Nguồn: Purnendra Jain, “Abe and Modi deepen Japan – India ties”, East Asia Forum, 17/12/2015.
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Quan hệ Ấn Độ – Nhật Bản chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Quỹ đạo của quá trình phát triển đi lên này bắt đầu một thập niên trước đây và đã tăng tốc trong vài năm qua. Nhưng chính chất xúc tác mới giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới.
Thủ tướng Abe đã thăm Ấn Độ từ 11-13/12/2015 như một phần trong chuỗi các cuộc gặp cấp cao thường niên kể từ năm 2007. Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã ký một số hiệp định và các bản ghi nhớ mới. Một số hiệp định trong số đó đã được dự kiến từ trước, nhưng cũng có một vài tuyên bố bất ngờ có ý nghĩa lớn.
Hiệp định mang tính bước ngoặt chính là cam kết tài trợ của Nhật Bản cho dự án đường sắt cao tốc đầu tiên kết nối Mumbai – thủ đô tài chính của Ấn Độ – với Ahmedabad, một trung tâm thương mại ở vùng bờ biển phía tây thuộc bang Gujarat, quê hương của ông Modi. Theo chương trình cho vay bằng đồng yên của mình, Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản vay tín dụng dài hạn ưu đãi cao trị giá 12 tỷ USD trong suốt thời gian triển khai dự án. Dự án này sẽ khởi động vào năm 2017 với tổng chi phí lên tới 15 tỷ USD.
Khoản vay này sẽ được cung cấp thông qua cơ quan viện trợ của Nhật Bản – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – theo chương trình Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này. Theo hiệp định, một nhà thầu Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm đối với dự án khổng lồ này. Toàn bộ khoản vay sẽ gắn với công nghệ Nhật Bản và các công ty Nhật. Tokyo đã sử dụng mô hình viện trợ có điều kiện ràng buộc (tied aid model) cho hầu hết các dự án viện trợ của nước này trong những năm 1960 và 1970, nhưng sau đó chuyển sang mô hình viện trợ không ràng buộc (untied aid model). Viện trợ có điều kiện ràng buộc đã xuất hiện trở lại khi nền kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn và các công ty Nhật Bản cần các dự án do chính phủ tài trợ để hỗ trợ dòng chảy tài chính của họ.
Dù dự án này về bản chất nhằm mục đích kinh tế, nhưng nó cũng có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tokyo đã rất thất vọng khi Jakarta dành dự án tàu cao tốc của nước này cho Trung Quốc thay vì Nhật Bản. Đây là một cú sốc lớn với Nhật Bản về mặt kinh tế và được coi là một thất bại đối với sự can dự của Nhật Bản với châu Á. Chính quyền Abe không muốn lại để thua thêm lần này khi Ấn Độ đang nổi lên như một đối tác chiến lược quan trọng đối với Nhật Bản. Đối với Ấn Độ, dự án này sẽ gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ trong nước và quốc tế rằng chính phủ Modi cam kết phát triển cơ sở hạ tầng và hiện đại hoá để hoàn thành chiến dịch “Make in India”.
http://nghiencuuquocte.net/2015/12/23/trung-nhat-tranh-gianh-duong-sat-indonesia/
Ông Abe cũng đã cung cấp các khoản vay bằng đồng yên khác cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm các tuyến đường bộ ở vùng đông bắc kém phát triển của Ấn Độ – đáng chú ý nhất là Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình. Điều này chắc chắn mang ý nghĩa chiến lược lớn bên cạnh ý nghĩa của một dự án cơ sở hạ tầng.
Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là một hiệp định khung về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự. Một đề xuất bắt đầu hình thành vào năm 2010 nhưng bị đình trệ sau thảm họa hạt nhân Fukushima trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối phát triển điện hạt nhân diễn ra mạnh mẽ ở Nhật Bản. Hiệp định được đề xuất sẽ cho phép các công ty Nhật Bản xuất khẩu trực tiếp các nhà máy điện hạt nhân. Một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được ký, vì đề xuất này cần đàm phán kỹ thuật và pháp lý hơn nữa cũng như sự chấp thuận của Quốc hội Nhật Bản. Tuy nhiên, hiệp định khung này mở đường cho các nhà cung cấp nước thứ ba (có vốn đầu tư Nhật Bản) được xuất khẩu công nghệ hạt nhân vào Ấn Độ. Đây là một bước đột phá lớn đối với Ấn Độ vì nó nhằm mục đích mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân của nước này.
Dù Nhật Bản xuất khẩu công nghệ và thiết bị hạt nhân cho nhiều quốc gia, nhưng Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt vì New Delhi đã không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Các quốc gia đã nhất trí với khuôn khổ pháp lý này nhưng với điều kiện là Nhật Bản sẽ ngừng hợp tác hạt nhân nếu Ấn Độ tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân hoặc tái xử lý nhiên liệu hạt nhân cho các mục đích quân sự. Hiệp định này có nghĩa là Nhật Bản đã thừa nhận địa vị của Ấn Độ như là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng hợp tác kinh doanh mặc dù Ấn Độ không phải là một bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
http://nghiencuuquocte.net/2015/05/18/an-do-thu-thanh-cong-vu-khi-hat-nhan/
Có một nhóm vận động hành lang phản đối hạt nhân mạnh mẽ ở Nhật Bản và sự phản đối thỏa thuận này cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, ông Abe muốn Nhật Bản là một siêu cường xuất khẩu hạt nhân nhằm tạo ra sự tăng trưởng cần thiết cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này, ngành đã phải gánh chịu những khó khăn tài chính rất lớn sau vụ tai nạn hạt nhân Fukushima.
Điểm nổi bật thứ ba của chuyến thăm này là một hiệp định khung về chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc phòng. Nhật Bản và Ấn Độ đã và đang đàm phán việc bán thủy phi cơ Shin Maywa US-2 cho Ấn Độ trong nhiều năm qua. Mặc dù việc bán máy bay vẫn chưa diễn ra nhưng vấn đề hiện nay là khi nào chứ không phải là việc bán hay không. Nhật Bản đã dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài hàng thập kỷ và Ấn Độ đang nổi lên như là một thị trường quan trọng của Nhật Bản. Việc bán chiếc máy bay này sẽ biểu thị cho một diễn tiến mang tính bước ngoặt trong chính sách vũ khí thời hậu chiến của Nhật Bản.
Rõ ràng Nhật Bản và Ấn Độ đang nổi lên như các đối tác chiến lược quan trọng. Nhật Bản đã tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar với Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa các quan chức cấp cao từ bộ Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước.
Quan hệ Nhật Bản – Ấn Độ vẫn kém phát triển trong một thời gian dài và chỉ tới gần đây hai nước mới phát hiện các lợi ích tiềm năng của các mối quan hệ gần gũi hơn. Nhưng nếu Ấn Độ và Nhật Bản muốn đảm bảo mối quan hệ song phương ổn định và trưởng thành, các quan hệ song phương cần phát triển vượt ra ngoài quốc phòng và cơ sở hạ tầng để đi sâu vào các lĩnh vực gắn với người dân và ngoại giao nhân dân. Ông Modi và Abe hiện nên hướng tới một mối quan hệ toàn diện hơn nữa.
Purnendra Jain is Giáo sư thuộc khoa Nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]