Tại sao người Mỹ da trắng đang tự hủy hoại bản thân?

Print Friendly, PDF & Email

_86489306_istock_000005286338_full

Nguồn: Fareed Zakaria, “America’s self-destructive whites”, The Washington Post, 31/12/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Tại sao nhóm người Mỹ da trắng trung lưu đang tự giết mình? Bản thân thực tế này đã là phát hiện quan trọng nhất của ngành khoa học xã hội trong nhiều năm qua. Và nó cũng đang định hình nền chính trị Mỹ. Jeff Guo trên tờ Washington Post đã chỉ ra rằng những người nằm trong nhóm này “là lực lượng chính đưa Donald Trump lên vị trí dẫn đầu trong cuộc đua giành  ghế ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống.” Câu hỏi mấu chốt ở đây là tại sao, và tìm hiểu vấn đề này sẽ cho chúng ta những câu trả lời cho thấy thái độ phẫn nộ đang chi phối nền chính trị Mỹ này sẽ chỉ trở nên ngày càng tồi tệ hơn.

Trong suốt nhiều thập niên, người dân ở các nước giàu thường sống ngày một thọ hơn. Nhưng trong một bài viết nổi tiếng, hai nhà kinh tế Angus Deaton và Anne Case đã nêu ra phát hiện của mình, rằng trong 15 năm qua, một nhóm người ở Mỹ đang hình thành nên một xu hướng ngược chiều đáng ngại, đó chính là nhóm người Mỹ da trắng trung niên.

Tỷ lệ tử vong ở nhóm này càng ngày càng tăng. Và trong số đó tình hình còn tệ hơn đối với những người chỉ có trình độ trung học phổ thông hoặc thấp hơn. Dù có người lên tiếng bày tỏ nghi ngờ đối với những số liệu này, nhưng ngay cả một trong những người chỉ trích nó mạnh mẽ nhất cũng từng thừa nhận rằng dù tính theo cách nào thì “mức thay đổi [của nhóm này] so với các quốc gia khác và các nhóm khác là rất lớn”.

Những nguyên nhân tử vong chính cũng gây ngạc nhiên không kém: tự tử, nghiện rượu, lạm dụng thuốc kê đơn, và các chất gây nghiện phi pháp. “Dường như người ta đang tự giết mình, dù từ từ hay nhanh chóng.” Deaton nói với tôi. Hoàn cảnh dẫn đến những nguyên nhân này thường là do căng thẳng thần kinh, trầm cảm, và tuyệt vọng. So với các quốc gia công nghiệp khác, chỉ có duy nhất sự gia tăng về số ca tử vong tương đương là ở nhóm nam giới tại Nga vào thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ, khi tỷ lệ nghiện rượu tại đây tăng vọt.

Một cách lý giải thông thường cho tình trạng căng thẳng và lo âu của tầng lớp trung lưu này là xu hướng toàn cầu hóa và thay đổi công nghệ đã làm gia tăng áp lực đối với những người lao động bình thường ở các nước công nghiệp. Nhưng xu hướng đáng ngại này lại không xảy ra ở bất kỳ một quốc gia phương Tây nào khác, mà là một hiện tượng riêng biệt của Mỹ. Và thực chất Mỹ tương đối miễn nhiễm với các áp lực toàn cầu hóa này, nhờ vào thị trường nội địa tự chủ và rộng lớn. Thương mại chỉ đóng góp 23% vào nền kinh tế Mỹ, so với 71% như ở Đức và 45% như ở Pháp.

Deaton đã suy luận với tôi rằng có thể do tình hình phúc lợi xã hội hào phóng của châu Âu đã giúp xoa dịu những tâm lý lo sợ thường phát sinh khi có biến động đột ngột. Deaton cũng tin chắc rằng ở Mỹ, các bác sỹ và những công ty dược phẩm khi giải quyết các đau đớn về thể chất và tâm lý đã lạm dụng việc kê đơn thuốc quá mức, bao gồm cả việc dùng đến các thuốc giảm đau liều mạnh và gây nghiện (opioids). Thời điểm các thuốc như Oxycontin – một thuốc giảm đau bán theo đơn có tác dụng giống heroin – được lưu hành rộng rãi trùng với giai đoạn tỷ lệ tử vong tăng cao.

