Ngoại giao con thoi (Shuttle diplomacy)

piece-1-3-1024x622

Tác giả: Hoàng Cẩm Thanh

Thuật ngữ “ngoại giao con thoi” xuất hiện lần đầu trên tờ New York Times vào tháng 01 năm 1974 nhằm miêu tả hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Với nỗ lực hoà giải xung đột ở Trung Đông sau cuộc Chiến tranh Yom Kippur, Henry Kissinger đã thực hiện chuyến công du “con thoi” tới các nước tham gia cuộc xung đột, tiêu biểu là Israel và Ai Cập, nhằm thuyết phục các bên chấm dứt các hành động thù địch và đàm phán các thỏa thuận hòa bình.

Ngoại giao con thoi được sử dụng khi hai bên xảy ra tranh chấp không thể công khai công nhận lẫn nhau về mặt ngoại giao, khiến cho việc đàm phán trực tiếp giữa hai bên khó có thể xảy ra. Trong nhiều trường hợp căng thẳng, đối thoại và liên lạc trực tiếp giữa họ không thể đem lại kết quả và đôi khi còn làm tình hình trở nên căng thẳng hơn. Trong trường hợp đó, hoạt động ngoại giao con thoi được sử dụng giúp một bên thứ ba truyền đạt thông tin qua lại giữa hai bên xảy ra tranh chấp. Sự tham gia của bên thứ ba với vai trò người hoà giải và trung gian, thông qua các cuộc đàm phán bí mật và gián tiếp sẽ giúp các bên tranh chấp có thể xây dựng lòng tin và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau. Bên thứ ba đứng ra làm trung gian hoà giải thường là các quốc gia lớn và những người thực hiện là các nhân vật cấp cao, có uy tín hoặc các tổ chức phi chính phủ.

Ngày nay ngoại giao con thoi được triển khai hiệu quả nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật giúp cho việc di chuyển đi lại giữa các quốc gia và giữa các bên thương lượng diễn ra nhanh chóng hơn.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Hình: Ngoại trưởng Kissinger và Tổng thống Ai Cập Sadat, năm 1975.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]