Nguồn: Chris Stone, “The Public Sphere’s New Enemies”, Project Syndicate, 07/01/2016.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trước vụ khủng bố tháng 11/2015 tại Paris, việc tổ chức biểu tình ở quảng trường công cộng vẫn còn hợp pháp tại thành phố này. Giờ thì không. Ở Uganda, mặc dù việc công dân tiến hành các chiến dịch phản đối tham nhũng hay ủng hộ quyền của người đồng giới thường phải đối mặt với một công chúng thù địch, họ từng không phải đối mặt với án tù vì biểu tình. Nhưng dưới một đạo luật mới vô cùng mơ hồ, mọi thứ đã khác. Ở Ai Cập, chính quyền gần đây đã bố ráp và đóng cửa nhiều trung tâm văn hóa nổi bật – một phòng triển lãm tranh, một nhà hát và một nhà xuất bản – nơi giới nghệ sĩ và các nhà hoạt động từng tụ tập.
Trên khắp thế giới, dường như các bức tường đang thu hẹp khoảng không gian mà mọi người cần để hội họp, gắn kết, tự do thể hiện bản thân, và đưa ra phản đối. Dù Internet và công nghệ giao tiếp đã khiến việc lên tiếng công khai dễ dàng hơn bao giờ hết, việc giám sát khắp mọi lúc của các nhà nước và các công ty thương mại đã khiến sự biểu đạt, hội họp, và biểu tình đều bị hạn chế. Tóm lại, chưa lúc nào việc lên tiếng lại đòi hỏi nhiều lòng dũng cảm hơn thế.
Với tôi, biến chuyển này không thể rõ ràng hơn. Hồi tháng 11, Quỹ Xã hội Mở (một tổ chức thiện nguyện toàn cầu của George Soros, do tôi điều hành) đã trở thành tổ chức thứ hai nằm trong danh sách đen theo một đạo luật Nga được ban hành hồi tháng Năm, qua đó cho phép tổng công tố nước này cấm các tổ chức nước ngoài và đình chỉ việc họ ủng hộ tài chính cho các nhà hoạt động địa phương. Bởi bất cứ ai liên quan tới chúng tôi đều có thể bị kết tội và ngồi tù, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt đứt liên lạc với hàng chục công dân Nga mà chúng tôi từng trợ giúp nhằm bảo tồn chút dân chủ trong nước họ.
Tất nhiên, không có gì sai khi nhà nước quản lý không gian công cộng và các tổ chức sử dụng chúng. Đầu thập niên 1990, một vài chính phủ mới ở Đông Âu, Châu Phi, và Mỹ Latinh, vốn chưa đánh giá hết sức mạnh của các nhà vận động và tổ chức dân sự, đã không điều tiết hiệu quả các tổ chức vận động chính sách và không gian mà họ hoạt động. Nhưng trong hai thập niên vừa qua, do các nhà vận động đã lật đổ chế độ ở hàng chục quốc gia, các chính phủ đã đi quá xa theo hướng ngược lại, áp đặt kiểm soát quá mức lên các tổ chức và không gian này. Trong quá trình đó, họ đang hình sự hóa cả những hình thức thực hành dân chủ cơ bản nhất.
Trong vài vụ, các chính phủ thậm chí còn không thèm tạo ra cơ sở pháp lý cho hành động của mình. Tại Burundi mùa xuân năm ngoái, Tổng thống Pierre Nkurunziza nắm nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, dù giới hạn 2 nhiệm kỳ được ghi trong hiến pháp. Khi người dân ra đường biểu tình, họ đã bị đàn áp thô bạo.
Thậm chí các nước với truyền thống dân chủ mạnh mẽ nhất thế giới cũng vậy. Sau cuộc tấn công ở Paris, Pháp và Bỉ (nơi âm mưu khủng bố được lên kế hoạch và thực hiện) đã đình chỉ các quyền tự do dân sự vô thời hạn, qua một đêm đã biến họ thành, ít nhất là theo luật, những nhà nước công an trị. Ở cả hai nước, biểu tình đã bị cấm, các nơi thờ cúng bị đóng cửa, và hàng trăm người đã bị giữ và thẩm tra vì đã đưa ra những tiếng nói bất thường.
Phương án này đang gây nên những thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn người có kế hoạch biểu tình ở hội nghị đàm phán khí hậu của Liên Hợp Quốc đã phải chấp nhận rời vị trí. Đó là một hình ảnh thật đáng kinh ngạc, miêu tả cách mà sự sợ hãi có thể chà đạp lên các cam kết cần thiết để duy trì các xã hội mở và tự do chính trị ngay ở Châu Âu, nơi khai sinh ra quyền công dân hiện đại.
Không có một công thức đơn giản nào để điều phối các không gian công cộng hay bảo vệ quyền bất đồng chính kiến ôn hòa trong thời kỳ khủng bố và toàn cầu hóa. Nhưng hai nguyên tắc cơ bản là rất rõ ràng.
Đầu tiên, thế giới cần quản lý tốt hơn luồng di chuyển của con người, tiền bạc, và ít cấm đoán hơn đối với tự do ngôn luận, hội họp, và bất đồng chính kiến. Gần đây, nhiều chính phủ đã đi sai hướng. Nhưng năm 2016 đem lại nhiều cơ hội sửa sai, trong các lĩnh vực từ thương mại tới di cư.
Thứ hai, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm cải thiện chính sách công cần có những quyền tương tự để bảo vệ việc gây quỹ quốc tế giống như việc các doanh nghiệp vì lợi nhuận tìm cách cung cấp các hàng hóa và dịch vụ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài nên được cổ vũ, thay vì kìm hãm, không cần biết liệu nó sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa và tạo việc làm, hay giúp các chính sách công vững mạnh hơn và công dân tích cực hơn.
Trách nhiệm cho việc thay đổi không hoàn toàn nằm hết trên vai các chính phủ. Tất cả chúng ta, những người coi trọng không gian công cộng mở, phải đứng kề vai sát cánh để ủng hộ khung chính sách và các thể chế bảo vệ nó. Giờ là lúc các phong trào, các sự nghiệp và các quốc gia cùng đoàn kết lại.
Khi chỉ cần hoạt động trong vai trò một công dân có quan ngại cũng có thể khiến bạn phải vào tù, và sự sợ hãi bị giám sát có thể tạo ra sự thụ động của quần chúng, thì hoạt động chính trị dựa trên một vấn đề không phải là một chiến lược tốt. Cách tốt nhất để bảo vệ không gian công cộng là hãy chiếm lấy nó, thậm chí kể cả khi bạn đang đấu tranh cho một mục đích khác với mục đích của người đứng bên cạnh bạn. Trong năm 2016, chúng ta phải chiếm lấy – và bảo vệ – không gian đó cùng nhau.
Chris Stone là Chủ tịch của Quỹ Xã hội Mở.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]