Nguồn: Yanis Varoufakis, “The Great Greek Bank Robbery”, Project Syndicate, 15/12/2015.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Kể từ năm 2008, những đợt giải cứu ngân hàng đã dẫn đến việc chuyển nhiều tổn thất của các cá nhân sang cho người trả thuế ở châu Âu và Mỹ. Đợt giải cứu ngân hàng Hy Lạp gần đây nhất là một cảnh báo về cách mà chính trị (trong trường hợp này là ở châu Âu) đã hướng tới việc tối đa hóa tổn thất của công chúng để mang lại những lợi ích đáng nghi vấn cho các cá nhân như thế nào.
Vào năm 2012, nhà nước Hy Lạp hết khả năng chi trả đã mượn 41 tỉ euro (45 tỉ đô la, tương đương 22% tổng thu nhập quốc gia ngày càng giảm dần của Hy Lạp) từ những người trả thuế châu Âu để tái cấp vốn cho những ngân hàng thương mại Hy Lạp không còn khả năng chi trả. Với một nền kinh tế bị kìm nén trong vòng vây của những khoản nợ không bền vững, và vòng xoáy nợ – giảm phát đi kèm với nó, khoản vay mới và những điều kiện thắt lưng buộc bụng đi kèm chính là những xiềng xích. Ít ra thì người Hy Lạp được hứa là gói cứu trợ này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các ngân hàng nước này từ đó trở đi.
Vào năm 2013, khi mà tiền đã được chuyển từ Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) – quỹ cứu trợ của vùng Eurozone – đến chi nhánh tại Hy Lạp, tức Quỹ Ổn định Tài chính Hy Lạp (HFSF), thì HFSF đã bơm khoảng 40 tỉ euro vào bốn ngân hàng quan trọng nhất để mua các cổ phiếu không có quyền biểu quyết của các ngân hàng này.
Vài tháng sau, vào mùa thu năm 2013, một đợt tái cấp vốn thứ hai được dàn xếp, với một đợt phát hành cổ phiếu mới. Để đợt phát hành này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tư nhân, “bộ ba” chủ nợ chính thức của Hy Lạp (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Ủy ban châu Âu) đã đồng ý bán với giá thấp hơn đến 80% mức giá mà HFSF đã thay mặt những người đóng thuế châu Âu trả vài tháng trước. Quan trọng là HFSF bị ngăn tham dự mua cổ phiếu lần này, dẫn tới một sự pha loãng tỷ lệ cổ phần của những người đóng thuế.
Nhận thấy tiềm năng hưởng lợi trong khi những người đóng thuế chịu thiệt, các quỹ phòng hộ (hedge fund) nước ngoài đã nhảy vào để hưởng lợi. Dường như để chứng minh rằng họ hiểu những điều không thích hợp trong việc này, bộ ba chủ nợ đã thúc ép chính quyền Hy Lạp phải miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các thành viên ban quản trị HFSF vì họ không tham gia vòng phát hành cổ phiếu mới, và kết quả là việc biến mất một nửa của số tiền 41 tỉ euro vốn được bơm vào từ tiền của người đóng thuế.
Bộ ba chủ nợ đề cao sự quan tâm của các quỹ phòng hộ như là bằng chứng cho thấy việc giải cứu ngân hàng đã vực dậy lòng tin của các nhà đầu tư tư nhân. Nhưng sự thiếu vắng những nhà đầu tư dài hạn cho thấy rằng dòng vốn đơn thuần chỉ mang tính đầu cơ. Các nhà đầu tư nghiêm túc hiểu rằng các ngân hàng vẫn còn gặp nhiều rắc rối lớn bất chấp việc bơm một lượng lớn quỹ công vào. Dầu gì thì cuộc Đại suy thoái của Hy Lạp đã làm tỷ lệ của những khoản nợ xấu leo lên đến 40%.
Vào tháng 2/2014, vài tháng sau đợt tái cấp vốn thứ hai, công ty quản lý tài chính Blackrock báo cáo rằng lượng nợ xấu ngày càng tăng cao yêu cầu phải có đợt tái cấp vốn lớn lần thứ ba. Đến tháng 6/2014, quỹ IMF đã rò rỉ những báo cáo cho rằng cần hơn 15 tỉ euro để phục hồi nguồn vốn của các ngân hàng – một khoản tiền lớn hơn cả khoản tiền còn sót lại trong gói cứu trợ thứ hai của Hy Lạp.
