Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Tìm hiểu nền bang giao Trung Việt; hầu như bất cứ lúc nào trong nước ta có biến, đều được Trung Quốc dòm ngó hết sức kỹ lưỡng. Lịch sử thường ghi nhận những cuộc xâm lăng của Trung Quốc được khởi đầu bởi những biến cố trong nước ta; hoặc do chính bàn tay Trung Quốc tạo ra, hoặc tự phát trong nội bộ.
Nếu cần phải dẫn chứng, thì nguyên nhân gần mở đầu cảnh ngàn năm đô hộ, phải kể đến việc Sứ giả Trung Quốc có mặt trong cung đình nhà Triệu, xúi dục mẹ con Cù Thị bán nước; việc không thành, xảy ra cuộc chính biến của Lữ Gia. Tiếp đó Hán Vũ Đế ra lệnh mang đại quân sang xâm lăng; biến lãnh thổ Nam Việt thành 9 quận của nhà Hán:
Lâu thuyền qua đỉnh, sư tứ khởi,
Hoặc xuất Quế Dương hạ Ly Thuỷ.
Việt Lang truy trảm Lữ Gia đầu,
Cửu quận đồng qui Hán Thiên tử. [1]
(Rồi Lâu Thuyền, Qua Thuyền [2] Tướng quân khởi binh bốn phương,
Xuất phát từ Quế Dương hướng theo dòng sông Ly Thuỷ [3] .
Tướng Việt Lang truy kích chém đầu Lữ Gia
Chín quận Nam Việt đều thu về tay nhà Hán.)
Đến giai đoạn tự chủ chưa được bao lâu, thì vua Đinh Tiên Hoàng bị thích khách giết; trong nước sinh nội loạn bởi phe chống đối Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Tin tức đến tai triều đình Trung Quốc, viên đại thần Lư Đa Tốn vồ lấy cơ hội, tâu với vua nhà Tống như sau:
“Nước Việt có nội loạn, đây là lúc trời muốn diệt chúng, nên bất thình lình dùng binh tập kích như sấm sét không kịp bịt lỗ tai. Nếu dùng lời nhân nghĩa giảng giải dông dài, thì mưu kế sẽ bị tiết lộ. Một khi chúng biết sẽ ngăn sông phá núi để chuẩn bị, thì sự thắng bại khó mà lường được. Chi bằng dùng Nhân Bảo làm tiên phong, chọn tướng giỏi và 3 vạn lính Kinh Hồ rong ruổi mà tiến, thế như bẻ cành khô củi mục, đó là kế vẹn toàn không lo thất thố.” [4]
Vua Tống chuẩn y cho mang quân sang xâm lăng; nhưng nhờ tài dụng binh của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành, nên quân Tống thua to, Hầu Nhân Bảo bị giết, mưu đồ xâm lăng bị dập tắt.
Hai sự kiện nêu trên đều được ghi lại trong sử nước ta. Nhưng cũng có lúc trong nước có biến, nhưng sử Việt không chép một dòng nào về mối đe doạ từ bên ngoài; thì cũng do ta chưa phát hiện ra mà thôi, chứ trong vòng bí mật không hẳn là không có.
Hãy nêu lên một biến cố lớn, là việc vua Quang Trung đột ngột mất; sử nhà Nguyễn [Đại Nam Chính Biên liệt truyện, Nguỵ Tây] chép mối bang giao Trung Việt lúc này đầy tình hoà bình hữu nghị, qua đoạn trích dịch dưới đây:
“Ngày 29 tháng 9, Nguyễn Huệ chết, tiếm vị được 5 năm, mới 40 tuổi. Thái tử Quang Toản nối ngôi, tháng 10 an táng tại phía nam sông Hương, đặt tên thuỵ là Thái Tổ Võ Hoàng đế. Sai quan Thị trung Đại học sĩ Ngô Nhậm, Hộ bộ Tả đồng nghị Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ Tả Thị lang Nguyễn Văn Thẩm sang nhà Thanh báo tang; nói dối rằng Huệ di chúc sau khi mất chôn tại Bắc thành Hồ Tây ngõ hầu được gần gũi nương dựa Thiên triều. Vua Thanh tin theo, ban cho thuỵ là Trung Thuần và đích thân làm bài thơ điếu:
Ngoại bang lệ dĩ khiển bồi thần,
Triển cận tùng vô chí kỷ thân.
