Một vài kinh nghiệm cải cách phong tục trong lịch sử VN

phunuVN

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Các nhà nghiên cứu văn học sử về thời nửa đầu thế kỷ thứ 19 đều chú ý đến dòng văn học hoài Lê. Bàn về dòng văn học này, những bài thơ thất ngôn của bà huyện Thanh Quan thường được nhắc đến, tiêu biểu là bài “Thăng Long hoài cổ”:

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường,
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Ðá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Kẻ đấy người đây luống đoạn trường.

Tuy rằng thơ rất hay, lại nặng lòng nhớ đến triều cũ, nhưng loại thi ca này chỉ lưu hành trong phạm vi nhỏ với một ít kẻ sĩ cùng chí hướng; hoặc đôi khi tác gỉả giữ trong lòng, Một mảnh tình riêng ta với ta [1] , nên tầm ảnh hưởng của nó lúc bấy giờ chưa đạt đến mức báo động đối với nhà cầm quyền.
Còn có một lối biểu hiện hoài Lê khác phổ thông hơn, đã gây nên sự phản ứng của triều đình nhà Nguyễn, đó là lối ăn mặc của dân Ðàng Ngoài. Bấy giờ đất nước trải qua gần 200 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh, phong tục hai miền thay đổi, nên cách ăn mặc của người Ðàng Trong (từ Quảng Bình vào Nam) khác với dân Thanh Nghệ và Bắc Hà. Khi Gia Long thống nhất đất nước, cố đô lịch sử Thăng Long bị mất tên; cái tên mới Hà Nội chỉ vỏn vẹn nói lên vị trí đất này đối với một dòng sông lớn, chẳng khác gì những tên khác như Hà Nam, Hà Ðông thời đó, hoặc Hà Bắc, Hà Tây ngày nay vv… Người dân Ðàng Ngoài, bất mãn với thời thế, cố tình duy trì y phục xưa, coi như đó là biểu tượng của nước cũ, để ngầm thể hiện một thái độ đối kháng tiêu cực.

Khi Minh Mệnh tuần du đất Bắc vào năm 1821, ắt phải thấy dân từ tỉnh Nghệ An trở ra mặc quần khác kiểu, đặc biệt phái nữ thì “mặc quần không đáy” tức mặc váy. Vị vua chuyên chế này muốn bắt dân trở về với “Vương hóa”, bèn ngầm sai các quan địa phương kiến nghị lên, rồi ra sắc mệnh như sau:

Tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 9 [1828]

Phó Tổng trấn Bắc Thành Phan Văn Thúy xin cải đổi y phục quần tại Bắc Thành; được nhà vua chấp nhận. Vua dụ rằng:

“Quốc gia ta thống nhất hải vũ, phong tục chính đáng, há có thể khác! Tháng trước các quan trấn thủ Nghệ An, Thanh Hóa lần lượt xin cải y phục của kẻ sĩ và dân, đã chấp thuận theo lời xin; nay toàn hạt Bắc Thành [Bắc Kỳ] cũng cần kịp thời thay đổi để thống nhất qui chế. Việc thay đổi phong tục đáng được thực hiện hàng loạt, nhưng dân gian giàu nghèo không giống nhau, nên biện pháp cần thiết nên căn cứ vào tháng và mùa thích hợp. Dụ các ngươi biết rằng điều cần thiết đặc biệt phải thông sức cho sĩ và dân, phàm kiểu y phục đều cải theo Quảng Bình trở vào nam. Chuẩn cho mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], nhất tề cải đổi, để biểu thị ý nghĩa tuân theo Vương hoá.” [2]

Lệnh truyền đạt xuống tận nơi, lại cho tư lại đến nhà dân, phố chợ để hạch sách kiểm soát, nhưng không thực hiện được triệt để, mà lòng dân oán hận đầy đường:

Tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 9 [1828]

Lệnh thông báo cho toàn hạt, không kể trai, gái, già, trẻ; thể chế về y phục quần đều phải sửa cho đúng, hẹn trong vòng 3 tháng, riêng kẻ nghèo hạn trong 6 tháng. Lúc này tư lại tự tiện đến chợ búa, nhà dân để hống hách gây ra mối tệ. Oán giận đầy đường; nhưng trong triều ngoài nội đều bị che đậy, biểu dâng lên rằng lòng dân hoan nghênh. [3]

Sự phản đối của nhân dân còn được lưu lại qua ca dao với hình ảnh mỉa mai rằng những bà nội trợ vốn chỉ mặc váy, nay thình lình có lệnh vua sai quan kiểm soát tại chợ, nên đành phải cướp quần chồng để mặc:

Chiếu vua mồng sáu tháng ba,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Mà đi thì cướp quần chồng sao đang!

