Nguồn: Mustafa Akyol, “The Medieval Antidote to ISIS”, The New York Times, 21/12/2015.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Những cuộc tàn sát gần đây ở Paris và San Bernardino, California một lần nữa cho thấy khả năng của cái gọi là Nhà nước Hồi Giáo trong việc lôi kéo những người Hồi Giáo bất mãn. Bằng cách sử dụng một sự pha trộn giữa việc diễn giải kinh Quran sát theo nghĩa đen và tự khẳng định “chính nghĩa” của mình, nhóm cực đoan này đã có thể thuyết phục các thanh niên, thiếu nữ từ khắp Pakistan đến Bỉ tuyên bố trung thành với nó và hành động bạo lực nhân danh nó.
Đây là lý do mà hệ tư tưởng tôn giáo của Nhà nước Hồi Giáo cần phải được xem xét nghiêm túc. Sẽ là sai lầm khi cho rằng những tư tưởng của nhóm này đại diện cho Hồi Giáo chính thống, như những người bài Hồi Giáo thường hay làm, và cũng không đúng khi nghĩ rằng Nhà nước Hồi Giáo “không liên quan gì đến đạo Hồi” như là những người Hồi Giáo sợ những người bài Hồi Giáo thường nói. Thực tế, những kẻ cầm đầu thánh chiến rất am hiểu tư tưởng và giáo lý Hồi Giáo cho dù chúng sử dụng hiểu biết của mình cho những mục đích lầm lạc và tàn ác.
Một nơi tốt để bắt đầu tìm hiểu tư tưởng của nhà nước Hồi Giáo là tạp chí Dabiq, tạp chí điện tử bằng tiếng Anh mà nhóm này xuất bản hàng tháng. Một trong những bài đáng chú ý nhất mà tôi đã đọc được là một bài dài 18 trang vào tháng 3 mang tựa đề “Irja: Dị giáo nguy hiểm nhất”.
Trừ khi bạn có một chút kiến thức về thần học Hồi Giáo thời Trung Cổ, bạn có thể không biết ý nghĩa của từ Irja. Từ này dịch theo nghĩa đen là “trì hoãn.” Nó là một nguyên tắc thần học được đưa bởi một số học giả Hồi Giáo trong thế kỷ đầu tiên sau khi Hồi Giáo ra đời. Trong thời gian đó, thế giới Hồi Giáo đang phải trải qua một cuộc nội chiến lớn khi những người Sunni và Shiite khởi thủy tranh đấu để giành quyền lực, và một nhóm thứ ba gọi là Khawarij (người bất đồng) tuyệt thông và giết hại người của cả hai bên. Đối mặt với sự hỗn loạn đẫm máu này, những người đề xuất irja cho rằng câu hỏi nóng hổi về việc ai là người Hồi Giáo thật sự phải được “trì hoãn” đến kiếp sau. Họ lập luận rằng ngay cả một người Hồi Giáo đã từ bỏ mọi hoạt động tôn giáo và phạm nhiều tội lỗi thì người đó cũng không thể bị lên án là một người “bội giáo”. Đức tin là chuyện của cái tâm, điều mà chỉ có Chúa – chứ không phải người phàm – có thể phán xét.
Những học giả đề xuất điều này được gọi là Murjia, hay những người ủng hộ irja, hoặc đơn giản là những “người trì hoãn”. Thứ thần học mà họ phác họa đã có thể là nền móng của một đạo Hồi khoan dung, không thúc ép, và đa nguyên – một chủ nghĩa Hồi Giáo tự do. Đáng tiếc thay, họ không có đủ ảnh hưởng trong thế giới Hồi Giáo. Hệ tư tưởng này nhanh chóng biến mất, và đi vào tiềm thức của dòng Sunni chính thống như là một trong những “giáo phái dị giáo”. Các murjia đã để lại dấu ấn trong nhánh khoan dung hơn của Hồi Giáo Sunni, đại diện bởi chủ nghĩa Hanafi-Maturidi, thịnh hành nhất tại khu vực Balkan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á, nhưng ngày nay gần như không có một nhóm nào tự nhận mình là murjia. Từ irja cũng ít khi được nhắc đến trong những tranh luận về thần học Hồi Giáo.