Nạp khoản tối gia lai ngọc khuyết,
Hoài nghi kham tiếu đại kim nhân.
Thu trung thượng ức y quan túc,
Tất hạ thành như phụ tử thân.
Thất tự bất năng bãi ai thuật,
Liên kỳ trung khổn xuất trung chân.
Dịch nghĩa:
Nước ngoài có lệ sai Bồi thần,
Việc triều cận, Quốc vương chưa hề đích thân đến.
Nộp cống tốt đẹp nhất là Quốc vương đến kinh khuyết,
Đáng cười cho triều trước bị ngờ vực, nên đem người vàng đến thay.
Trong mùa thu trước nhớ Quốc vương áo mũ chỉnh túc,
Ân cần ôm gối, thân mật như cha con.
Thơ bảy chữ không nói hết lòng xót xa của Trẫm,
Thương lòng trung thành phát xuất tự đáy lòng.
Còn ban thêm một tượng Phật, ba ngàn lạng bạc để làm việc tang, phái quan Án sát Quảng Tây Thành Lâm đến mộ giả tại Linh Đường thuộc huyện Thanh Trì để đọc văn tế. Bài văn có câu:
Chúc ly nam cực hiệu trung đặc tưởng kỳ xu triều,
Thoả phách Tây Hồ một thế vô vong ư luyến khuyết.
(Chúc cho Vương ở cực nam hết lòng trung, nên đặc thưởng sang chầu
Thoả hồn phách ở Tây Hồ, chết cũng không quên lòng quyến luyến kinh khuyết)
Bài văn điếu được khắc vào bia đá bên tả mộ” [5]
Sử nước ta chỉ mới chép được một nửa sự thực, đó là mặt nổi của sự việc. Còn mặt chìm thì phải đọc ngay đạo dụ của vua Càn Long gửi cho quan Đại thần lo việc cơ mật của nhà Thanh, trong văn bản này nhà vua tiên liệu sau khi vua Quang Trung mất, nước ta sẽ có biến, hoặc do Nguyễn Nhạc giành ngôi của cháu, hoặc do quyền thần Ngô Văn Sở uy hiếp vua còn nhỏ tuổi; do vậy Càn Long âm thầm bày mưu tính kế, để thừa cơ hội sang xâm lăng nước ta. Nhà vua lập tức sai viên Tri đạo Thành Lâm sang phúng điếu với mật lệnh dò xét tình hình nội bộ nước ta, cùng ra lệnh cho Phúc Khang An từ Nepal đến biên giới gấp; với ý đồ chờ nước ta có biến, sẽ ra tay can thiệp:
Ngày 22 tháng Giêng năm Càn Long thứ 58 [3/4/1793]
Dụ các Quân Cơ Đại thần: Cứ lời tấu của Quách Thế Huân:
“Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình đã mất tại Nghĩa An [Nghệ An] [6] vào tháng 9 năm ngoái, Thế tử Nguyễn Quang Toản 15 tuổi, tạm quyền quốc sự; định trong vòng tháng giêng sai Bồi thần cung kính dâng biểu văn cùng tiến cống v.v…
Xem tờ tấu rất lấy làm thương tiếc, Quốc vương nước này mất vào tháng 9 năm ngoái, viên Di mục báo tin hơi chậm, chắc lúc này đã làm lễ tống táng, nên điển lệ lúc lâm chung không kịp thi hành. Nay làm bài thơ điếu, sai viên Tri đạo Thành Lâm đến Nghĩa An, làm lễ phần hoá [7] trước mồ Nguyễn Quang Bình, lại lấy từ ngân khố tỉnh Quảng Tây ra 3.000 lượng bạc, kèm một tượng Phật, cũng sai Thành Lâm mang đến tế điện và thưởng cấp để tỏ lòng thể tuất. Con Nguyễn Quang Bình là Nguyễn Quang Toản trước đây đã được phong Thế tử, tự nhiên đáng được làm Phiên thần; nay lệnh cho Thành Lâm truyền chỉ phong Nguyễn Quang Toản An Nam Quốc vương. Các sắc thư, y phục cẩm bào đợi sau khi viên Sứ thần Ngô Thời Nhiệm đến kinh đô sẽ theo lệ ban cấp, cho lệnh mang về.
