Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Nhân tố CNN là một khái niệm phản ánh tác động của truyền thông đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại thông qua việc đưa tin về các cuộc xung đột một cách tập trung và có cảm xúc, qua đó khơi dậy các phản ứng từ công chúng và gây áp lực lên các chính phủ trong việc hành động đối phó với các cuộc xung đột đó.
Khái niệm này gắn liền với vai trò của kênh truyền hình CNN (Cable News Network), một mạng lưới tin tức truyền hình cáp của Mỹ, được thành lập vào năm 1980 bởi Ted Turner. Ngay khi được thành lập, CNN là hệ thống truyền thông đầu tiên cung cấp tin tức 24/24 trên truyền hình, và cũng là kênh truyền hình đầu tiên ở Mỹ chỉ chuyên về tin tức.
Trong khi mạng lưới truyền thông này có chi nhánh ở rất nhiều nước, CNN chủ yếu phát song từ các trụ sở ở Atlanta, New York, và các trường quay ở Washington D.C, và Los Angeles. CNN được sở hữu bởi công ty mẹ Time Warner. Cho đến tháng 6 năm 2008, CNN có mặt tại hơn 93 triệu gia đình người Mỹ. Trên toàn thế giới, CNN được chuyển tải qua CNN Quốc tế (CNN International), và có mặt trên 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. CNN được xếp hạng là mạng lưới tin tức truyền hình cáp đứng thứ 2 của Mỹ, và có số lượng người xem đặc biệt nhất (theo Nielsen Cum Ratings). Kênh CNN International luôn được cập nhật để cung cấp cho người xem những thông tin mới nhất trên toàn thế giới.
Tác động của CNN được nhận thấy rõ nhất thông qua cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi những bản tin chiến sự truyền hình trực tiếp của CNN được đánh giá rất cao. Nhưng điều này cũng đã dẫn đến những cuộc tranh luận về cái gọi là “Nhân tố CNN”, trong đó CNN được cho là đã định hình dư luận về cuộc chiến thông qua cách đưa tin trực tiếp từ chiến trường của mình. CNN xây dựng uy tín của mình với tư cách là một nguồn cung cấp tin quốc tế đáng tin cậy dựa vào việc truyền tải tin từ hiện trường trong những sự kiện nổi tiếng như từ Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989, Baghdad trong cuộc bao vây tháng 1 năm 1991, hay từ tòa nhà Quốc hội ở Matxcơva trong sự kiện cuộc đảo chính tháng 8 năm 1991. Những sự kiện trên và những sự kiện khác sau đó đã xây dựng uy tín của CNN như là một công ty truyền thông mà sự có mặt của nó có thể gây ảnh hưởng đến kết qủa của những sự kiện mà nó truyền tải.
Những sự kiện chính của CNN |
– Thảm họa tàu vũ trụ Challenger (1986): CNN truyền hình trực tiếp việc phóng tàu vũ trụ Challenger và hình ảnh con tàu bị nổ tung sau đó.
– Giải cứu bé Jessica (1987): Em bé 18 tháng tuổi Jessica McClure bị rơi xuống giếng ở Midland, Texas. CNN nhanh chóng có mặt tại hiện trường, và sự kiện đó đã giúp nâng cao tên tuổi của CNN. – Chiến tranh vùng Vịnh (1991): Cuộc chiến đánh đấu việc CNN trở thành một trong ba mạng lưới tin tức lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Các hình ảnh trực tiếp về cuộc chiến đã khiến vai trò của “Nhân tố CNN” trở nên nổi trội. – Sự kiện 11/9: CNN là mạng lưới truyền thông đầu tiên đưa tin về những cuộc tấn công khủng bố này. – Bầu cử Tống thống Mỹ năm 2008: CNN tổ chức và phát trực tiếp các cuộc tranh luận được đánh giá cao giữa các ứng viên tổng thống. |
Nhân tố CNN gây nhiều tranh cải trong hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên là sự ảnh hưởng của nó trong các mối quan hệ quốc tế. Một vài nhà quan sát lập luận rằng CNN là nhân tố mấu chốt giải thích cho cách thức và tốc độ kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh. Vào cuối những năm 1980, những hình ảnh về sự giàu có của chủ nghĩa tư bản đã xâm nhập Đông Âu thông qua truyền hình, làm người dân nhận thức rõ thêm về sự suy thoái kinh tế của các nước này. Vào năm 1989, Bức tường Berlin đã sụp đổ, một sự kiện không ai có thể đoán trước được một vài năm trước đó. Nhờ vào hệ thống thông tin toàn cầu qua vệ tinh, hình ảnh về sự kiện đã được truyền tải khắp nơi trên toàn thế giới. Sau sự tan rã của Liên Xô, các chính quyền ở Đông Âu lần lượt sụp đổ, và hình ảnh sự sụp đổ chính quyền trước lại kích thích sự sụp đổ của các chính quyền tiếp theo. Tương tự như vậy, sau khi sự kiện Thiên An Môn năm 1989 được CNN truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới, Mỹ đã ngay lập tức áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc. Ngược lại, những sự kiện tương tự ở Trung Quốc năm 1986 đã không gây ra phản ứng gì từ các nước phương Tây, phần lớn bởi hình ảnh về các sự kiện này đã không đến được công chúng phương Tây qua truyền hình.
Tuy nhiên, đôi khi ảnh hưởng của nhân tố CNN đối với chính sách đối ngoại rất dễ bị thổi phồng quá mức. Những hình ảnh trên truyền hình về các thảm họa chỉ dẫn tới các quyết định viện trợ nhân đạo trong một số ít trường hợp. Các hình ảnh trên truyền hình cũng không phải luôn thuyết phục được các chính phủ đưa ra các hành động quân sự quan trọng để kết thúc các cuộc đụng độ gây ra các thảm họa nhân đạo đó, ví dụ như cuộc chiến ở Bosnia (1992-95), cho dù những hình ảnh truyền hình cho thấy các cuộc xung đột đó rất thảm khốc và làm lay động người xem.
Vấn đề thứ hai gây tranh cãi là liệu nhân tố CNN nếu có tồn tại thực sự thì gây nên những tác động tích cực hay tiêu cực. Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây hoan nghênh nhân tố CNN trong những sự kiện như sự sụp đổ của Liên Xô thì cũng không ít người không thích tác động của CNN đối với chính chính phủ của họ. Truyền hình có thể giáo dục dân chúng và thu hút sự quan tâm của họ đối với những vấn đề rắc rối mà nếu không có truyền hình thì họ sẽ không quan tâm đến. Nhưng truyền hình cũng khuyến khích các nhà hoạch định chính sách phả ứng một cách nhanh hơn, đôi khi quá nhanh, đối với các cuộc khủng hoảng. Điều này có xảy ra hay không một phần phụ thuộc vào việc chính phủ của các quốc gia có một hệ thống các chính sách rõ ràng hay không. Khi các chính phủ có các chính sách rõ ràng thì họ có thể dùng nhân tố CNN để đem lại lợi ích cho họ. Ví dụ như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chính quyền Mỹ nhận ra rằng những hình ảnh tin tức trên truyền hình, nếu được kiểm soát và phát sóng một cách có lựa chọn, có thể được dùng để hỗ trợ các chương trình hoạt động của quân đội thay vì gây tác động xấu đối với công luận như trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
Xem thêm:
#82 – Hiệu ứng CNN: Công cuộc tìm kiếm một lý thuyết truyền thông về quan hệ quốc tế
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]