Vậy thì tại sao Nhà nước Hồi Giáo lại quá lo lắng về “dị giáo” cổ xưa này? Câu trả lời cho câu hỏi này có thể được tìm thấy trong chính bài viết của Dabiq, khi các tác giả đã buộc tội các nhóm phiến quân Hồi Giáo khác đã “phạm tội” Irja. “Những nhóm này không cai trị bằng luật sharia cho dù họ quản lý những khu vực “đã được giải phóng””, những tác giả thuộc nhà nước Hồi Giáo đã viết một cách thù địch như vậy. Nói cách khác, họ không giết những “người bội giáo”, ban hành nhục hình, hay buộc phụ nữ phải trùm kín từ đầu đến chân.
Những nhóm mà Nhà nước Hồi Giáo cho là “phạm tội” irja – trong đó có nhiều nhóm theo chủ nghĩa Hồi Giáo bảo thủ – có thể sẽ không sẵn lòng chấp nhận cái mác này. Trong những cuốn sách tôn giáo của họ, irja cũng có thể xuất hiện như là một dị giáo. Nhưng chúng ta nên công nhận rằng bằng cách “trì hoãn” việc áp đặt tôn giáo và trừng phạt những người tội lỗi, họ đang thực thi irja trên thực tế. Họ có thể hành động không theo nguyên tắc, mà vì thực dụng.
Sự thật là có hàng trăm triệu người Hồi Giáo trên khắp thế giới đang tuân theo irja, cho dù họ không hiểu thuật ngữ này. Một vài trong số họ tập trung vào kinh Quran, chứ không phải bộ luật Shariah thời Trung Cổ, và họ tuân theo lời kinh Quran nổi tiếng rằng, “Không có ép buộc trong tôn giáo”. Những người Hồi Giáo khác thì chịu ảnh hưởng văn hóa của chủ nghĩa tự do phương Tây. Một số nữa thì chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Sufi, nhánh Hồi Giáo thần bí này tập trung vào sự mộ đạo của cá nhân chứ không phải việc họ chấp hành luật lệ. Trong bài lên án irja, Nhà nước Hồi Giáo cũng nhắm đến những người Hồi Giáo khoan dung này. Họ là những người, theo Dabiq, đã “khiến đạo Hồi chỉ còn là một tuyên bố chứ không có sự thật.” Họ phải được nhắc nhở rằng, “lòng nhân từ và sự tha thứ của Đức Allah không phải là một cái cớ để phạm tội”.
Với tư cách là một người Hồi Giáo như thế, tôi kêu gọi những người cùng tôn giáo và suy nghĩ như tôi hãy đeo mác irja một cách tự hào – và hồi sinh việc tìm hiểu nó. Chúng ta đã đánh mất tư tưởng thần học chủ chốt này hơn một thiên niên kỷ trước; nhưng chúng ta rất cần nó ngày hôm nay để chấm dứt cuộc nội chiến tôn giáo của chúng ta và để đảm bảo tự do cho mọi người.
Hiểu rằng irja là liều thuốc “giải độc” thần học chống lại chúng, Nhà nước Hồi Giáo đã gọi điều này là thiếu sùng đạo. Thật ra điều này là sùng đạo thật sự đi kèm với sự khiêm nhường – điều được bắt nguồn từ việc tôn sùng Chúa như là người duy nhất có thể phán xét con người. Ngược lại, sự cuồng si của Nhà nước Hồi Giáo trong việc áp đặt những điều mà chúng cho là sùng đạo dường như được thúc đẩy bởi sự kiêu ngạo, sự kiêu ngạo bắt nguồn từ việc phán xét tất cả những người khác, và để nắm quyền đối với họ nhân danh Chúa.
Mustafa Akyol là tác giả của cuốn sách “Islam without Extremes: A Muslim Case for Liberty”.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]