Nguyễn Quang Bình ngưỡng vọng uy linh của Thiên triều cai trị đất An Nam. Nước này mới lập, lòng người chưa hẳn được mười phần ổn định, huống hồ anh em không hoà mục, Nguyễn Nhạc tại Quảng Nam, không khỏi có ý đồ dòm ngó. Còn Ngô Văn Sở tuy là người đã từng giúp sức thời khởi sự, nhưng đã chắc gì đáng tin cậy. Nguyễn Quang Toản tuổi còn nhỏ, nên hiện nay mọi việc trong nước giao cho Ngô Văn Sở quản lý; sợ y nhân chủ còn nhỏ, trong nước có kẻ nghi ngờ, bèn âm mưu việc bất trắc, hoặc làm chuyện bức hiếp chuyên quyền cũng chưa định được. Nay Trần Dụng Phu đem chỉ dụ này hiểu thị mật cho Thành Lâm rằng sau khi đến Nghệ An, chớ động thanh sắc, hãy bí mật dò tìm quan sát. Nếu như Ngô Văn Sở quả thực thuỷ chung như nhất, lo việc nước cho Nguyễn Quang Toản, Trẫm đáng ưu đãi tưởng lệ; nếu hành động có nhiều điều ngang ngược, Thành Lâm hãy dùng phương tiện trạm dịch tâu gấp, đợi Trẫm liệu biện. Ngoài việc ban chỉ dụ riêng cho Phúc Khang An từ Tứ Xuyên di chuyển gấp đến Việt Tây [Quảng Tây] để lo việc đàn áp bên ngoài; hãy mang dụ này từ 600 dặm cấp tốc truyền cho Trần Dụng Phu cùng Thành Lâm, lại dụ Quách Thế Huân để hay biết.” [8]
Cùng trong ngày chỉ dụ nêu trên được chuyển theo lối hoả tốc cho quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng Quách Thế Huân, Tuần vũ Quảng Tây Trần Dụng Phu; vua Càn Long lại viết riêng một dụ khác cho Phúc Khang An, điều động viên võ quan này từ Khuếch [hoặc Khách] Nhĩ Khách [Nepal] đến ngay Lưỡng Quảng để chuẩn bị cho kế hoạch tại Việt Nam. Đây là một quyết định đột ngột, vì trước đó vua Càn Long đã hứa cho Khang An được về làm việc tại kinh đô để được gần mẹ già:
Dụ cùng ngày 22 tháng Giêng năm Càn Long thứ 58 [3/4/1793]
“Phúc Khang An lo liệu công việc tại Khuếch Nhĩ Khách, trải qua nhiều gian khổ, thành tích tốt đẹp. Dự định sau khi mọi việc hoàn thành, lệnh Phúc Khang An đến kinh đô bệ kiến, thăm mẹ, ở lại kinh đô vài tháng, rồi trở về nhiệm sở tại Lưỡng Quảng. Lại nhân mẹ Phúc Khang An bị bệnh, nghĩ đến Phúc Khang An từ lâu khâm sai tại cõi ngoài, không tròn đạo hiếu định tỉnh [9] . Huống mẹ y tuổi ngoài bảy mươi, trong cung nơi Ngự tiền cũng cần người; nên lại có ý định sau khi Phúc Khang An đến kinh đô, cho lưu lại nhậm chức, khiến được ở gần phụng dưỡng mẹ già, chứng tỏ lòng thể tuất của Trẫm.
Nhưng ngày hôm nay xem tờ tấu của Trần Dụng Phu, được biết Nguyễn Quang Bình bị bệnh, mất vào ngày 29 tháng 9 năm ngoái. Nguyễn Quang Bình không hoà mục với anh em; viên Bồi thần nước này là Ngô Văn Sở quản lý việc nước đã lâu, cũng e rằng không phải là bọn yên phận. Lòng người phản trắc, nếu có việc xảy ra, khó mà liệu biện. Lúc này công việc tại biên ải, riêng bọn Quách Thế Huân, Trần Dụng Phu không đủ khả năng lo liệu; cần một Đại thần đến nơi. Nhưng người mà nhân tình nước đó chấn phục, thì không ai uy vọng lớn hơn Phúc Khang An. Vậy cần được Phúc Khang An đến Quảng Tây, trú trát một số ngày, mới đủ lo việc đàn áp.
