Nguồn: “Selection of New National Leaders in Laos Indicates Tilt to Vietnam”, RFA, 22/01/2016.
Biên dịch: Phan Nguyên
Với việc bầu lên dàn lãnh đạo quốc gia mới và bắt giữ một số lãnh đạo cũ, Lào dường như đang củng cố mối quan hệ với Việt Nam trong khi cố gắng đẩy lùi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng nhiều hơn lên đất nước này.
Kết quả của cuộc bầu cử ủy ban trung ương đảng mới dự kiến sẽ được công bố sớm tại Vientiane với việc ông Bounnhang Vorachit được chuẩn thuận giữ chức chủ tịch nước (kiêm tổng bí thư) và Thongloun Sisoulith được đề bạt chức thủ tướng. Chủ tịch Quốc hội và cựu thống đốc ngân hàng trung ương (bà) Pany Yathotou cũng có thể được chấp nhận làm phó chủ tịch nước.
Chủ tịch nước (kiêm tổng bí thư) hiện tại Choummaly Sayasone, Thủ tướng Thongsing Thammavong và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad dự kiến sẽ nghỉ hưu, mở đường cho các thay đổi.
Danh sách lãnh đạo mới của nhà nước độc đảng bí mật được xem là mang hướng thân Hà Nội trong khi những người nghỉ hưu được cho là thân Trung Quốc.
“Rõ ràng là sau khi Chủ tịch Choummaly Sayasone và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad ra đi thì không còn có nhóm thân Trung Quốc nào nữa,” một cựu quân nhân Lào về hưu gần gũi với Bộ Quốc phòng nói với RFA tiếng Lào ngày hôm nay.
“Trước Đại hội Đảng lần thứ 10, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên thăm và làm việc tại Lào, và tôi thấy các nhóm lãnh đạo Lào cũng làm việc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, cho thấy Việt Nam – là một người anh lớn của Lào – muốn can dự vào việc bầu ban chấp hành trung ương mới bởi vì họ muốn loại bỏ các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc,” ông nói thêm.
Dấu hiệu của việc hết kiên nhẫn
Có những dấu hiệu khác cho thấy việc chế độ hiện tại nghiêng về phía Bắc Kinh đang gây quan ngại cho giới lãnh đạo của đất nước.
Một dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo cũ đã bị mất uy tín là việc cựu bộ trưởng tài chính Phouphet Khamphounvong và thống đốc ngân hàng trung ương Somphao Sayasith, những người có quan hệ gần gũi với những nhà lãnh đạo cũ, đã bị bắt vì tội tham nhũng. RFA được biết Somphao Sayasith bị bắt ngày hôm nay (22/01/2016), trong khi Phouphet Khamphounvong bị bắt hồi tháng 12/2015.
Ban lãnh đạo cũ cũng chịu trách nhiệm về những khó khăn kinh tế của Lào và tình trạng tham nhũng tràn lan của đất nước, một quan chức đại diện tổ chức xã hội dân sự nói với RFA với điều kiện giấu tên.
“Trong năm năm qua, dưới quyền ba nhà lãnh đạo này, khủng hoảng kinh tế đã trở nên tồi tệ đến mức công chức nhà nước bị nợ lương tới 2-3 tháng”, vị này nói.
Ba nhà lãnh đạo này làm việc với nhau để bảo vệ lợi ích kinh tế cá nhân, ông giải thích.
“Nếu Choummaly kiểm tra việc Somsavat đã nhượng đất mở khu kinh tế cho một nhà đầu tư Trung Quốc, thì bản thân Choummaly sau đó sẽ tham gia vào việc khai thác gỗ bất hợp pháp (trên lô đất đó),” ông nói. “Thongsing cũng có vấn đề về xung đột lợi ích khi giao các dự án xây dựng đường bộ cho gia đình mình tại Vientiane – vậy làm thế nào mà ông ta có thể kiểm tra những người khác?”
Vấn đề dự án đường sắt
Việc lựa chọn ban lãnh đạo mới cũng đặt ra các câu hỏi về dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc gây tranh cãi. Hồi đầu tháng này Vientiane và Bắc Kinh đã đồng ý về mức lãi suất cho một gói vay trị giá 480 triệu USD của Trung Quốc nhằm giúp xây dựng dự án đường sắt trị giá 7 tỉ USD. Một buổi lễ động thổ đã được tiến hành tại Vientiane vào ngày 2 tháng 1.
Tuyến đường sắt này là một phần của tuyến đường sắt khu vực dài 3.000 km chạy từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam phía nam Trung Quốc, qua Lào, Thái Lan và Malaysia đến Singapore. Dù tuyến đường sắt dự kiến sẽ giúp thúc đẩy kinh tế của đất nước kém phát triển và không giáp biển này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về chi phí của nó.
“Câu hỏi đặt ra là: Dự án đường sắt Lào-Trung Quốc sẽ tiếp tục được tiến hành êm thấm hay nó sẽ phải đối mặt với những rào cản sau khi Choummaly và Somsavat ra đi” vị quan chức này nói. “Tương lai của dự án này có thể không chắc chắn và bất cứ điều gì cũng có thể thay đổi, nhưng ai mà biết được?”
Người dân Lào bày tỏ sự hoài nghi, và nghi ngờ liệu nhóm các nhà lãnh đạo có thể thay đổi được hay không.
“Tôi vẫn chưa dám tin rằng các nhà lãnh đạo mới có thể giải quyết được các vấn đề khủng hoảng kinh tế và tham nhũng bởi vì các lãnh đạo mới cũng thuộc một đảng – nó giống như bình mới rượu cũ, một người dân Vientiane nói. “Tôi thấy khó mà tin được rằng họ sẽ làm việc cho người dân chứ không phải cho đảng.”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]