15/07/1971: Nixon tuyên bố sẽ thăm Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

nixonCN2

Nguồn: “Nixon announces visit to communist China”, History.com (truy cập ngày 15/7/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1971, trong một chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp, Tổng thống Richard Nixon đã làm cả nước bất ngờ bằng cách tuyên bố rằng ông sẽ đến thăm nước Trung Quốc cộng sản vào năm sau. Tuyên bố này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ Trung – Mỹ, cũng như một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Nixon không phải lúc nào cũng háo hức tiếp cận Trung Quốc. Kể từ khi những người cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, Nixon đã là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất các nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Uy tín chính trị của ông được xây dựng trên nền tảng chống cộng mạnh mẽ, và ông là một nhân vật quan trọng trong làn sóng “Red Scare” (tố cộng) thời kỳ hậu Thế chiến II, trong đó chính phủ Hoa Kỳ đã phát động các cuộc điều tra lớn vào các âm mưu lật đổ có thể có của những người cộng sản ở Mỹ.

Tới năm 1971, một số yếu tố đã thúc đẩy Nixon đảo ngược quan điểm của mình về Trung Quốc. Đầu tiên và quan trọng nhất là chiến tranh Việt Nam. Hai năm sau khi hứa với người dân Mỹ là sẽ đạt được “hòa bình trong danh dự”, Nixon vẫn bị sa lầy tại Việt Nam hơn bao giờ hết. Cố vấn an ninh quốc gia của ông, Henry Kissinger, đã nhìn thấy một lối thoát: Kể từ khi Trung Quốc và Liên Xô mâu thuẫn nhau vào giữa những năm 1960, người Trung Quốc đã tuyệt vọng tìm kiếm các đồng minh và các đối tác thương mại mới. Kissinger muốn sử dụng lời hứa thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn và khả năng tăng cường giao thương với Trung Quốc như là một cách để gia tăng áp lực gia lên Bắc Việt Nam – một đồng minh của Trung Quốc – nhằm đạt được giải pháp hòa bình chấp nhận được.

Ngoài ra, quan trọng hơn là trong dài hạn, Kissinger nghĩ rằng Trung Quốc có thể trở thành một đồng minh mạnh mẽ chống lại Liên Xô, kẻ thù Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Kissinger gọi chính sách đối ngoại này là “realpolitik” (chính trị hiện thực hay thực dụng), tức thứ chính trị ủng hộ việc đối phó với các cường quốc khác một cách thực tế hơn là dựa trên cơ sở các học thuyết chính trị hay đạo đức.

Nixon đã thực hiện “chuyến đi vì hòa bình” lịch sử của mình vào năm 1972, bắt đầu một quá trình kéo dài và tiệm tiến nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hoa Kỳ. Mặc dù động thái này đã giúp cải thiện uy tín chính trị của Nixon và góp phần vào chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử năm 1972, nó đã không tạo ra các kết quả ngắn hạn mà Kissinger kỳ vọng.

Người Trung Quốc dường như có rất ít ảnh hưởng lên lập trường đàm phán của Bắc Việt Nam, và cuộc Chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục kéo dài cho đến khi Hoa Kỳ rút quân vào năm 1973. Hơn nữa, liên minh Trung – Mỹ vừa chớm nở đã có tác động không đáng kể lên quan hệ Mỹ – Xô. Nhưng, chuyến thăm của Nixon vẫn chứng tỏ là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi nó mở đường cho các tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ trong việc áp dụng các nguyên tắc chính trị thực dụng vào xử lý các vấn đề quốc tế.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]