Thật ra, không phải dân Ðàng Ngoài chê quần không đẹp; tục ngữ còn lưu lại câu “Ăn Bắc mặc Kinh ”; ý chỉ miếng ngon nổi tiếng tại Bắc Hà, Hà Nội, còn mặc đẹp thì tại kinh đô Huế hay Ðàng Trong. Lý do người dân không ủng hộ chỉ vì họ bị cưỡng ép bởi triều đình, nhất là một triều đình vừa mới thống trị.

Trong các tập tục của đàn ông nước ta thời xưa, phải kể đến lối để tóc dài. Mái tóc dài đã có một thời là biểu tượng cho truyền thống quốc gia, nên trong hịch Tây Sơn đánh quân Thanh có câu nội dung: đánh cho (được) dài tóc, đánh cho đen răng.

Một người khác, tuy đối kháng với nhà Tây Sơn, nhưng cũng cương quyết hy sinh mạng sống để bảo vệ mái tóc; đó là di thần Lê Quýnh. Khi lưu vong sang Trung Quốc, bị Phúc Khang An cưỡng ép phải cạo đầu dóc tóc theo phong tục Mãn Thanh, Lê Quýnh cực lực phản đối:

Ngày 13 tháng Chạp năm Càn Long thứ 54 [26/1/1790]

Dụ các Quân Cơ Đại thần: Hôm qua nghe lời tâu của Phúc Khang An rằng bọn Di quan Lê Quýnh đến nội địa không chịu cắt tóc, lại muốn ra khỏi quan ải để phục thù cho họ Lê, lời lẽ kiên quyết cố chấp; đã ra lệnh đem bọn Lê Quýnh bốn tên đến kinh đô, để Trẫm điều tra rõ ràng, sau mới giáng chỉ quyết định. Lê Quýnh là cựu thần của nhà Lê, năm ngoái theo mẹ và vợ của Lê Duy Kỳ vào nội địa; lại ra khỏi quan ải để trở về nước tìm Lê Duy Kỳ. Lúc Lê Duy Kỳ xuất bôn, Quýnh không theo kịp; mới đây bí mật trốn từ ải này qua ải khác để vào nội địa, không qua con đường Lạng Sơn; tức phải có tình tiết riêng. Lo thám thính tin tức về chủ cũ, lưu ly bôn ba mà không đổi khí tiết, lại khoe rằng ngoài quan ải còn tụ tập nhiều lính, ai cũng muốn đánh Nguyễn để phục thù; ý muốn Thiên triều mang binh đánh Nguyễn Quang Bình để toại chí phục hưng họ Lê. Lúc gặp Phúc Khang An trình bày việc xin mượn quân, cớ sao trong tấu điệp Phúc Khang An không nói việc này ra? Hoặc giả Lê Quýnh tự thị trung với họ Lê, lòng quá phẫn khích; lại nhân Phúc Khang An hai ba lần bác bỏ, thì lời nói và sắc mặt có vẻ giận dữ, rồi đưa ra những lời chọc tức! Phúc Khang An nhân đó không kiên nhẫn hỏi tường tận, xin an trí bọn này tại Tân Cương… [4]

Chẳng riêng gì Lê Quýnh, ngay cả những người Việt được nhà Tây Sơn sai làm công việc mật, cướp phá tại bờ biển Trung Quốc, cũng không màng cắt tóc để che dấu tung tích:

Ngày 6 tháng 8 năm Gia Khánh thứ 7 [2/9/1802]

…Rồi mấy năm gần đây phát hiện trong số các thuyền cướp phá tại vùng biển Phúc Kiến, Lưỡng Quảng, thỉnh thoảng có bọn hải tặc tóc dài; nghe rằng nước này [nhà Tây Sơn] tung ra biển cướp. Trẫm chưa vội tin, nghĩ rằng bọn tóc dài có thể là những người nghèo tại An Nam gia nhập vào đảng cướp; nên đã giáng chỉ ra lệnh cho nước này truy nã, nhưng chưa bắt hiến được một tên nào!

