03/02/1994: Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam

pcoca

Nguồn:Clinton ends trade embargo of Vietnam”, History.com (truy cập ngày 02/02/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1994, Tổng thống Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với nước CHXHCN Việt Nam. Lệnh cấm vận đã được áp đặt từ năm 1975 khi quân đội Bắc Việt chiếm được thành phố Sài Gòn ở Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tổng thống Clinton dỡ bỏ cấm vận chủ yếu để khuyến khích các nỗ lực hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tìm kiếm các tù nhân chiến tranh người Mỹ (POW) và những người mất tích trong chiến tranh (MIA) vẫn chưa được tìm thấy sau chiến tranh. Ông cũng tin tưởng rằng quan hệ kinh doanh được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước.

Các doanh nghiệp Mỹ quan tâm tới việc mở rộng kinh doanh ở các nước châu Á như Việt Nam hoan nghênh động thái của Clinton, trong khi các tổ chức cựu chiến binh và gia đình của các quân nhân thiệt mạng trong cuộc chiến đã bất bình về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Họ tin rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, cũng như việc Clinton là một người trốn quân dịch và từng tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh trong những năm 1970, là một sự xúc phạm đối với ký ức của những người đã chiến đấu và hy sinh phục vụ cho tổ quốc tại Việt Nam. Họ cũng tin rằng Việt Nam không đáng tin cậy khi chỉ ra việc chính phủ Việt Nam từng cung cấp cho các quan chức Mỹ các thông tin sai sự thật về vị trí của các tù binh Mỹ.

Năm 2000, sáu năm sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Clinton đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Trong chuyến thăm này, ông đã cố gắng làm dịu mâu thuẫn nội bộ đang diễn ra ở Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam cũng như về các hành động của mình bằng cách nói rằng “Lịch sử chúng ta để lại đằng sau là đầy đau đớn và khó khăn. Chúng ta không được quên điều đó, nhưng chúng ta cũng không được để điều đó chi phối chúng ta.”

Theo Bộ Quốc phòng, hài cốt của 325 quân nhân Mỹ đã được tìm thấy trong 12 năm đầu tiên sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Tình trạng của hơn một nghìn quân nhân bị mất tích khác vẫn còn chưa được làm rõ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]