Hậu quả chính trị của khủng hoảng tài chính

Newspaper headlines - finanical crisis on 2008

Nguồn: Howard Davies, “The Political Consequences of Financial Crises”, Project Syndicate, 22/12/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Có lẽ tôi không phải là vị giáo sư tài chính duy nhất mà khi ra đề tài tiểu luận cho sinh viên của mình đã chọn câu hỏi như thế này: “Theo quan điểm của anh/chị, nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng tài chính toàn cầu là do chính phủ can thiệp quá nhiều vào thị trường tài chính, hay bởi họ đã can thiệp quá ít?” Và khi giải quyết “câu hỏi” này, sinh viên trong lớp mà tôi dạy gần đây nhất đã chia thành ba luồng ý kiến.

Khoảng một phần ba số sinh viên, những người bị mê hoặc bởi sự hấp dẫn hào nhoáng của Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (Efficient Market Hypothesis), lập luận rằng chính phủ là nguyên nhân của mọi tội lỗi. Những can thiệp thiếu suy nghĩ của họ – đặc biệt là các hãng kinh doanh các khoản cho vay thế chấp được chính phủ Mỹ hậu thuẫn là Fannie Mae và Freddie Mac, cũng như Đạo luật Tái đầu tư Cộng đồng (Community Reinvestment Act) – đã làm các động cơ thị trường bị bóp méo. Một số thậm chí chấp nhận lập luận của nhà tư tưởng tự do Mỹ Ron Paul, lên án sự tồn tại của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong vai trò người cho vay cuối cùng.

Một phần ba số sinh viên khác, những người ủng hộ phía bên kia của phổ tư tưởng chính trị, lại cho rằng cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan là tội đồ. Greenspan đã miễn cưỡng can thiệp vào thị trường tài chính, thậm chí khi đòn bẩy tài chính đang gia tăng đáng kể và giá tài sản dường như đã không còn đúng với thực tế, điều đã gây ra rắc rối. Nói rộng hơn, các chính phủ phương Tây, với cách tiếp cận quá nhẹ nhàng đối với điều tiết, đã khiến thị trường phát triển ra ngoài vòng kiểm soát trong những năm đầu của thế kỷ này.

Nhóm sinh viên còn lại thì chọn cả hai, cho rằng chính phủ đã can thiệp quá nhiều trong một số lĩnh vực, nhưng lại quá ít ở các lĩnh vực khác. Lãng tránh câu hỏi gốc để đi theo hướng trung dung như vậy không phải là một chiến thuật làm bài kiểm tra tốt, tuy nhiên các sinh viên cũng có lý do của họ.

Giờ đã là bảy năm sau khủng hoảng, các chính phủ và cử tri ở châu Âu và Bắc Mỹ đã trả lời câu hỏi quan trọng này như thế nào? Hành động của họ cho thấy rằng họ nghĩ cần phải kiểm soát chặt chẽ các thị trường tài chính hay trái lại, nhà nước nên bác bỏ các kế hoạch giải cứu và để các công ty tài chính tự giải quyết hậu quả do những sai lầm của chính mình?

Qua luận điệu và các chính sách điều tiết của họ, có thể thấy rằng hầu hết các chính phủ đã lựa chọn phương án thứ ba – trung dung. Vâng, họ thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát chi tiết, rà soát sổ sách của các ngân hàng với cường độ chưa từng có, đồng thời kiểm soát việc phân phối tiền mặt, việc bổ nhiệm các giám đốc chủ chốt, và thậm chí còn kiểm duyệt cả bảng mô tả công việc của các thành viên hội đồng quản trị.

Nhưng họ đã loại trừ bất kỳ sự hỗ trợ nào trong tương lai từ chính phủ hoặc ngân hàng trung ương dành cho các thể chế tài chính ốm yếu. Các ngân hàng giờ phải xuất trình “di chúc sống” cho thấy họ sẽ “chết dần” mà không có sự hỗ trợ của chính quyền như thế nào. Chính phủ sẽ rũ bỏ trách nhiệm nếu những ngân hàng này gặp rắc rối: giờ thì thời đại “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail) đã kết thúc.

Có lẽ cách tiếp cận nước đôi này là không thể tránh khỏi, dù nếu biết được điểm kết thúc mong muốn là gì cũng là điều tốt. Liệu nó là một hệ thống nơi kỷ luật thị trường một lần nữa thống trị, hay là các nhà quản lý sẽ tiếp tục nắm quyền điều chỉnh trong tương lai gần?

Vậy còn kết luận của các cử tri thì sao? Trong làn sóng bầu cử đầu tiên hậu khủng hoảng, thông điệp đưa ra là rất rõ ràng theo nghĩa này, nhưng lại mơ hồ theo nghĩa khác. Dù chính phủ nào nắm quyền khi xảy ra khủng hoảng, cánh hữu hay cánh tả, thì họ cũng đã bị thay thế bởi một chính phủ khác theo khuynh hướng chính trị đối lập.

