Nguồn: “Deng Xiaoping and Jimmy Carter sign accords”, History.com (truy cập ngày 28/01/2016).
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Vào ngày này năm 1979, Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc, đã gặp Tổng thống Jimmy Carter, và họ cùng nhau ký các thỏa thuận lịch sử mới, qua đó đảo ngược hàng thập kỷ chống Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Hoa Kỳ.
Đặng Tiểu Bình đã trải qua quá trình biến đổi đầy đủ và toàn diện của Trung Quốc. Là con trai của một địa chủ, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1920 và tham gia vào cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Đông vào năm 1934. Năm 1945, ông được bổ nhiệm vào Ủy ban Trung ương Đảng, và với chiến thắng năm 1949 của phe cộng sản trong cuộc Nội chiến Trung Quốc, ông trở thành lãnh đạo đảng tại khu vực Tây Nam Trung Quốc. Được điều về Bắc Kinh làm phó thủ tướng vào năm 1952, ông đã thăng tiến nhanh chóng, trở thành tổng bí thư ĐCSTQ vào năm 1954, và là thành viên của Bộ Chính trị cầm quyền vào năm 1955.
Là một nhà hoạch định chính sách chủ chốt, ông ủng hộ chủ nghĩa cá nhân và các động lực vật chất trong nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế của Trung Quốc, điều thường đưa ông vào xung đột với Mao, người có các tín điều cộng sản chính thống. Với sự bắt đầu của Cách mạng Văn hóa vào năm 1966, Đặng Tiểu Bình đã bị công kích là một nhà tư bản và bị thanh trừng khỏi các vị trí cấp cao trong đảng cũng như chính phủ. Công chúng không còn nhìn thấy ông và ông đã phải làm việc trong một nhà máy sản xuất máy kéo. Đến năm 1973, ông đã được phục hồi chức vụ bởi Thủ tướng Chu Ân Lai, người đưa ông về làm phó thủ tướng trở lại. Khi ông Chu ngã bệnh vào năm 1975, Đặng Tiểu Bình trở thành những nhà lãnh đạo trên thực tế của Trung Quốc.
Vào tháng Giêng năm 1976, Chu chết, và trong cuộc đấu tranh quyền lực tiếp theo, Đặng đã bị thanh trừng bởi “Bè lũ bốn tên” – những người theo chủ nghĩa Mao cực đoan giành được quyền lực trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, tới tháng Chín, Mao Trạch Đông qua đời, và Đặng đã được phục hồi sau khi Bè lũ bốn tên bị mất quyền lực. Ông lại tiếp tục vị trí phó thủ tướng của mình, và thường làm lu mờ Thủ tướng Hoa Quốc Phong.
Đặng đã tìm cách mở cửa Trung Quốc để đón đầu tư nước ngoài và tạo mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Vào tháng Giêng năm 1979, ông đã ký một hiệp định với Tổng thống Jimmy Carter, và cuối năm đó, Hoa Kỳ công nhận ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Năm 1981, Đặng Tiểu Bình củng cố vị trí của mình bằng cách thay thế Hoa Quốc Phong bằng Hồ Diệu Bang, một người được ông bảo trợ, và hai người cùng nhau tiến hành các cải cách kinh tế rộng khắp ở Trung Quốc. Các cải cách này được dựa trên các mô hình tư bản chủ nghĩa, chẳng hạn như việc phi tập trung hóa các ngành công nghiệp khác nhau, đưa ra các khuyến khích vật chất như là phần thưởng cho sự thành công về kinh tế, và tạo ra một tầng lớp quản lý tài chính lành nghề và được đào tạo tốt. Là người cố vấn chủ chốt cho một loạt các lãnh đạo kế nhiệm, ông vẫn tiếp tục là nhà hoạch định chính sách chủ chốt ở Trung Quốc trong những năm 1980.
Dưới thời của Đặng, nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, và người dân được hưởng các quyền tự do cá nhân, kinh tế và văn hóa lớn hơn. Tuy nhiên, các quyền tự do chính trị vẫn còn bị hạn chế rất nhiều, và Trung Quốc tiếp tục là một nhà nước độc đảng chuyên chế. Năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã ngập ngừng ủng hộ các cuộc đàn áp của chính phủ đối với các cuộc biểu tình dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Cuối năm đó, ông đã rút khỏi chức vụ đảng cuối cùng của mình nhưng vẫn tiếp tục là một cố vấn có ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc cho đến khi ông qua đời vào năm 1997.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]