Nguồn: Robert Skidelsky, “How Much Debt is Too Much”, Project Syndicate, 28/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Liệu có tồn tại một tỉ lệ nợ/thu nhập đối với hộ gia đình hay tỉ lệ nợ/GDP mà “an toàn” đối với các chính phủ không? Trong cả hai trường hợp trên, câu trả lời là có. Và trong cả hai trường hợp này, không thể nói chính xác tỉ lệ đó là bao nhiêu. Tuy nhiên, vấn đề này đã trở thành câu hỏi cấp thiết nhất về kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện tại, không chỉ bởi sự leo thang của những khoản nợ hộ gia đình và nợ chính phủ kể từ năm 2000, mà quan trọng hơn là những quan ngại về nợ chính phủ hiện đang trở nên rõ rệt hơn.
Theo một báo cáo năm 2015 của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, những khoản vay nợ hộ gia đình tại nhiều nước phát triển đã tăng gấp đôi, lên tới hơn 200% thu nhập trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2007. Kể từ đó, các hộ gia đình ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 phần nào đã thoái nợ, nhưng tỉ lệ vay nợ hộ gia đình ở hầu hết các cường quốc phát triển vẫn tiếp tục tăng.
Những khoản nợ chính phủ cũng đã bùng phát mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009. Cụ thể, khoản nợ của chính phủ Anh tăng từ mức chỉ nhỉnh hơn 40% GDP vào năm 2007 lên tới 92% vào thời điểm hiện tại. Nỗ lực không ngừng của những chính phủ đang nợ nần chồng chất nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách là nguyên nhân khiến cho tỉ lệ nợ tăng cao, do GDP giảm mạnh như ở Hi Lạp, hay sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở Anh.
Trước khi nền tài chính hiện đại khiến cho việc sống bằng những khoản vay mượn trở nên dễ dàng, việc mắc nợ đã từng bị xem là trái với đạo lý. “Đừng mượn của ai cái gì, và cũng đừng cho ai mượn cái gì,”’ nhân vật bá tước Polonius trong tác phẩm Hamlet của Shakespeare đã khuyên nhủ con trai mình là Laertes như thế. Sự kỳ vọng về một nền kinh tế tăng trưởng không gián đoạn đã mang tới một góc nhìn mới về vấn đề này. Vay thế chấp, một khái niệm mà khoảng một thế kỷ trước còn chưa được biết tới, hiện đã chiếm 74% tổng nợ hộ gia đình tại các nước phát triển (43% tại các nước đang phát triển). Ngân hàng cứ cho vay và hộ gia đình cứ vay, như thể ngày mai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn vậy.
Tương tự, các chính phủ từng luôn được kỳ vọng phải cân bằng ngân sách của mình, trừ thời gian chiến tranh. Nhưng họ thậm chí vẫn kỳ vọng vào những khoản thu ngân sách không ngừng tăng trong bối cảnh mức thuế không đổi, thậm chí là giảm xuống. Do đó, việc vay mượn bất chấp tương lai có vẻ là một nước đi khôn ngoan.
Hiện nay, trước thực tế nhiều hộ gia đình và chính phủ đang phải đối mặt với những vấn đề tài chính nghiêm trọng, nhận định trên có vẻ không còn đúng nữa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tỉ lệ nợ “an toàn” sẽ tuỳ thuộc vào từng bối cảnh.
Chúng ta hãy xem xét trường hợp của Đan Mạch và Mỹ. Năm 2007, tỉ lệ nợ hộ gia đình/thu nhập của Đan Mạch lên tới 269%, trong khi con số cao nhất của Mỹ là 125%. Tuy nhiên tỉ lệ hộ gia đình vỡ nợ là không đáng kể ở Đan Mạch, khác với Mỹ, nơi ở thời điểm đen tối nhất của cuộc suy thoái, gần 1/4 số nợ thế chấp nằm trong tình trạng “ngập nước” (“under water” – tức giá trị thị trường của căn nhà thấp hơn số nợ của căn nhà) và nhiều chủ sở hữu nhà đã chấp nhận vỡ nợ – điều đè nặng thêm áp lực lên giá nhà đất và gây thiệt hại cho các hộ gia đình đang mắc nợ khác.
Nguyên nhân của tình trạng trên có thể là do sự phân bổ của những người đi vay. Ở Đan Mạch, những hộ gia đình có thu nhập cao vay nhiều nhất tương ứng với thu nhập của họ, đồng thời những tiêu chuẩn cho vay thế chấp vẫn còn cao (mức cho vay tối đa là 80% giá trị tài sản thế chấp). Ở Mỹ, các hộ gia đình nằm trong nhóm thu nhập thấp nhất lại có tỉ lệ nợ/thu nhập cao hơn so với nhóm 10% thu nhập cao nhất, và các khoản thế chấp được phân phối tới các hộ gia đình như phát kẹo vậy. Tại Mỹ, cũng như Tây Ban Nha và Ireland, ngân hàng và hộ gia đình đã trở thành khái niệm được biên tập viên tờ Financial Times Martin Wolf gọi là “những nhà đầu cơ có tỉ lệ đòn bẩy cao đầu tư vào một tài sản cố định.”