Điều này không thực sự đúng ở mọi nơi – chẳng hạn như tại Đức với trường hợp Angela Merkel – nhưng chắc chắn nó là sự thật ở Mỹ, Anh, Pháp, và nhiều nơi khác. Pháp chuyển từ cánh hữu sang cánh tả, còn Anh thì ngược lại. Dù vậy thì dư luận cử tri về chính phủ của họ vẫn ít nhiều giống hệt nhau: anh mắc sai lầm trong nhiệm kỳ của mình, vậy nên anh phải ra đi.

Nhưng bây giờ chúng ta có thể thấy một xu hướng phát triển nhất quán hơn. Ba nhà kinh tế người Đức, Manuel Funke, Moritz Schularik, và Christoph Trebesch, vừa công bố một đánh giá rất hay dựa trên hơn 800 cuộc bầu cử ở các nước phương Tây trong suốt 150 năm qua, đồng thời gắn những kết quả này với 100 cuộc khủng hoảng tài chính. Họ đưa ra kết luận chính rõ ràng: “Chính trị thay đổi mạnh sang phía cánh hữu sau mỗi cuộc khủng hoảng tài chính. Tính trung bình, số phiếu ủng hộ phe cực hữu tăng khoảng một phần ba trong vòng 5 năm sau mỗi cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng.”

Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, theo sau sự sụp đổ của phố Wall năm 1929, chính là ví dụ rõ ràng và đáng lo ngại nhất, nhưng xu hướng này cũng có thể được quan sát thấy cả tại các nước Bắc Âu sau các đợt khủng hoảng ngân hàng đầu những năm 1990. Vì vậy, nếu giải thích sự nổi lên của Mặt trận Quốc gia Pháp là bởi cá nhân và chính sách chính trị của Tổng thống François Hollande không hợp lòng dân là không hợp lý. Vẫn còn các nguyên nhân lớn hơn đời tư rắc rối và việc thiếu khả năng kết nối với các cử tri của ông ta.

Kết luận chính thứ hai mà Funke, Schularik, và Trebesch rút ra là công việc quản lý của chính phủ trở nên khó khăn hơn sau khủng hoảng tài chính, vì hai lý do. Sự trỗi dậy của phe cực hữu nằm trong bối cảnh chính trị thường bị phân mảnh, với nhiều đảng phái hơn, và số phiếu dành cho đảng cầm quyền bị thấp hơn, dù là họ thuộc phe hữu hay phe tả. Vì vậy, việc đưa ra các quyết định lập pháp quan trọng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Đồng thời, các phong trào vận động bên ngoài nghị trường cũng tăng đột biến: đình công và biểu tình lớn hơn và kéo dài hơn. Chính phủ cũng không còn đủ khả năng kiểm soát an ninh đường phố như trước. Tính trung bình thì các cuộc biểu tình chống chính phủ tăng gấp ba, tần số bạo loạn tăng gấp đôi, và các cuộc đình công nói chung tăng ít nhất một phần ba. Những con số này đặc biệt tăng mạnh tại Hy Lạp trong thời gian gần đây.

Kết luận mang tính an ủi duy nhất mà ba nhà kinh tế đạt được đó là những tác động này sẽ dần biến mất. Dữ liệu cho thấy rằng sau 5 năm, điều tồi tệ nhất sẽ qua. Nhưng điều đó hình như không phải là những gì đang diễn ra tại châu Âu, nếu xét đến cuộc bầu cử gần đây của Pháp, chưa kể ở Phần Lan và Ba Lan, nơi cánh hữu hiện nắm quyền. Có lẽ lời giải thích hợp lý là 5 năm ở đây được tính từ khi cuộc khủng hoảng hoàn toàn chấm dứt, mà ở châu Âu thì chưa phải vậy.

Vì vậy chính trị dường như vẫn còn là một nghề khó khăn trong một thời gian dài nữa. Còn các ngân hàng và tổ chức tài chính, những kẻ bị đổ lỗi vì gây ra khủng hoảng, sẽ vẫn tiếp tục bị coi là tội đồ thêm một thời gian nữa cho đến khi kỳ vọng của cử tri về sự ổn định kinh tế và tài chính được đáp ứng một cách bền vững hơn.

Howard Davies, Chủ tịch đầu tiên của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Vương quốc Anh (1997-2003), là Chủ tịch Ngân hàng Hoàng gia Scotland. Ông từng là Hiệu trưởng Trường Kinh tế London (2003-2011) và giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Anh và Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Political Consequences of Financial Crises
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]