Nay Nguyễn Phúc Ánh cho trói giải giao bọn Mạc Quan Phù 3 tên, lấy cung từ đều xưng bọn chúng là trộm cướp nội địa [Trung-Quốc], bị nước này chiêu dụ, phong cho các ngụy chức như Đông Hải vương, Tổng binh v.v…, rồi ra lệnh đến biển nội địa cướp phá khách thương. Nguyễn Quang Toản không những không chịu tuân chỉ truy nã bọn cướp, mà lại còn dung nạp chúng, ban chức tước, cướp phá vùng biển, bội nghĩa vong ân đến như vậy là cùng!…[5]

Tập tục để tóc dài đã ăn sâu vào lòng người như vậy, tưởng không thể nào bỏ nổi, nhưng đã bỏ được một cách dễ dàng và khá triệt để. Ðó là lúc nước ta bị nhục nô lệ bởi người Pháp. Người dân Việt tự biết sự yếu hèn của mình trước tàu đồng, súng đại bác. Giận mình, giận cả mái tóc dài với hình ảnh người trai “búi tó củ hành” yếu đuối, phong trào Duy Tân hô hào cắt tóc:

Phen này cắt tóc đi tu,
Tụng kinh độc lập, tại chùa Duy Tân.
Sớm hôm khấn vái chuyên cần,
Cầu cho ích quốc lợi dân mới là…

Lời hô hào được toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng. Lúc bấy giờ, nhà cầm quyền thực dân Pháp không những không ủng hộ việc cắt tóc, mà còn buộc tội những người để tóc ngắn trong vụ án năm 1908 tại mấy tỉnh Trung Kỳ [6] . Dù việc hớt tóc gặp sự cấm đoán khó khăn như vậy, nhưng tập tục để tóc dài “búi tó củ hành” đã đi vào dĩ vãng.

Người viết bài này quê tại Hà Tĩnh, những năm đầu Minh Mệnh đất Hà Tĩnh thuộc tỉnh Nghệ An [7] , nên người dân tại đây cũng phải chịu ảnh hưởng bởi lệnh của nhà vua cấm quần không đáy (tức váy). Vào khoảng sau năm 1945, ở vào tuổi nhi đồng bắt đầu có ký ức, người viết nhớ rằng trong làng phái nam đều cắt tóc ngắn, ngoại trừ một vài cụ già còn để búi tó; nhưng rồi mấy năm sau các cụ cũng chầu trời, thế là mọi người đều để tóc ngắn. Riêng về y phục phụ nữ, thì cả làng hầu như mặc váy; ngoại trừ một vài bà mặc theo lối tân thời, hoặc những cô nữ sinh đi học tại trường huyện.

Những điều mắt thấy, có thể tạm kết luận rằng đối với việc sửa đổi phong tục, thì sự vận động quần chúng có hiệu nghiệm hơn là lệnh của nhà nước; cho dù nhà nước có nhiều quyền lực, được cai trị bởi một vị vua chuyên chế như Minh Mệnh.

Một câu chuyện vui được viết thêm, để làm chứng về sự kéo dài của tập tục mặc váy: Thời kháng chiến, máy bay Pháp thường oanh tạc, nên hầm trú ẩn được đào sẵn khắp mọi nơi. Tại một làng quê, khi trống báo động nổi lên, có ông thầy giáo đang đi trên đường, bèn nhảy vội xuống hầm. Riêng một bà nội trợ gần đó, quá chăm công tiếc việc, nấn ná làm lụng trong nhà. Rồi máy bay quần sát trên ngọn cây, lúc này bà hoảng quá, bèn nhắm mắt chạy vội, thần hồn nát thần tính không kịp nhìn, nhảy đại ngay xuống hầm ông thầy giáo núp. Chiếc váy của bà nội trợ chùm kín đầu ông thầy giáo! Một màn đen bao phủ, khiến ông thầy kinh hoảng tưởng rằng đó là dù của Tây, nên gào lớn:

“Tây nhảy dù! Tây nhảy dù!”

Nguồn: © 2008 talawas

———-

[1]“Vịnh đèo Ngang”, Bà huyện Thanh Quan.

[2]國 史遺 (Quốc sử di biên), Thám hoa Phan Thúc Trực, tr. 181-182; bản chữ Nho của Southeast Asia Studies Section, Hongkong, 1965.

[3]Quốc sử di biên, sđd, trang 182.

[4]Thanh thực lục, bản dịch của Hồ Bạch Thảo. Hà Nội: Nxb Hà Nội, 2008, tr. 164.

[5]Thanh thực Lục, sđd, tr. 242.

[6]Phan Khôi, “Lịch sử tóc ngắn”, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, talawas số ngày 3/5/2008.

[7]Thời điểm có lệnh thay đổi quần vào năm Minh Mệnh thứ 9 [1828], đất Hà Tĩnh còn nằm trong tỉnh Nghệ An. Ðến năm sau, Minh Mệnh thứ 10 [1829] , trích hai phủ Ðức Thọ và Hà Hoa lập nên tỉnh Hà Tĩnh.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]