Đến cuối năm 2014, với gói cứu trợ Hy Lạp thứ hai sắp hết thời hạn và hết tiền, và với việc chính phủ nước này còn thiếu 22 tỉ euro để trả các khoản nợ chưa có nguồn tiền để trả trong năm 2015, các quan chức của bộ ba chủ nợ đã không mảy may nghi ngờ. Để giữ bộ mặt giả vờ rằng “chương trình” Hy Lạp đang đi đúng hướng, đợt cứu trợ thứ ba là điều cần thiết.
Vấn đề với việc tiến hành đợt cứu trợ thứ ba bao gồm hai phần. Thứ nhất, chính phủ Hy Lạp vốn hợp tác tốt với bộ ba chủ nợ lúc bấy giờ đã đánh cược sự sống còn chính trị của mình trên lời hứa rằng đợt cứu trợ thứ hai sẽ hoàn thành vào tháng 12/2014, và sẽ là đợt cứu trợ cuối cùng. Một số chính phủ trong khu vực Eurozone đã có được sự chấp thuận của quốc hội nước họ bằng việc đưa ra lời hứa tương tự. Hậu quả là chính phủ sụp đổ, và vào tháng 1/2015, chính phủ của Đảng Syriza chúng tôi đã được bầu với nhiệm vụ được người dân giao phó là thách thức logic của những đợt “cứu trợ” đó.
Với tư cách là bộ trưởng tài chính của chính phủ mới, tôi xác định rằng bất kỳ đợt tái cấp vốn mới nào cũng phải tránh những vết xe đổ của hai đợt đầu tiên. Những khoản vay mới chỉ được đảm bảo sau khi các khoản nợ của Hy Lạp đã trở nên có thể trả được, và không được bơm những khoản tiền công quỹ mới vào các ngân hàng thương mại trừ khi và chỉ khi có một cơ quan có vai trò đặc biệt – một “ngân hàng nợ xấu” – được tạo nên để giải quyết các khoản nợ xấu của các ngân hàng này.
Không may thay, bộ ba chủ nợ đã không quan tâm đến một giải pháp có lý. Mục tiêu của họ là nghiền nát một chính phủ dám thách thức họ. Và họ đã nghiền nát chúng tôi bằng cách tạo nên một đợt rút tiền gửi đột biến kéo dài 6 tháng, đóng cửa các ngân hàng Hy Lạp hồi tháng 6, và buộc thủ tướng Alexis Tsipras phải đồng ý với khoản vay cứu trợ thứ ba từ bộ ba vào tháng 7.
Nước đi quan trọng đầu tiên là đợt tái cấp vốn lần thứ ba vào tháng 11. Người đóng thuế đóng góp thêm 6 tỉ euro nữa thông qua HFSF, nhưng họ vẫn tiếp tục bị ngăn không được mua những cổ phần được chào bán cho các nhà đầu tư tư nhân.
Kết quả là, mặc cho việc bơm vào khoảng 47 tỉ euro (41 tỉ vào năm 2013 và thêm 6 tỉ euro vào năm 2015), tỷ lệ cổ phần của người đóng thuế tụt từ 65% xuống còn ít hơn 26% trong khi các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ như John Paulson, Brookfield, Fairfax, Wellington, và Highfields) đã gom đến 74% cổ phần các ngân hàng này qua một khoản đầu tư chỉ 5,1 tỉ euro. Mặc dù các quỹ phòng hộ đã thua lỗ từ năm 2013, cơ hội để chi phối toàn bộ hệ thống ngân hàng với một khoản tiền nhỏ như vậy tỏ ra là một điều hấp dẫn đến mức không thể cưỡng lại được.
Kết quả là một hệ thống ngân hàng vẫn tràn ngập nợ xấu và bị suy thoái đánh dồn dập. Và với đợt tái cấp vốn gần đây nhất, cái giá từ sự kiên quyết của bộ ba chủ nợ trong việc tiếp tục bơm thêm các khoản vay cứu trợ và giả vờ thành công sẽ trở nên cao hơn. Chưa bao giờ mà người đóng thuế phải trả giá nhiều cho một số ít người để lấy lại kết quả quá ít đến vậy.
Yanis Varoufakis, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, là giáo sư kinh tế tại Đại học Athens.
Copyright: Project Syndicate 2015 – The Great Greek Bank Robbery