tỉ phú sở hữu công ty dầu Yukos và là một đối thủ chính trị tiềm tàng của Putin thì tước đoạt công ti, bỏ tù và sau đó cũng phải lưu vong.

Những đối thủ và kẻ thù cấp thấp hơn còn phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt hơn. Lấy một ví dụ tiêu biểu, nhân viên tình báo Nga Alexander Litvinenko đã chết vì nhiễm độc phóng xạ năm 2006 tại Anh sau khi bị đầu độc bằng polonium. Trong vụ án này, một bản điều tra chính thức của Anh đã kết luận rằng có lẽ Putin có biết về âm mưu giết người này; còn trong những bản điều tra khác, khả năng liên can cá nhân của Putin vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có một thông điệp rất rõ ràng: Putin không bị ràng buộc bởi quy định gì và “vòi bạch tuộc” hay sự tàn bạo của ông cũng không có giới hạn, mặc cho cho đối thủ của ông có thể từng quyền lực tới đâu tại Nga.

Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình – một người ngưỡng mộ các biện pháp của Putin, đã kế thừa các mưu chước của Putin trong quá trình ông củng cố quyền lực. Từ những năm nắm quyền cuối của Đặng Tiểu Bình – những năm cuối thập niên 1980 – một dạng lãnh đạo tập thể trong nội bộ Đảng Cộng sản đã cai trị Trung Quốc với những điều luật bất thành văn nhằm bảo vệ những người quyền lực nhất  khỏi sự trừng phạt. Tuy nhiên, dưới sự nắm quyền của ông Tập, lãnh đạo tập thể đã bị thay thế bằng hình thức tập trung quyền lực vào một người duy nhất, còn các nguyên tắc bất thành văn kia đã bị xếp xó.

Cũng tương tự như Putin, Tập Cận Bình sử dụng các biện pháp chống tham nhũng để loại trừ các đối thủ và tập trung quyền lực về tay mình, và thậm chí ông còn mạnh tay hơn cả Putin. Hàng trăm các tướng lĩnh cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã bị thanh trừng và bỏ tù vì các cáo buộc tham nhũng.

Hơn nữa, ông Tập còn vi phạm quy tắc của Đảng về việc không xử lý các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trên mức khai trừ họ. Lấy ví dụ trường hợp của Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Công an Trung Quốc trong một thời gian dài, đã bị bỏ tù vì các cáo buộc nhận hối lộ, làm suy đồi quyền lực nhà nước (vì được cho là có quá nhiều tình nhân) và làm rò rỉ bí mật quốc gia. Người thân của ông cũng bị bỏ tù.

Vụ ngã ngựa của Chu Vĩnh Khang nối tiếp vụ xét xử và bỏ tù Bạc Hi Lai diễn ra không lâu trước đó. Bạc Hi Lai là ứng cử viên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và có thể đã lên kế hoạch lật đổ Tập Cận Bình. Việc bắt giam hai nhân vật này càng thúc đẩy sự ngã ngựa của một mạng lưới rộng lớn các lãnh đạo cấp cao, bao gồm các chủ tịch tỉnh và người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Vì đã vi phạm quy tắc và những thỏa thuận ngầm của giới lãnh đạo chóp bu, Putin và Tập Cận Bình ngày càng hiểu rõ rằng họ sẽ không bao giờ có thể từ bỏ quyền lực một cách tự nguyện mà không lo ngại về sự an toàn của mình trong tương lai. Vì vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi sau 17 năm cầm quyền, Putin sẽ lại ra tranh cử Tổng thống – trên thực tế là không có đối thủ – vào tháng Ba năm 2018.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình lại có một vấn đề. Đến năm 2017, ông sẽ hoàn tất nhiệm kì 5 năm đầu tiên và ông chỉ còn được thêm một nhiệm kì 5 năm nữa. Bởi vì năm trong số bảy ủy viên của Ủy ban Thường vụ sẽ được thay thế vào năm 2017, đây sẽ là lúc để các đối thủ của ông đề cử một người kế nhiệm. Chỉ việc xuất hiện của một nhân vật thay thế tiềm năng thôi cũng có thể là một án tử hình chính trị đối với ông nếu xét thái độ bất mãn lan tràn đối với ông trong nội bộ chính phủ Trung Quốc.

Từ sau vụ đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kì, Erdogan đã thẳng tay đàn áp những người bị cáo buộc đứng sau âm mưu này, và đã đưa ra một danh sách bắt giữ đáng ngờ gồm hàng ngàn chính khách, nhân viên quân đội và bộ máy tư pháp, những người bị ông cáo buộc đã đe dọa nền cai trị “dân chủ” của mình. Nhưng hiện nay Erdogan phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: theo chân Putin và Tập Cận Bình vào con đường chuyên chế không lối về, hay quay bước lại con đường dân chủ hiệu quả. Khi ngay cả các đối thủ chính trị cũng ủng hộ ông chống lại cuộc binh biến, thì người dân Thổ Nhĩ Kì đã dường như công bố sự lựa chọn con của mình (đó là ủng hộ nền dân chủ).

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách Imagining Nabokow: Russia Between Art and Politics and the Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Strongman’s Power Trap
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]