Phúc Khang An nhận được chỉ dụ này, lập tức từ tỉnh Tứ Xuyên qua Hồ Nam, đến ngay Quảng Tây. Tỉnh này vốn là vùng quản hạt của Phúc Khang An, nếu nghe được sự động tĩnh, thì đừng ngại trú tại đó một vài tháng, bí mật quan sát, tuỳ thời mà liệu biện. Trước định cho Phúc Khang An đến kinh đô nhận mệnh, cũng do y nặng tình quyến luyến kinh khuyết, ngoài việc chiêm cận, còn được gần gũi thăm hỏi mẫu thân; mà y trải qua sự cực nhọc, Trẫm cũng rất muốn được gặp. Nhưng tình hình như vậy, Phúc Khang An không thể không đến thẳng Lưỡng Quảng; trước mắt Trẫm cũng không cần ban chỉ dụ trực tiếp. Còn bệnh của mẹ Phúc Khang An đã khoẻ lại, Phúc Khang An nhận ơn sâu, hãy lấy việc công làm trọng, hân hoan đến Quảng Tây, lo liệu công việc ổn thoả. Nay thưởng cấp đồ Ngự dụng một đôi bao sen lớn Hồ Lô, 4 cái bao sen nhỏ, để làm rạng rỡ sự ưu đãi. Cho sao tấu triệp của Trần Dụng Phu, chỉ dụ cho viên Tuần phủ này sai Thành Lâm đi phúng điếu, gửi cho [Phúc Khang An] để duyệt khán.” [10]
Cò trai đánh nhau
Ngư ông đắc lợi
Ngư ông Phúc Khang An với đạo quân hùng mạnh đã hờm sẵn nơi biên giới Lưỡng Quảng, nhưng trong nội bộ nhà Tây Sơn vẫn chưa có dấu hiệu cò trai đánh nhau. Mặt khác trong nước ta lúc bấy giờ chắc cũng có người giỏi, biết rõ bụng dạ nhà Thanh, nên không muốn cho bọn gián điệp đội lốt ngoại giao Thành Lâm vào Huế để dò la bí mật nội bộ của ta! Xây mộ giả đất Bắc, bề ngoài nói khéo rằng tuy mất mà vẫn quyến luyến Thiên triều; đây là đòn ngoại giao tìm cánh ngăn cách ảnh hưởng nhà Thanh, với lời đường mật:
Ngày 4 tháng 5 năm Càn Long thứ 58 [11/6/1793]
Dụ Quân Cơ Đại thần: Từ khi Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình xưng thần qui phụ đến nay, thành tâm cải hoá, cung thuận đáng khen. Năm trước thân đến kinh khuyết chiêm cận, yêu kính đội ơn phát ra từ dạ chí thành. Lúc từ giã bệ rồng, ngõ lời sẽ đến chúc mừng vào năm Trẫm thượng thọ 90 tuổi; vì thế nên được ưu thưởng nhiều lần, cho làm phên dậu đất Nam giao, sự nương dựa mỗi ngày một nặng. Mới đây theo lời tấu của Quách Thế Huân, viên Quốc vương lìa trần vào tháng chín năm ngoái tại Nghệ An, sai riêng Bồi thần dâng biểu đến kinh đô báo cáo. Đã giáng chỉ thưởng cấp 3.000 lạng bạc, cùng thơ Ngự chế phúng điếu, sai viên Án sát sứ Thành Lâm đến tế điện, truyền chỉ phong Thế tử Nguyễn Quang Toản làm An Nam Quốc vương để chính danh định phận, yên lòng người. Hôm qua nhận tờ tấu của Thành Lâm xưng rằng:
“Vào ngày mồng 8 tháng 4 đến địa phương Gia Quất [Bắc Ninh] nước An Nam, Nguyễn Quang Toản đưa văn võ Bồi thần lớn nhỏ quì đón long đình [11] . Vào ngày mồng 10 đến thành Thăng Long, truyền chỉ phong Nguyễn Quang Toản làm An Nam Quốc vương; cả nước quan dân, không ai là không hoan ngênh cổ vũ, đồng thanh ca tụng. Nguyễn Quang Toản lại xưng với Thành Lâm rằng khi Nguyễn Quang Bình hấp hối, có lời trối với Quang Toản rằng bất tất chôn tại Nghệ An, hãy đem đến Tây Hồ an táng; từ Tây Hồ đến trấn Nam Quan, so với Nghệ An thì gần hơn cả chục trạm dịch, ngõ hầu hồn phách linh thiêng có thể được gần cung khuyết của Thiên tử!”
