Nguồn: Michael Spence,”Fed’s risks to emerging economies”, Project Syndicate, 21/12/2015.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã nâng lãi suất liên ngân hàng qua đêm thêm 25 điểm cơ sở sau hơn một thập niên kiên định bám trụ với chính sách lãi suất rất thấp. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm là cơ sở để tính các loại lãi suất khác trong nền kinh tế. Việc này đưa lãi suất mới lên mức tối đa vẫn còn khá thấp là 0,5%, và Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, đã rất khôn ngoan hứa hẹn rằng bất kỳ đợt tăng lãi suất nào trong tương lai cũng sẽ diễn ra từ từ. Xét tình trạng kinh tế Mỹ – với tăng trưởng thực ở mức 2%, một thị trường lao động thắt chặt, và ít bằng chứng cho thấy lạm phát tăng đến mức mục tiêu 2% của Fed – tôi nhìn nhận đợt tăng lãi suất này là một một bước khởi đầu hợp lý và cẩn trọng hướng tới việc bình thường hóa lãi suất (được định nghĩa là một sự cân bằng lợi ích tốt hơn giữa những người đi vay và cho vay).
Tuy nhiên, những ngân hàng trung ương khác, đặc biệt tại những nền kinh tế mà chênh lệch sản lượng (giữa sản lượng thực và sản lượng tiềm năng – ND) lớn hơn ở Mỹ, sẽ không mong muốn theo bước Fed. Điều đó báo hiệu một giai đoạn phân hóa chính sách tiền tệ sắp tới, với những hậu quả bất định cho nền kinh tế toàn cầu.
Xét ở bên ngoài, một sự thay đổi tí hon của lãi suất ở Mỹ sẽ không châm ngòi cho những chuyển biến đáng kể trong các dòng chảy vốn toàn cầu. Nhưng khi chính sách tiền tệ của Mỹ đi theo hướng bình thường hóa lãi suất, rất có thể sẽ có những tác động dây chuyền, về cả mặt kinh tế và tài chính, đặc biệt dưới dạng biến động tiền tệ và các dòng tiền gây bất ổn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi.
Lý do chúng ta nên lo lắng về khả năng này là vì cân bằng kinh tế của thế giới hiện vừa mong manh vừa bất ổn – và có thể rung lắc một cách nguy hiểm nếu không có can thiệp chính sách một cách quyết tâm và có phối hợp. Việc tăng lãi suất của Fed có thể không làm đổ vỡ sự cân bằng này, nhưng một vài sự kiện tưởng như vô thưởng vô phạt khác lại có thể.
Chẳng cần phải có trí nhớ tốt mới hiểu được việc những thay đổi chính sách thậm chí chỉ tương đối khiêm tốn cũng có thể châm ngòi cho những phản ứng thị trường bùng nổ thế nào. Ví dụ, hãy xem xét đợt tăng lãi suất trái phiếu vốn làm khuấy động các thị trường tài chính mùa xuân năm 2013, sau khi Thống đốc Fed thời đó, ông Ben Bernanke, chỉ mới nói rằng các nhà làm chính sách đang suy nghĩ về việc dần dần kết thúc việc nới lỏng định lượng (“quantitative easing”).
Nhưng tuyên bố đó đã gây bất ngờ (cũng như việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mùa hè năm ngoái). Nguồn vốn tràn vào các nền kinh tế mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận sẽ không còn nữa nếu các nền kinh tế phát triển bỗng đột ngột chuyển hướng (tăng lãi suất). Không nhà đầu tư nào muốn bị là người cuối cùng rút chân ra khỏi thị trường. Một hệ thống tài chính toàn cầu dễ hoảng loạn, giống như hệ thống hiện giờ chúng ta đang có, không chấp nhận những sự bất ngờ không mong muốn.
Không giống như đợt tăng lãi suất trái phiếu và việc phá giá đồng Nhân dân tệ, tuyên bố tăng lãi suất của Fed vào ngày 16 tháng 12 vừa qua hoàn toàn không hề bất ngờ. Vì thế, mọi người có thể lập luận rằng nếu động thái của Fed dẫn đến sự biến động trong các dòng chảy vốn quốc tế thì quá trình này chắc hẳn đã phải bắt đầu rồi. Trên thực tế, dự đoán gần như trên khắp toàn cầu về việc Mỹ tăng lãi suất đã không tạo ra một đợt tăng vọt các dòng vốn hay giá các tài sản.