Nhưng tại sao chúng ta không thấy xu hướng tương tự ở các nhóm chủng tộc khác ở Mỹ? Trong khi tỷ lệ tử vong của người Mỹ trung niên không đổi hoặc tăng lên, thì con số này ở các nhóm người La Tinh hoặc da đen lại tiếp tục giảm mạnh. Những nhóm này cũng ở chung trong một đất nước và phải đối mặt với những áp lực kinh tế lớn hơn nhiều so với nhóm da trắng. Tại sao họ lại không cùng chịu tâm lý tuyệt vọng?

Câu trả lời nằm ở mức độ kỳ vọng. Nhà nhân chủng học Carolyn Rouse từ ĐH Princeton trong email trao đổi với tôi đã cho rằng, các nhóm khác có thể không kỳ vọng thu nhập, mức sống và vị thế xã hội của họ hiển nhiên là sẽ dần cải thiện. Họ cũng không tin tưởng chắc chắn rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, họ sẽ có thể vươn lên trong cuộc sống. Trên thực tế, Rouse cho biết sau hàng trăm năm chịu phận nô lệ, phân biệt và kỳ thị, người da đen đã tự phát triển được những biện pháp đối phó với nỗi thất vọng và bất công trong cuộc sống: thông qua gia đình, nghệ thuật, diễn ngôn phản đối và hơn hết, bằng tôn giáo.

“Các bạn đã trở thành những con người kỳ cựu về chịu đựng khổ đau không ngừng.” Martin Luther King đã nói với người Mỹ gốc Phi trong bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” năm 1963: “Hãy tiếp tục tiến lên với niềm tin rằng nỗi thống khổ oan ức ấy sẽ được bù đắp.” Trong một bài viết vào năm 1960, King đã dùng chính những trải nghiệm cá nhân để giải thích vấn đề này: “Khi nỗi thống khổ của tôi ngày càng chồng chất, tôi chợt nhận ra rằng chỉ có hai cách để đối phó với hoàn cảnh của mình: hoặc là phản ứng lại với thái độ chua chát, hoặc là tìm cách biến nỗi khổ đau này thành một sức mạnh mới mẻ…. Vậy giống như lời Thánh Phaolô, giờ đây tôi cũng có thể nói, một cách khiêm nhường nhưng đầy tự hào rằng, ‘Tôi mang nơi thân mình tôi những vết sẹo của Chúa Giêsu’.” Người La Tinh và những trải nghiệm khi nhập cư của họ ở Mỹ tất nhiên có phần khác biệt. Nhưng cũng tương tự như vậy, rất ít người trong nhóm này tin rằng vị trí của họ trong xã hội luôn được đảm bảo chắc chắn. Bộ phận dân tộc thiểu số, về cơ bản, luôn bị gạt ra ngoài rìa. Họ không mặc định rằng hệ thống này được xây dựng cho lợi ích của họ. Họ nỗ lực hết mình và hy vọng đạt được thành công, nhưng họ không kỳ vọng đó là quy luật.

Nước Mỹ đang trải qua một cuộc chuyển biến quyền lực lớn. Tầng lớp người lao động da trắng không tự coi mình thuộc nhóm quý tộc, tinh hoa. Nhưng ở một góc độ nhất định, họ chắc chắn luôn bị so sánh với người da đen, La-tinh, người Mỹ bản địa và phần lớn dân nhập cư. Họ từng là trung tâm của nền kinh tế Mỹ, xã hội Mỹ, và thực chất cả bản sắc Mỹ. Nhưng giờ đây họ không còn ở vị trí ấy nữa. Donald Trump đã hứa hẹn rằng ông ta sẽ thay đổi cục diện này và sẽ giúp họ thắng thế một lần nữa. Nhưng ông ta không thể làm được điều ấy. Không ai có thể. Và trong sâu thẳm, họ cũng biết điều này.

Fareed Zakaria là một cây bút trong mục quan hệ quốc tế của tờ Washington Post. Ông cũng là người dẫn (host) cho chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN và là một biên tập viên đóng góp cho tờ The Atlantic.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]