Bốn rủi ro địa chính trị của nền kinh tế toàn cầu

Print Friendly, PDF & Email

Earth grenade

Nguồn: Martin Feldstein, “The Global Economy Confronts Four Geopolitical Risks”, Project Syndicate, 28/12/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Cuối năm là thời điểm thích hợp để chúng ta cân nhắc về những rủi ro ở phía trước. Đương nhiên tồn tại những rủi ro kinh tế nghiêm trọng, bao gồm: định giá tài sản sai lệch do lãi suất cực thấp kéo dài suốt một thập niên, sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc kéo theo những thay đổi trong nguồn cầu, và sự yếu kém dai dẳng của nền kinh tế châu Âu. Nhưng những rủi ro dài hạn cốt yếu thuộc về địa chính trị, chúng đến từ bốn nguồn: Nga, Trung Quốc, Trung Đông, và không gian mạng.

Mặc dù Liên Xô không còn tồn tại, nhưng Nga vẫn là một cường quốc hạt nhân hùng mạnh với khả năng triển khai lực lượng đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Nền kinh tế Nga cũng suy yếu vì phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu trong thời điểm giá dầu đang sụt giảm đáng kể. Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo người dân Nga rằng họ sẽ phải đối mặt với tình cảnh thắt lưng buộc bụng, vì chính phủ sẽ không còn đủ khả năng tái phân bổ phúc lợi như những năm gần đây.

Mối nguy địa chính trị này nảy sinh từ sự phụ thuộc ngày càng lớn của Putin vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài – tại Ukraina và giờ là Syria – để duy trì sự ủng hộ của người dân dành cho ông ở quê nhà. Đồng thời Nga sử dụng các phương tiện truyền thông trong nước (vốn hiện tại đã gần như hoàn toàn thuộc sự kiểm soát của Điện Kremlin) để ca tụng tầm quan trọng trên toàn cầu của nước này. Nga cũng dùng khí đốt xuất khẩu sang Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ  như một vũ khí kinh tế, dù rằng chiến lược này đã bộc lộ những giới hạn khi gần đây Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chuyển sang nhập khẩu khí đốt từ Israel. Cách Putin phản ứng trước những thách thức này cho thấy Nga sẽ tiếp tục là một nguồn bất ổn thực sự đối với phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo, GDP bình quân đầu người của nước này chỉ bằng khoảng một phần tư của Hoa Kỳ (tính theo ngang giá sức mua – PPP.) Tuy nhiên do Trung Quốc có dân số lớn gấp bốn lần Mỹ, nên tổng GDP tính theo PPP của Trung Quốc vẫn tương đương với Mỹ. Và tổng GDP mới là yếu tố quyết định khả năng tăng cường sức mạnh quân sự của một quốc gia, cũng như giúp quốc gia đó trở thành một thị trường quan trọng mang tính chiến lược đối với hàng xuất khẩu của các nước khác, và cung cấp viện trợ cho những nước nghèo trên thế giới. Trung Quốc đang làm tất cả những điều trên với quy mô tương xứng với mức GDP của mình. Trong tương lai, ngay cả với tốc độ tăng trưởng dự kiến ở mức khiêm tốn hơn, thì GDP của Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Mỹ hay Châu Âu.

Trung Quốc hiện đang mở rộng phạm vi chiến lược của mình. Nước này tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, phản bác lại tuyên bố của các nước khác trong khu vực (bao gồm Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam). Đặc biệt, Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” (ban đầu do Đài Loan đặt ra từ năm 1947) để biện minh cho chủ quyền của mình đối với phần lớn Biển Đông, nơi mà họ đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo và khẳng định chủ quyền đối với những vùng nước xung quanh. Hoa Kỳ đã miêu tả chính sách của Trung Quốc là “Chống tiếp cận/ Chống xâm nhập khu vực” (Anti-Access Area Denial, A2/AD): một nỗ lực nhằm đẩy Hải quân Mỹ tránh xa Trung Quốc lục địa, và theo đó là đường bờ biển các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình qua những sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), các chương trình viện trợ ở Châu Phi, và dự án “Một Vành đai, một con đường” nhằm mở ra các liên kết trên biển và trên bộ qua Ấn Độ Dương và Trung Á thẳng tới Châu Âu. Các nhà lãnh đạo chính trị hiện nay của Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ hòa bình, hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây khác. Tuy nhiên trong tương lai, thách thức đối với Mỹ và các nước đồng minh là làm sao ngăn chặn các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tiếp theo không được áp dụng các chính sách đe dọa phương Tây.

