Nguồn: “Soviet tanks roll into Afghanistan,” History.com (truy cập ngày 23/12/2015).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1979, Liên Xô xâm lược Afghanistan, với lý do duy trì hiệp ước hữu nghị giữa hai nước năm 1978. Gần nửa đêm, Liên Xô tổ chức một đợt không vận lớn vào Kabul, thủ đô của Afghanistan, ước tính bao gồm 280 máy bay vận tải và ba sư đoàn, mỗi sư đoàn gần 8.500 người. Chỉ trong ít ngày, Liên Xô đã chiếm được Kabul, và triển khai một đơn vị đặc nhiệm tấn công vào Điện Tajbeg (nơi sinh sống của Tổng thống Hafizullah Amin). Các phần tử quân đội hoàng gia Afghan trung thành với Hafizullah Amin đã kháng cự dữ dội, nhưng không kéo dài được lâu.
Ngày 27 tháng 12, Babrak Karmal, nhà lãnh đạo lưu vong của phe Parcham của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) theo đường lối Marxist, được đưa lên làm người đứng đầu chính phủ mới của Afghanistan. Các lực lượng bộ binh của Liên Xô bắt đầu tràn vào lãnh thổ Afghanistan từ phía Bắc. Tuy nhiên, quân đội Liên Xô đã gặp phản kháng đáng kể khi họ mạo hiểm rời thành lũy tiến về vùng nông thôn.
Các chiến binh kháng chiến, được gọi là Mujahideen, coi việc người Cơ đốc hay người Xô viết vô thần kiểm soát Afghanistan là một điều báng bổ Hồi giáo cũng như văn hóa truyền thống của họ. Công bố một cuộc “jihad” (thánh chiến), họ đã giành được sự ủng hộ của thế giới Hồi giáo.
Các mujahideen sử dụng chiến thuật du kích để chống lại Liên Xô. Họ tổ chức tấn công hoặc đột kích một cách nhanh chóng, sau đó rút vào trong các ngọn núi, gây ra tổn thất lớn mà không phải đối đầu trực tiếp. Quân du kích sử dụng mọi khí tài họ giành được từ phía Liên Xô hay được Hoa Kỳ viện trợ. Tình thế cuộc chiến đổi chiều với sự ra đời của các loại tên lửa phòng không vác vai của Mỹ năm 1987. Thế hệ tên lửa Stinger đã cho phép các mujahideen thường xuyên bắn hạ máy bay và trực thăng Liên Xô.
Nhà lãnh đạo mới của Liên Xô Mikhail Gorbachev quyết định đã đến lúc phải rút quân. Mất tinh thần và không có hy vọng chiến thắng, quân đội Liên Xô bắt đầu rút quân từ năm 1988. Người lính Xô viết cuối rút khỏi biên giới vào ngày 15 tháng 2 năm 1989. Đây là cuộc viễn chinh quân sự đầu tiên của Liên Xô vượt ra ngoài khối Đông Âu kể từ Thế chiến II và đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ cải thiện quan hệ với phương Tây (gọi là “hòa hoãn”) trong Chiến tranh Lạnh. Sau đó, hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược SALT II bị xếp xó và Hoa Kỳ bắt đầu tái vũ trang.
Mười lăm ngàn binh sĩ Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô và cuộc chiến sau đó có tác động dài hạn sâu sắc. Thứ nhất, Liên Xô chưa bao giờ khôi phục được hình ảnh của mình cũng như thiệt hại tài chính, góp phần đáng kể vào sự sụp đổ của đế chế Xô viết năm 1991. Thứ hai, chiến tranh Afghanistan đã tạo ra một nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và sự trỗi dậy của Osama bin Laden.
Ảnh: Hình ảnh các chiến binh Mujahideen sử dụng tên lửa vác vai Stinger bắn hạ trực thăng Liên Xô đã trở thành biểu tượng của những năm sau này trong Chiến tranh Afghanistan. Nguồn: CIA Museum.