Các nước Bắc Âu: Siêu mô hình sắp tới

Print Friendly, PDF & Email

20130202_LDP001_0

Nguồn:The Nordic countries: The next supermodel“, The Economist, 02/02/2013.

Biên dịch: Bùi Xuân Bách

Các chính khách, dù tả hay hữu, đều có thể học từ các nước Bắc Âu.

Các nước tương đối nhỏ thường đi tiên phong khi cần cải cách chính phủ. Trong những năm 1980, nước Anh đã dẫn đầu nhờ “Đường lối Thatcher”[i] và tư hữu hóa. Nước Singapore bé xíu cũng đã từ lâu là một mô hình cho nhiều nhà cải cách. Giờ đây, các nước Bắc Âu lại có thể cũng đóng một vai trò tương tự.

Điều đó một phần cũng bởi bốn nước Bắc Âu chính – Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan – đã đạt thành tựu khá tốt đẹp. Nếu được tái sinh lần nữa trong thế giới này, một người trung bình về tài năng và thu nhập sẽ chọn làm người Viking. Cụm các nước Bắc Âu thường đứng đầu các bảng thống kê về mọi mặt, từ khả năng cạnh tranh kinh tế, sự lành mạnh của xã hội, tới các chỉ số về hạnh phúc.

Họ đã tránh được cả hai: bệnh xơ cứng kinh tế của các nước Nam Âu và sự bất bình đẳng cùng cực của nước Mỹ, đến nỗi các nhà lý thuyết về phát triển đã phải gọi sự hiện đại hóa thành công là “noi gương Đan Mạch”. Một khu vực có thời vốn đồng nghĩa với đồ gỗ tự lắp[ii] và ban nhạc Abba, trong thời gian qua đã trở thành một vùng đất văn hóa, cái nôi của loạt phim bộ The Killing, tiệm ăn nổi tiếng số 1 thế giới Noma[iii] và trò chơi điện tử Những con chim giận dữ (“Angry Birds”).

Như bản tường trình đặc biệt của chúng tôi tuần này giải thích, thành quả này có được một phần là nhờ may mắn về thời gian: các nước Bắc Âu đã giải quyết tốt những cuộc khủng hoảng nợ của họ trong những năm 1990. Nhưng lý do thứ hai, tại sao mô hình Bắc Âu lại ngày càng được ưa chuộng, thì còn lý thú hơn. Đối với các chính khách trên toàn thế giới – đặc biệt là ở những nước phương Tây công nợ ngập cổ – các nước Bắc Âu đã cho họ một sơ đồ làm thế nào để cải cách khu vực công, giúp cho nhà nước có hiệu quả hơn nhiều và đáp ứng được những thách thức mà họ phải đối mặt.

Từ “Cô bé Pippi tất dài” tới trường học tư

Ý tưởng về một chính phủ Bắc Âu tinh giản sẽ là một cú sốc với cả những người Pháp tả khuynh thường mơ tới một bán đảo Scandinavia xã hội chủ nghĩa lẫn những người Mỹ bảo thủ đang sợ Barack Obama ngả theo chiều hướng “Thụy Điển hóa”. Họ đều lỗi thời cả rồi. Trong những thập niên 1970 và 1980, Bắc Âu quả thật là những nước “đánh thuế-và-chi tiêu”. Chi tiêu công của Thụy Điển lên tới 67% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 1993. Astrid Lindgren, người sáng tạo ra loạt truyện trẻ em Cô bé Pippi tất dài, đã bị buộc phải đóng thuế cao hơn 100% thu nhập của bà. Song chính sách “đánh thuế-và-chi tiêu” không mang lại kết quả mong muốn: Thụy Điển đang là nước giàu có thứ tư thế giới vào năm 1970 đã rớt xuống hàng thứ 14 vào năm 1993.

Từ đó Bắc Âu đã thay đổi lộ trình – chủ yếu là nghiêng sang hữu. Tại Thụy Điển, phần chi tiêu của chính phủ trong GDP đã bớt đi khoảng 18 điểm phần trăm, hiện thấp hơn của nước Pháp, và chẳng bao lâu nữa sẽ thấp hơn nước Anh. Thuế cũng đã cắt giảm: thuế suất doanh nghiệp là 22%, thấp hơn của Mỹ rất nhiều. Các nước Bắc Âu tập trung vào việc quân bình ngân sách. Trong khi Obama và Quốc hội Hoa kỳ còn đang run rẩy với việc cải cách phúc lợi an sinh xã hội, Thụy Điển đã cải tạo hệ thống hưu bổng của họ. Thâm hụt ngân sách của họ chỉ chiếm  0,3%GDP, nước Mỹ là 7%.