Xét về nợ chính phủ, tỉ lệ nợ/GDP của Nhật Bản là 230%, so với của Hi Lạp là 177%. Nhưng những hậu quả xảy đến với Hi Lạp nghiêm trọng hơn nhiều so với Nhật Bản. Sự phân bố của các chủ nợ là rất quan trọng. Hầu hết các trái chủ của Nhật đều là người trong nước (nếu không phải là ngân hàng trung ương) và có lợi ích trong việc duy trì một nền chính trị ổn định. Còn hầu hết các trái chủ của Hi Lạp là ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, dù khủng hoảng niềm tin là điều dễ xảy ra trong trường hợp chủ nợ chủ yếu là người nước ngoài, nhưng chưa có biện pháp nào được thực hiện để hạn chế chính phủ chỉ được phép vay từ những nguồn nội địa.
Hiện chúng ta đã hiểu rằng kỳ vọng vào việc tăng trưởng không gián đoạn là một ảo tưởng. Nhưng các chính phủ vẫn đang chậm chạp trong việc phòng bị để đối phó với những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Các công cụ giám sát an toàn vĩ mô như yêu cầu về vốn và dự trữ bắt buộc phản chu kỳ đối với các ngân hàng đã có dấu hiệu bị làm cho suy yếu bởi các nhóm lợi ích trong ngành tài chính. Và trong khi các chính phủ đã cố gắng (dù không hiệu quả) để giảm số nợ ròng của mình, họ lại luôn khuyến khích gia tăng nợ hộ gia đình, nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng “lành mạnh”.
Bản báo cáo của McKinsey sử dụng số liệu được sự đồng thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự báo rằng, với những ngoại lệ đáng chú ý như Đức, Hi Lạp và Ireland, tỉ lệ nợ/GDP ở các nền kinh tế phát triển cao đang có xu hướng gia tăng. Điều này có vẻ đáng báo động. Tuy nhiên, phần lớn những dự đoán này dựa trên những thông tin lá cải thường lặp đi lặp lại rằng chi tiêu của chính phủ không hiệu quả và là một gánh nặng cho các thế hệ tương lai.Trong thực tế, các thế hệ sau sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với thế hệ trước từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ, do đó việc họ phải trả phần lớn số nợ dùng cho những khoản đầu tư đó cũng là hợp lý.
Việc xem xét đến nguyên nhân sản sinh ra những khoản nợ là quan trọng. Những cuộc khủng hoảng nợ có khả năng xảy ra cao hơn nếu nợ được sử dụng để trang trải những chi tiêu hiện tại. Tuy nhiên, khi lãi suất thực tế là gần như bằng không hoặc âm như hiện nay, đây là thời điểm lý tưởng cho các chính phủ vay tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các trái chủ không cần lo lắng về những khoản nợ nếu chúng được đầu tư vào một tài sản có khả năng thúc đẩy sản xuất.
Mục đích của tất cả các chính phủ hiện nay là đạt thặng dư ngân sách để chi trả nợ nần. Điều này là dễ hiểu, nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó mới là quan trọng. Trong điều kiện kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi và tăng trưởng trì trệ, việc tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội là một cách tiếp cận sai lầm; việc củng cố tài khóa đòi hỏi phải thực hiện những bước đi chủ động để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Về dài hạn, điều này chỉ có thể đạt được qua việc nâng cao năng suất. Nhưng các chính phủ có thể khiến cho khoảng thời gian này ngắn lại. Họ đã có thể dựa vào việc in tiền để làm giảm những hiệu ứng giảm phát từ các chính sách tài khóa của mình. Tuy nhiên, theo như McKinsey lập luận, “Thanh khoản… không thể chuyển đổi thành lạm phát khi nhu cầu xuống thấp, khuynh hướng tiết kiệm cao, và các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn thoái nợ.”
Những chính sách tài khóa mở rộng là điều cấm kỵ, bởi nó đe dọa sẽ làm tăng nợ quốc gia lên nhiều hơn. Nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào việc chính phủ thể hiện bảng kế toán của mình như thế nào. Năm 2014, Ngân hàng Trung ương Anh nắm giữ 24% tổng nợ chính phủ. Nếu chúng ta giảm trừ khoản này đi, tỉ lệ nợ/GDP của Anh sẽ là 63% chứ không phải 92%.
Như vậy, việc tập trung vào những khoản nợ ròng của chính phủ trừ đi các khoản vay từ ngân hàng trung ương là hợp lý hơn. Các chính phủ nên sẵn sàng thừa nhận rằng họ không có ý định trả lại những khoản vay từ ngân hàng trung ương của mình. Việc dùng tiền của ngân hàng trung ương để tài trợ chi tiêu công là một trong những ý tưởng cấm kỵ nhưng chắc chắn sẽ giành được sự ủng hộ nếu phục hồi kinh tế bị ngừng lại, một điều có khả năng xảy ra.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Copyright Project Syndicate – How Much Debt is Too Much
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]