Lời nói và tấm lòng hết sức tha thiết, xét đến càng thương xót nhiều. Lúc viên Bồi thần dâng biểu [báo tang] đến kinh đô, bèn gia ơn đặc cách để làm rạng rỡ chốn tuyền đài; Nguyễn Quang Bình được ban thuỵ Trung Thuần cùng với bài thơ Ngự chế. Truyền cho Nguyễn Quang Toản đem thơ Ngự chế và chiếu chỉ này khắc vào bia ngay trước mộ, để biểu dương lòng cung thuận thuỷ chung thành khẩn quyến luyến cung khuyết, thoả vong hồn trung nghĩa, làm sáng tỏ phép tắc điển lệ.
Thơ Ngự chế:
Qui phiên thức lệ biệt phong thần [12] ,
Hồi thủ tần xưng cận cửu tuần.
Chúc lệnh Tây hồ dĩ thân thoả,
Thị y Bắc khuyết chí tâm thân.
Tự tư loạn mệnh đồng trị mệnh,
Nhẫn vị ngoại thần thành thế thần.
Tảo thập thất ngôn lặc uyển diễn,
Quế cương thiên tải thức trung thuần.
Dịch nghĩa:
Phiên thần trở về nước, gạt lệ từ biệt cung vua,
Quay đầu thưa rằng sẽ trở lại chiêm cận vào dịp Thiên tử thượng thọ chín mươi.
Lúc hấp hối dặn dò an táng tại Hồ Tây,
Để linh hồn được tho nguyện nương về kinh khuyết phương Bắc.
Lúc vận mệnh đảo điên, lòng không đổi giống như lúc bình an,
Bề tôi ngoài nước, nhưng thân cận như trong nước.
Chọn lời đẹp ghi thành thơ thất ngôn, khắc lên châu ngọc,
Để ngàn năm sau biết được bề tôi trung thuần. [13]
Vở kịch xây mộ giả tại Hồ Tây để được gần gũi Thiên triều đã là khéo rồi, Nguyễn Quang Toản lại khéo hơn bằng cách biểu lộ niềm trân quí thơ vua Càn Long tặng cha, đến nỗi chỉ chép lại bài thơ rồi cho đốt trước mồ, riêng bản chính thì cho giữ lại để làm quốc bảo. Mọi việc được diễn tiến một cách êm xuôi, khiến nhà Thanh không có cơ hội để can thiệp vào nước ta:
Ngày 5 tháng 5 năm Càn Long thứ 58 [12/6/1793]
Dụ các Quân Cơ Đại thần: Thành Lâm tấu: “Vào ngày 12 tháng 4 đến tế dụ trước phần mộ Nguyễn Quang Bình, Nguyễn Quang Toản thưa rằng:
Thân phụ được ban ân điển lớn, từ xưa đến nay hiếm ai có được như vậy; tuy mòn gót liều thân cũng không đủ để báo đáp. Thơ Ngự chế là quốc bảo, đáng giữ lại trong nước truyền đời, không dám đốt đi; chỉ xin sao lại một bản để làm lễ phần hoá v.v…
Nguyễn Quang Toản tuy tuổi còn nhỏ, biết thận trọng kính cẩn, thực đáng khen. Thành Lâm cho rằng sự cảm khích phát ra từ lòng chí thành, nên chấp nhận lời xin; việc này cũng đúng. Riêng theo Nguyễn Quang Toản xin:
Đáng nên thân đến kinh khuyết làm lễ tạ ơn, nhưng mới được ban tước, chưa tiện rời nước; có viên Bồi thần Ngô Đình Phụng là người thân tín của phụ thân, sai đến kinh đô tạ ơn thay v.v…
Điều này xét ra không cần thiết. Sau khi Nguyễn Quang Bình mất, nước này đã gửi riêng Sứ thần[14] đến báo, nay vẫn chưa tới kinh đô; An Nam đường sá xa xôi, lại gửi thêm Sứ thần đến, không khỏi phiền hà mệt nhọc phải lặn lội đi về. Thành Lâm hiện được lệnh đến kinh đô, đợi Phúc Khang đến Lưỡng Quảng cũng cần thêm ngày giờ; vậy Trần Dụng Phu hãy thông tri cho viên Quốc vương rằng không cần phải gửi Bồi thần Ngô Đình Phụng đến kinh đô tấu thay. Nếu như lúc chỉ dụ này đến nơi, Ngô Đình Phụng đã đến quan ải; thì ngay trên đường đi, cho y trở về nước để tỏ lòng thể tuất.