Về những dịch vụ công cộng, các nước Bắc Âu đều thực dụng như nhau. Chừng nào những dịch vụ công hoạt động tốt, người ta không cần đếm xỉa tới việc ai cung cấp chúng. Đan Mạch và Na Uy cho phép các hãng tư điều hành bệnh viện công. Thụy Điển có một hệ thống phổ quát về “phiếu Giáo dục”[iv], với những trường tư-kiểu kinh doanh[v] phải cạnh tranh với trường công. Đan Mạch cũng có “phiếu Giáo dục” – nhưng là loại phiếu mà người dân có thể đóng thêm tiền để hưởng dịch vụ tốt hơn. Nếu phải chọn thì Milton Friedman[vi] sẽ thấy Stockholm thân thuộc với mình hơn Washington, DC.

Tất cả các chính khách phương Tây đều đề cao sự minh bạch và công nghệ. Bắc Âu có thể làm đúng như vậy, lại có bằng chứng rõ ràng hơn cả. Thành tựu của tất cả các trường học và bệnh viện đều được lượng định. Chính phủ bị bắt buộc làm việc công khai giữa thanh thiên bạch nhật: Thụy Điển cho phép tất cả mọi người có quyền xem hồ sơ của chính phủ. Các chính khách bị bêu diếu, nếu họ nhảy khỏi yên xe đạp và chui vào xe limousine công. Quê hương của mạng điện thoại internet Skype và hãng cung cấp nhạc số Spotify cũng đang dẫn đầu trong việc giao dịch bằng điện tử của chính phủ: bạn có thể trả thuế qua dịch vụ tin nhắn ngắn SMS.

Chuyện này nghe giống như “Đường lối Thatcher” được tăng cường và bổ sung, nhưng Bắc Âu còn dành cho những người tả phái hăng say một điều khác nữa. Đó là họ đã chứng minh rằng, có thể kết hợp chủ nghĩa tư bản cạnh tranh với một guồng máy nhà nước lớn: họ sử dụng 30% lực lượng lao động của họ trong khu vực công, so sánh với mức trung bình 15% của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Họ là những người chủ trương “mậu dịch tự do” kiên cường, đã cưỡng lại sự cám dỗ muốn can thiệp, thậm chí vào việc bảo hộ những công ty biểu tượng của mình: Thụy Điển để mặc cho công ty ô tô Saab phá sản, và Volvo thì nay do công ty Trung Quốc Geely làm chủ. Song họ cũng tập trung chú ý vào dài hạn – biểu hiện rõ ràng nhất là Quỹ đầu tư Nhà nước 600 tỷ đôla của Na Uy – họ tìm nhiều cách để hạn chế những hiệu ứng khắc nghiệt của chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn Đan Mạch có một hệ thống bảo đảm công ăn việc làm linh hoạt khiến cho giới chủ dễ dàng giãn thợ khi cần, nhưng nhà nước thì trợ cấp và huấn nghệ cho những người thất nghiệp, và Phần Lan đang tổ chức những mạng lưới vốn mạo hiểm.

Phần không ngon của “Bàn tiệc Thụy Điển”

Mô hình mới của các nước Bắc Âu không phải là hoàn hảo. Tỷ lệ chi tiêu công như một thành phần của GDP tại các nước đó vẫn còn cao hơn tờ báo này mong muốn, hoặc quả thật là cao hơn mức có thể duy trì. Mức thuế của họ vẫn khiến cho nhiều nhà kinh doanh chạy ra nước ngoài: Luân Đôn đầy ắp những thanh niên Thụy Điển thông minh. Có quá nhiều người – đặc biệt là di dân – sống nhờ vào trợ cấp. Những áp lực khiến chính phủ của họ phải cắt giảm chi tiêu, chẳng hạn như sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng mạnh hơn, sẽ buộc họ phải thay đổi nhiều hơn nữa. [Chi tiêu của] các nước Bắc Âu đã phình to ra so với Singapore và họ cũng chưa tập trung chú ý đủ vào việc thẩm định tình hình tài chính của người xin hưởng phúc lợi.

