Cách đánh bại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến

jihad-5

Nguồn: George Soros, “How to fight Jihadi terrorism”, Project Syndicate, 29/12/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những xã hội mở luôn ở trong tình trạng nguy hiểm. Điều này đặc biệt đúng với Mỹ và châu Âu ngày nay do những cuộc tấn công khủng bố ở Paris và nhiều nơi khác, cũng như vì cách mà Mỹ và châu Âu, đặc biệt là nước Pháp, đã phản ứng lại các cuộc tấn công đó.

Những tổ chức khủng bố thánh chiến, như Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và Al Qaeda, đã khám phá ra gót chân Achilles của xã hội phương Tây: đó là nỗi sợ hãi trước cái chết. Bằng việc châm ngòi cho nỗi sợ hãi đó qua những cuộc tấn công kinh hoàng và những video tàn bạo, những kẻ tuyên truyền cho ISIS đã đánh thức và khuếch đại tâm lý đó, dẫn tới tình trạng những con người vốn vẫn thường lý trí trong các xã hội mở trở nên không còn lý trí nữa.

Các nhà khoa học nghiên cứu bộ não đã khám phá ra rằng cảm xúc là một thành phần thiết yếu trong quá trình suy luận lý trí của con người. Khám phá này lý giải tại sao chủ nghĩa khủng bố thánh chiến đang là mối đe dọa lớn đối với xã hội hiện đại: nỗi sợ cái chết khiến chúng ta và cả các nhà lãnh đạo suy nghĩ – tiếp đó là hành động- một cách phi lý trí.

Khoa học chỉ đơn giản là khẳng định lại vấn đề mà kinh nghiệm đã cho ta thấy từ lâu: trong cuộc sống, khi chúng ta sợ hãi, cảm xúc sẽ lấn át suy nghĩ và hành động. Bởi vậy chúng ta thấy khó khăn khi đưa ra những phán xét có lý trí. Nỗi sợ hãi đã kích hoạt một phần cũ kỹ, nguyên sơ hơn của bộ não thay vì phần giúp hình thành và duy trì những giá trị và nguyên tắc trừu tượng của xã hội mở.

Vì thế, xã hội mở luôn bị đặt trong tình trạng nguy hiểm từ chính những nguy cơ được gây ra bởi phản ứng của con người trước nỗi sợ hãi. Một thế hệ được thừa hưởng xã hội mở từ thế hệ cha anh sẽ không thể hiểu được điều gì là cần thiết để duy trì xã hội đó cho tới khi họ bị đặt trước thử thách và học được cách không để nỗi sợ làm bại hoại lý trí. Chủ nghĩa khủng bố thánh chiến chỉ là ví dụ gần đây nhất. Nỗi sợ hãi chiến tranh hạt nhân đã từng thử thách thế hệ trước, còn nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít đã thử thách thế hệ của tôi.

Mục tiêu tối hậu của những kẻ khủng bố thánh chiến là thuyết phục những người trẻ theo đạo Hồi trên toàn thế giới rằng chủ nghĩa khủng bố là giải pháp duy nhất. Đồng thời những cuộc tấn công khủng bố là cách để đạt được mục tiêu đó bởi nỗi sợ hãi cái chết sẽ đánh thức và khuếch đại những ác cảm tiềm ẩn đối với Hồi giáo ở châu Âu và Mỹ, khiến những người theo tôn giáo khác đối xử với tất cả tín đồ Hồi giáo như những kẻ tấn công tiềm năng.

Và đây chính xác là điều đang diễn ra. Những phản ứng hoảng loạn trước chủ nghĩa khủng bố theo hướng bài Hồi giáo đã sản sinh ra nỗi sợ hãi và sự hận thù trong cộng đồng người Hồi giáo đang sinh sống ở châu Âu và Mỹ. Những người lớn tuổi tỏ ra sợ hãi, thế hệ trẻ tỏ ra hận thù; kết quả là hình thành một vùng đất màu mỡ sản sinh ra những phần tử khủng bố tiềm năng. Đây là một quá trình phản ứng hai chiều, tương hỗ lẫn nhau.

Làm thế nào để chấm dứt trình trạng này và đảo ngược tình thế? Việc từ bỏ những giá trị và nguyên tắc làm nền tảng cho xã hội mở và đầu hàng trước những tình cảm chống Hồi giáo xuất phát từ nỗi sợ hãi rõ ràng không phải là câu trả lời cho vấn đề này, mặc dù có thể khó khăn trong việc cưỡng lại những thôi thúc đó. Bản thân tôi cũng trải qua điều tương tự khi xem cuộc tranh luận bầu cử tổng thống mới nhất của Đảng Cộng hòa; tôi chỉ có thể ngăn được cảm giác đó bằng cách tự nhắc nhở bản thân rằng thật ngu ngốc khi làm theo những điều kẻ thù mong muốn.

Để loại bỏ mối nguy từ chủ nghĩa khủng bố thánh chiến, những cuộc tranh luận chung chung là không đủ; chúng ta cần một chiến lược. Thử thách càng được nhấn mạnh hơn bởi thực tế là hiện tượng thánh chiến đã tồn tại cùng chúng ta qua hơn 1 thế hệ rồi. Quả thực, để hiểu thấu đáo về hiện tượng này có thể là bất khả thi. Tuy nhiên những nỗ lực cần phải được thực hiện.

Hãy xét tới xung đột ở Syria, đây là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di dân vốn đang đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho Liên minh châu Âu như chúng ta đã biết. Nếu vấn đề này được giải quyết, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng ISIS hiện đang ở vào thế yếu. Dù chúng gieo rắc nỗi sợ hãi trên toàn thế giới, vị thế của chúng trên chính quê nhà lại đang suy yếu. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết chống lại tổ chức này, và những kẻ cầm đầu ISIS nhận thức được rằng những ngày của chúng ở Iraq và Syria không còn nhiều nữa.

Tất nhiên, tương lai của Syria vẫn còn rất bất định, cuộc xung đột ở đó không thể được phân tích hay giải quyết một cách biệt lập. Nhưng có một điều rõ ràng là: chúng ta sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu làm theo những điều bọn khủng bố muốn. Đó là lý do tại sao khi năm 2016 đang tới gần, chúng ta phải tái khẳng định các cam kết với những nguyên tắc của xã hội mở và chống lại những lời kêu gọi từ những kẻ như Donald Trump và Ted Cruz, dù việc đó có khó khăn tới đâu.

George Soros là chủ tịch của công ty Quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) và là chủ tịch của Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations). Là một người đi đầu trong lĩnh vực quỹ phòng hộ (hedge-fund), ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Market: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, và The Tragedy of the European Union.

Xem thêm:

Chiếc bẫy của Nhà nước Hồi giáo dành cho châu Âu

Copyright: Project Syndicate 2015 – How to fight Jihadi terrorism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]