Mới đây lúc Nguyễn Quang Bình hấp hối, trối lại cho Nguyễn Quang Toản rằng không cần phải đưa linh cữu về Nghệ An, hãy cho an táng tại Tây Hồ, để được gần gũi cung khuyết của Thiên tử, tình từ thiết tha, đã giáng chỉ ban thuỵ [15] Trung Thuần cùng một bài thơ Ngự chế, để viên Quốc vương [đương nhiệm] khắc bia tại trước mộ, biểu lộ tấm lòng thành trước sau quyến luyến kinh khuyết. Tờ chiếu chỉ này cùng thơ Ngự chế, đợi sau khi Sứ thần đến kinh đô báo tang, sẽ giao cho để kính cẩn mang về. Nguyễn Quang Toản tiếp nhận xong, cũng không cần sai sứ tạ ơn, chỉ cần dâng biểu giao cho viên Tuần phủ [Quảng Tây] chuyển tấu.
Còn Nguyễn Quang Toản xưng rằng muốn đích thân đến kinh đô, lại cũng không cần. An Nam là nước tân tạo, Nguyễn Quang Toản mới được phong tước, các em tuổi còn nhỏ, mọi việc cần phải lo liệu, há lại coi thường đi xa? Cũng ra lệnh cho Trần Dụng Phu báo thêm cho Nguyễn Quang Toản hay rằng sau năm Càn Long thứ 60, đại Hoàng đế sẽ ước lượng tình hình, hoặc sẽ giáng chỉ cho đến kinh đô cũng chưa biết chừng. Đem dụ này truyền từ 500 dặm cho Trần Dụng Phu, cùng báo Phúc Khang An biết. [16]
Nguồn: © 2007 talawas
—————-
[1]Nam Việt hành, Chu Chí Tài, văn đời Tống.
[2]Lâu thuyền: Loại thuyền có hai tầng. Qua thuyền: Một loại thuyền chiến. Lúc này Dương Bộc lãnh chức Lâu Thuyền Tướng quân, Việt Lang Hầu lãnh chức Qua Thuyền Tướng quân.
[3]Theo Thuỷ Kinh Chú Sớ cùng tham khảo bản đồ Trung Quốc thời Tây Hán thì các sông Tương Thuỷ, Ly Thuỷ đều phát nguyên từ Linh Lăng, Hồ Nam. Tương Thuỷ chảy lên phía bắc vào hồ Động Đình. Ly Thuỷ chảy ra phía đông nam qua Quế Dương, thuộc tỉnh Hồ Nam; rồi chảy đến thành Phiên Ngung, kinh đô của nhà Triệu, tức Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay. (Nguyễn Bá Mão, bản dịch Thuỷ Kinh Chú Sớ, NXB Thuận Hoá, trang 518-519).
[4]An Nam Chí lược, quyển nhị, trang 60.
[5]Đại Nam Chính biên Liệt truyện, Quyển 30, trang 42b 43a.
[6]Sử nhà Nguyễn trích ở trên chép vua Quang Trung mất tại Huế, sử nhà Thanh ghi tại Nghệ An, có lẽ triều đình Tây Sơn không báo thực chỗ mất cho nhà Thanh biết.
[7]Phần hoá: Theo tục xưa cúng xong đốt văn tế, thơ, vàng giấy vv.. để người cõi âm hưởng.
[8]Cao Tông Thực lục quyển 1421, trang 17-18.
[9]Định tỉnh: Do từ “Hôn định, thần tỉnh” nghĩa là buổi tối xếp đặt chỗ ngủ để cha mẹ được yên giấc, sáng thì thăm hỏi xem có được mạnh không.
[10]Cao Tông Thực lục quyển 1421 tờ 18-19.
[11]Long đình: Một thứ kiệu, đòn khiêng chạm rồng, trên kiệu có cái tủ hình như cái đình để đựng sắc vua.
[12]Phong thần: Đời nhà Hán hay trồng cây phong trong cung, nên các đời sau gọi cung vua là phong thần.
[13]Cao Tông Thực lục, quyển 1428, trang 96-97.
[14]Lúc này Sứ thần Ngô Thời Nhiệm trên đường đến báo tang.
[15]Thuỵ: tên hiệu của người chết.
[16]Cao Tông Thực lục, Quyển 1428, trang 97-98.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]