Dầu sao chăng nữa, ngày càng thêm nhiều quốc gia cần phải nhìn vào các nước Bắc Âu. Các nước Tây phương sẽ đụng trần giới hạn của một chính phủ quá lớn, như Thụy Điển đã bị. Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lo lắng rằng Liên minh Châu Âu chỉ có 7% dân số thế giới nhưng chi tiêu xã hội chiếm tới một nửa thì các nước Bắc Âu là một phần của câu trả lời. Họ cũng chỉ ra rằng, các nước trong Liên minh Châu Âu có thể đạt được những thành công thực sự về kinh tế. Và trong khi cũng đang cố gắng chuyển dần thành các quốc gia có phúc lợi xã hội cao, các nước Châu Á cũng sẽ nhìn vào tấm gương các nước Bắc Âu: Na Uy đang là một tâm điểm chú ý của người Trung Quốc.

Bài học chủ chốt rút ra từ các nước Bắc Âu không phải là bài học về tư tưởng mà về thực tiễn. Nhà nước được ưa chuộng không phải vì nó lớn mà vì nó hoạt động tốt. Một người Thụy Điển sẵn sàng đóng thuế hơn một người California, vì được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí và những trường học thực sự tốt. Người Bắc Âu đã thực hiện được những cải cách sâu rộng bất chấp sự cản trở của các nghiệp đoàn và giới vận động hành lang cho kinh doanh. Bằng chứng sờ sờ ra đó. Có thể đưa cơ cấu thị trường vào các nước thiên về phúc lợi để nó hoạt động hiệu quả hơn. Có thể đặt những chương trình cải cách phúc lợi an sinh xã hội trên nền tảng vững chắc, để tránh cho các thế hệ tương lai khỏi phải đi ăn xin. Song cần phải có quyết tâm nhổ tận rễ bệnh tham nhũng và những quyền lợi được phong (lợi ích nhóm). Và cần phải sẵn sàng bỏ rơi những giáo điều đã cũ mòn của phái tả hoặc hữu và hãy chịu khó tìm kiếm những ý tưởng hay trên toàn bộ bình diện chính trị. Thế giới sẽ còn nghiên cứu mô hình Bắc Âu trong nhiều năm sắp tới.

Nguồn: Bản tiếng Việt 2013 © Bùi Xuân Bách & pro&contra


[i] “Đường lối Thatcher” là tên gọi thông dụng để chỉ chung những đường lối, chính sách xã hội và kinh tế mà bà Margaret Thatcher ,Thủ tướng Anh từ 1975 đến 1990, đã thi hành. Cụ thể hơn, đó là đẩy mạnh việc chống lạm phát, đề cao một nhà nước gọn nhẹ nhưng hiệu quả, và thị trường tự do, thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn cung tiền tệ, tư hữu hóa và kiềm chế phong trào nghiệp đoàn.

[ii] Ngụ ý sản phẩm của Ikea

[iii] Tiệm ăn Noma ở Copenhagen được tạp chí Restaurant Magazinebình chọn là tiệm ăn số 1 thế giới liên tục trong ba năm 2010, 2011, 2012. Năm nay, 2013, nó nhường vị trí này cho tiệm El Celler de Can Roca, Tây Ban Nha.

[iv] Phiếu Giáo dục: Ở một số nước, nếu con anh học trường tư, chính phủ sẽ cấp một giấy chứng nhận để nộp cho trường, trong đó bảo đảm sẽ thanh khoản một số tiền tương đương với chi phí đào tạo một học sinh tại trường công. Chẳng hạn, ở Mỹ (tùy theo thành phố có chế độ này hay không), nếu đào tạo một học sinh trung học ở trường công hết $5000 một năm, thì thành phố sẽ thanh toán số tiền như vậy cho trường tư, nơi con anh theo học.

[v] Trường tư-kiểu kinh doanh: (tiếng Anh: private for-profit schools) đối lập với trường tư-bất vụ lợi (private non-profit schools).

[vi] Milton Friedman (1912-2006): Nhà kinh tế học người Mỹ được Giải Nobel Kinh tế năm 1976. Ông là học giả hàng đầu của trường phái kinh tế Chicago (khoa kinh tế ở Đại học Chicago), và cổ xúy thị trường tự do, giảm bớt vai trò can thiệp của chính phủ.

Xem thêm:

Bí quyết thành công của các nước Bắc Âu

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]