Nguồn: “What is the difference between common and civil law”, The Economist, 16/07/2013.
Biên dịch: Đào Quốc Thụy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mùa hè năm 2013, những người Anh theo phái bảo hoàng nóng lòng chờ đón đứa con đầu lòng của vợ chồng Công tước xứ Cambridge (tức Hoàng tử William) chào đời. Nếu con đầu của họ là một công chúa, thay vì một Hoàng tử George xinh xắn nào đó, cô bé sẽ là công chúa đầu tiên thừa kế ngai vàng Hoàng gia trước cả những người em trai là hoàng tử của mình. Điều đó có thể xảy ra là nhờ một đạo luât được ban hành vào năm 2011, làm thay đổi việc thừa kế ngôi báu Hoàng gia tại Anh quốc. Luật trước đó vốn quy định các hoàng tử được ưu tiên thừa kế ngôi báu, chứ không phải các công chúa chị của họ, chưa bao giờ được ghi thành văn bản chính thức, song đó là một phần của thông luật Anh, nền tảng của hệ thống pháp luật nước này. Vậy thông luật (common law) là gì, và nó khác biệt thế nào so với hệ thống dân luật (civil law) đang được áp dụng ở các nước khác?
Hệ thống thông luật là một sản phẩm đặc biệt của Anh quốc. Trước khi xảy ra sự kiện người Normandy chinh phục nước Anh (bởi William “Kẻ chinh phạt” vào năm 1066), các quy tắc và tập tục khác nhau được áp dụng ở các vùng khác nhau thuộc Anh quốc. Kể từ năm 1066, các vị vua trị vì tại Anh đã nỗ lực thống nhất lãnh thổ cũng như hệ thống luật pháp thông qua sử dụng hệ thống tòa án của nhà vua. Các thẩm phán tạo ra một hệ thống pháp luật chung dựa trên các tập tục áp dụng trên toàn quốc và các phán quyết của nhà vua. Những quy định pháp luật đó phát triển một cách hữu cơ nhưng hiếm khi được cụ thể hóa bằng các văn bản chính thức. Ngược lại, các nhà cai trị ở các quốc gia châu Âu khác dựa trên hệ thống luật La Mã, đặc biệt là bộ các quy tắc, luật lệ do Hoàng đế Justinian ban hành vào thế kỷ thứ 6, sau này được tái phát hiện vào thế kỷ 11 tại Italia. Với thời kỳ Khai sáng thế kỷ 18, các nhà cai trị ở nhiều quốc gia trên châu Âu lục địa nỗ lực tìm cách phát triển các bộ luật toàn diện.
Ngày nay sự khác biệt giữa các truyền thống thông luật và dân luật nằm ở nguồn của luật pháp. Mặc dù hệ thống thông luật cũng sử dụng nhiều văn bản pháp luật chính thức, nhưng các án lệ vẫn được coi là một nguồn quan trọng nhất của luật pháp, điều cho phép các vị quan tòa có một vai trò tích cực trong việc phát triển các quy định luật pháp. Ví dụ, các yếu tố để xác định tội danh sát nhân phần nhiều dựa trên các tiền lệ tư pháp hơn là dựa vào các định nghĩa của văn bản luật được ban hành. Để bảo đảm tính nhất quán, tòa án tuân theo các tiền lệ được thiết lập bởi các tòa án cấp cao hơn trong các vụ việc tương tự.
Ngược lại, trong các hệ thống dân luật, luật và các bộ luật được biên soạn sao cho có thể bao trùm mọi trường hợp, và quan tòa có vai trò hạn chế hơn nhiều trong việc áp dụng các luật hiện hành vào từng vụ án cụ thể được phân công xét xử. Các vụ xét xử trước đó chỉ đóng vai trò tham khảo tương đối, không mang tính ràng buộc. Khi tiến hành xét xử một vụ việc, các quan tòa trong hệ thống dân luật có xu hướng đóng vai trò như các điều tra viên, trong khi các đồng nghiệp của họ trong hệ thống thông luật lại thực hiện vai trò tương tự như một trọng tài giữa các bên tham gia tố tụng.
Hệ thống dân luật phổ biến hơn hệ thống thông luật: Bộ dữ liệu The CIA World Factbook thống kê có 150 nước áp dụng hệ thống dân luật so với 80 nước áp dụng hệ thống thông luật. Hệ thống thông luật thường tồn tại ở các nước cựu thuộc địa của Anh hoặc chịu tác động của các tập quán Anglo-Saxon, như Australia, Ấn Độ, Canada và Hoa Kỳ. Các luật sư của hệ thống dân luật cho rằng hệ thống luật của họ ổn định và công bằng hơn so với hệ thống thông luật, bởi các đạo luật được nêu ra rõ ràng và dễ nắm bắt hơn.
Tuy nhiên, các luật sư Anh quốc tự hào rằng hệ thống luật của họ linh hoạt hơn, bởi hệ thống đó dễ dàng thích nghi với những thay đổi của thực tế cuộc sống mà không cần chờ Quốc hội ban hành luật sửa đổi, bổ sung. Thực tế, hiện nay nhiều hệ thống luật pháp là sự kết hợp của cả hai hệ thống nói trên, cho phép chúng khai thác tối đa những đặc điểm ưu việt của cả hai hệ thống đó.