Tuy vậy, các quan ngại rộng khắp vẫn tồn tại. Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lập luận rằng bất kỳ đợt tăng lãi suất nào của Fed sẽ cần một “chiến lược truyền thông chính sách tiền tệ hiệu quả” – một cách lịch sự để nói rằng bất kỳ sự thắt chặt tiền tệ nào tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ vẫn còn quá sớm.
Lập luận ở đây là các nền kinh tế mới nổi khác đã trở nên lệ thuộc đến mức nguy hiểm vào lãi suất thấp và giá hàng hóa cơ bản cao. Rất nhiều công ty tại các thị trường mới nổi hiện trong tình trạng dễ bị tổn thương vì đã vay mượn rất nhiều bằng ngoại tệ. Nếu tình trạng thoái vốn xảy ra, các hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc: tín dụng thắt chặt, các khó khăn về cán cân thanh toán quốc tế, lạm phát, lãi suất tăng, căng thẳng ngân sách, và sự giáng hạng của các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn – tất cả những điều này càng dẫn đến thoái vốn nhiều hơn.
Người châu Âu cũng đã trở nên lệ thuộc vào lãi suất thấp, với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đóng vai trò là lực lượng bình ổn chủ chốt. Nếu không có cam kết của ECB, đưa ra từ 2012 đến giờ, để ngăn lãi suất phải trả của nợ quốc gia tăng lên thì khu vực Eurozone sẽ đối mặt với rủi ro dai dẳng – và thực tế, đối với toàn bộ Liên minh châu Âu – đó là rủi ro về khả năng vỡ nợ quốc gia.
Nhưng ít nhất châu Âu cũng đã hưởng lợi từ giá hàng hóa cơ bản giảm. Ngược lại, nhiều nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu hàng hóa cơ bản lại chịu áp lực do sự điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản, tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế phát triển, và tăng trưởng chậm hơn trước đây ở Trung Quốc. Tình trạng các nhà đầu tư thoái vốn càng thêm vào tình trạng khó khăn của họ – trong một vài trường hợp còn mang tính thảm họa.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thế giới đã quen với những mối quan hệ và hệ quả lan truyền như thế. Tuy nhiên, các phản ứng chính sách trước các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục phân tán. Không có một tổ chức nào tương tự như ECB cho các nền kinh tế mới nổi. Họ không thể tự tin về những phản ứng của các nhà làm chính sách nước họ đối với những dòng tiền chảy ra ngoài nhanh chóng, hoặc khả năng của họ về mặt công cụ chính sách, dự trữ ngoại hối và cân đối thu chi. Và họ cũng không thể hoàn toàn chắc chắn về tốc độ và tính hiệu quả của các phản ứng chính sách quốc tế mà lẽ ra có thể đóng vai trò là những công tắc “ngắt giao dịch”.
Thực tế là các thị trường mới nổi nào hưởng lợi sau cuộc khủng hoảng năm 2008 từ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giá hàng hóa cơ bản tăng cao, và vốn nước ngoài rẻ, giờ đây sẽ phải thích ứng với sự đảo nghịch của tất cả những yếu tố này. Những sự chuyển đổi cần thiết đối với những thị trường trên sẽ khá phức tạp, rủi ro, và không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của họ.
Dù việc Fed tăng lãi suất, được nhấn mạnh một cách thận trọng là sẽ theo những bước tăng nhỏ và từ từ, có thể không trở thành một ngòi nổ, nhưng những quan ngại về các hiệu ứng dây chuyền là có căn cứ. Sẽ không khôn ngoan nếu như chúng ta cho rằng với việc đợt tăng đầu tiên đã xảy ra suôn sẻ thì rủi ro hệ thống đã phần nào biến mất.
Về mặt dài hạn, dĩ nhiên các nền kinh tế mới nổi sẽ được hưởng lợi từ việc bình thường hóa lãi suất, do họ sẽ không còn gặp phải những bóp méo và bất cân bằng vốn dẫn đến những mô hình tăng trưởng không bền vững. Nhưng điều khó khăn là làm sao đi từ đây đến lúc đó mà không gặp tai nạn nào.
Michael Spence, từng nhận giải Nobel Kinh tế, là giáo sư Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Stern, đại học New York, và là Chủ tịch Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về các Mô hình Tăng trưởng Mới thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Fed’s risks to emerging economies
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]