Tại Trung Đông, thế giới phần nhiều tập trung vào mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đến người dân ở khắp nơi – gồm cả châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề lớn hơn tại khu vực này là cuộc xung đột giữa hai dòng Hồi giáo Shia và Sunni – sự chia rẽ đã tồn tại hơn một ngàn năm qua. Trong phần lớn quãng thời gian đó, và ở hầu hết những nơi xảy ra giao tranh, người Shia đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử – và thường xuyên chịu những hành vi bạo lực đẫm máu gây ra bởi người Sunni.

Do đó, Ả-rập Saudi và các nước vùng Vịnh khác do người Sunni cai trị luôn coi Iran, nơi tập trung người Shia trong khu vực, là kẻ thù chiến lược của họ. Đặc biệt, Ả-rập Saudi lo ngại rằng Iran đang muốn lật ngược kết cục và cố gắng chuyển quyền kiểm soát các thánh địa Hồi giáo ở Mecca và Medina sang cho người Shia. Một cuộc xung đột giữa Ả-rập Saudi và Iran cũng sẽ là một cuộc chiến tranh giành những giếng dầu lớn của Bán đảo Ả-rập cũng như khối tài sản khổng lồ của các quốc gia nhỏ của người Sunni, như Kuwait và Qatar.

Không gian mạng, nguồn rủi ro cuối cùng, có thể sẽ sớm làm lu mờ tất cả các mối nguy còn lại, bởi biên giới và quân đội không thể hạn chế nó. Sự đe dọa từ không gian mạng bao gồm các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS attacks[1]) nhằm vào các ngân hàng và các tổ chức khác; truy cập trái phép vào hồ sơ cá nhân của các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, và các cơ quan chính phủ; và hoạt động gián điệp công nghiệp. Trên thực tế, vấn nạn các công ty Mỹ bị trộm cắp công nghệ đã dẫn đến một thỏa thuận gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rằng cả hai chính phủ sẽ không hỗ trợ việc ăn cắp công nghệ nhằm mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp của nước mình.

Những nguy cơ này rất nghiêm trọng, nhưng chúng chưa nghiêm trọng bằng mối đe dọa mà các phần mềm độc hại gây ra đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng – như lưới điện, hệ thống giao thông hàng không, đường ống dẫn dầu, nguồn cung cấp nước, các thị trường chứng khoán, v.v… Các vụ tấn công sử dụng phần mềm độc hại gần đây được cho là do Trung Quốc, Iran, Nga và Bắc Triều Tiên tiến hành. Thế nhưng thậm chí các quốc gia cũng chẳng cần phải đích thân tiến hành: Các cá nhân và các chủ thể phi quốc gia vẫn có thể triển khai các phần mềm độc hại chỉ đơn giản bằng cách thuê các “cao thủ”trong thị trường ngầm quốc tế.

Vũ khí tin học tương đối rẻ (và do đó rất dễ tiếp cận) và có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng sẽ là những vũ khí tương lai dùng để tấn công hoặc đe dọa tống tiền kẻ thù. Và chúng ta vẫn chưa đủ khả năng để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy hoặc để xác định nguồn gốc của chúng một cách rõ ràng.

Bốn nguồn rủi ro này tạo thành một tập hợp những thách thức địa chính trị hết sức nghiêm trọng. Khi nhấn mạnh những rủi ro này, tôi không hề có ý giảm nhẹ tầm quan trọng của các vấn đề khác – như chính sách tiền tệ của Mỹ, giá cả hàng hóa cơ bản thấp, khủng hoảng nợ, và các vấn đề tương tự – chúng đều có khả năng tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong năm tới. Điểm đặc biệt của những nguy cơ đến từ Nga, Trung Quốc, Trung Đông, và không gian mạng là chúng sẽ tiếp tục tồn tại dai dẳng và sẽ đe dọa nền kinh tế tương lai của chúng ta trong suốt nhiều năm tới.

Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch danh dự của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984. Năm 2006, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Tình báo nước ngoài của Tổng thống Bush, và vào năm 2009, ông được bổ nhiệm vào Ban Cố vấn Phục hồi Kinh tế của Tổng thống Obama. Hiện ông là thành viên Ban giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFE), Ủy ban Ba bên, và Nhóm 30 (Group of 30), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Copyright: Project Syndicate 2015 –The Global Economy Confronts Four Geopolitical Risks

————–

[1] Tấn công từ chối dịch vụ (tấn công DoS – Viết tắt của Denial of Service) khiến cho những người dùng (users) không thể truy cập và sử dụng tài nguyên của một máy tính hoặc một hệ thống mạng do hệ thống bị làm gián đoạn, hoặc bị làm quá tải tài nguyên [NHĐ].

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]